web analytics

TP Hồ Chí Minh: Mười năm nhìn lại 27/10/2020

(KDTT) – Chặng đường 10 (2010-2020), là hành trình làm nên biết bao thay đổi lớn cho TP Hồ Chí Minh. Nhiều công trình mang tầm cỡ quốc tế ra đời, cấu trúc đô thị thay đổi vượt bậc đã làm nên một diện mạo mới, nâng thành phố này lên một tầm cao mới, khiến thành phố mang tên Bác trở nên giàu đẹp, đáng sống và đáng tự hào hơn với người dân nơi đây.

Diện mạo Sài Gòn hôm nay.

Giao thông đô thị thông suốt, hiện đại hơn

Điều đáng tự hào nhất của TP Hồ Chí Minh trong 10 năm qua có lẽ là nhịp sống giao thông được cải thiện. Đây là giai đoạn nước rút của dự án Metro tuyến số 1: Bến Thành – Suối Tiên. Cho đến thời điểm hiện tại, vật tư, thiết bị, nhân lực… gần như đã sẵn sàng để xe cộ lưu thông, dân TP Hồ Chí Minh sắp được trải nghiệm cuộc sống đô thị hiện đại như những thành phố phát triển khác.

Các công trình giao thông đột phá, tiêu biểu nhất của TP Hồ Chí Minh trong 10 năm qua phải kể đến Hầm Thủ Thiêm, đây được xem là hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á. Đường hầm có 6 làn xe ô tô, được dìm dưới lòng sông Sài Gòn (có ngầm đáy sông). Trải qua gần 1 thập kỷ hoạt động, hầm Thủ Thiêm đã góp phần giải toả áp lực cho cầu Sài Gòn, tuyến đường mới qua hầm rút ngắn thời gian từ trung tâm thành phố về các tỉnh miền Tây lẫn miền Đông, tạo nền tảng phát huy giao thương liên tỉnh.

Đường Phạm Văn Đồng, là tuyến đường nội đô được xem là đẹp nhất thành phố với thiết kế 12 làn xe. Từ khi được thông xe đến nay, toàn tuyến đã góp phần giảm ùn tắc giao thông đáng kể cho khu vực nội thành và cửa ngõ Đông Bắc, tạo động lực cho chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội TP Hồ Chí Minh.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, có tổng chiều dài 55 km, với quy mô 4–8 làn xe. Đây là công trình đường cao tốc hiện đại, được hội đồng nghiệm thu quốc gia đánh giá là dự án đạt chất lượng cao nhất từ trước đến nay. Cao tốc này đã góp phần làm thay đổi tích cực về diện mạo giao thông đô thị của TP Hồ Chí Minh, giúp thành phố đông dân và năng động nhất cả nước kết nối tốt hơn với các tỉnh Đông Nam Bộ, cũng như miền Trung – Tây Nguyên. Bên cạnh đó, còn có nhiều tuyến đường mới được thông xe, đưa vào hoạt động, như: Đại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ hay Đại lộ Đông Tây,…

Ngoài những tuyến đường nghìn tỷ, hầm vượt sông, những cây cầu vượt tại các ngã tư cũng góp một phần không nhỏ trong việc giảm ùn tắc giao thông ở thành phố đông dân nhất cả nước. Chính những cây cầu vượt ấy đã làm thay đổi diện mạo của TP Hồ Chí Minh trong dòng chảy thời gian 10 năm qua, với những cái tên như: Cầu vượt Hàng Xanh, cầu vượt thép Lăng Cha Cả, cầu vượt thép chữ Y trước cổng sân bay trên đường Trường Sơn (quận Tân Bình), cầu vượt thép chữ N tại vòng xoay công viên Gia Định (quận Gò Vấp), cầu vượt Cây Gõ (2013), cầu vượt Ngã Sáu Gò Vấp (2017), cầu vượt Ngã Năm Chuồng Chó (2017)…

Hầm vượt sông Thủ Thiêm.

Có thể thấy, TP Hồ Chí Minh là một trong những thành phố có công trình giao thông đa dạng và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á khi vừa có cầu vượt sông, hầm chui vượt sông.

Có nhiều tòa nhà với kiến trúc đồ sộ, độc đáo

Trong suốt 10 năm qua, đã có nhiều công trình kiến trúc lớn làm “rạng rỡ” TP Hồ Chí Minh, khởi đầu là Toà tháp Tài chính Bitexco Financial Tower (2010), toà nhà có hình búp sen độc đáo này từ khi ra đời đến nay vẫn là biểu tượng của “Hòn ngọc viễn Đông”. Tòa nhà có độ cao là 269 m với 3 tầng hầm và 68 tầng lầu trên diện tích gần 6.100 m². Toà nhà có tầng 49 là đài quan sát Sài Gòn Skydeck và bãi đỗ trực thăng với chiều dài 40m, ở tầng thứ 52 của tòa tháp. Ý tưởng thiết kế được lấy cảm hứng từ hình ảnh của búp sen vươn lên bầu trời, thể hiện cho khát vọng vươn lên của đất nước, đại diện cho dân tộc Việt Nam đầy năng động nhưng vẫn gìn giữ bản sắc.

Tiếp đến là tòa tháp Landmark 81, đây là tòa nhà lập kỷ lục cao nhất Việt Nam. Landmark 81 là toà nhà chọc trời hình bó tre thuộc tổ hợp dự án Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Tòa nhà Landmark 81 có tổng diện tích sàn là 241.000 m2, với 3 tầng hầm. Cấu trúc bao gồm 36 khối có chiều cao khác nhau, được nhóm lại trong một ma trận 6×6 được thiết kế bởi một công ty của Anh. Landmark 81 được lấy cảm hứng từ những bó tre truyền thống, tượng trưng cho sức mạnh và sự đoàn kết trong văn hóa Việt Nam. Hầu hết các đỉnh khối hình ống đều có thiết kế thêm các khu vườn ở bên trên, ngoại trừ những khối cao nhất. Tầng trệt của tòa nhà được sử dụng làm trung tâm mua sắm.

Landmark 81 – toà nhà chọc trời hình bó tre thuộc tổ hợp dự án Vinhomes Central Park.

Sự xuất hiện của Landmark 81 mang lại sự tươi mới và đầy sức sống vươn lên của người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Đay là công trình hoàn hảo đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của TP Hồ Chí Minh trong 10 năm qua, xứng đáng là đầu tàu về phát triển kinh tế của cả nước, xứng đáng là biểu tượng mới, năng động hiện đại và mang tầm vóc quốc tế. Tiếp đến là các cao ốc trong Khu Vinhome Golden River Ba Son, tổ hợp những toàn Park, Landmark… trong dự án Vinhome Central Park Tân Cảng. Bên cạnh đó các các công trình lớn cũ như Toà nhà Thuận Kiều Plaza, Bưu Điện Thành phố,… sau khi được đại trùng tu, hồi sinh lộng lẫy và sang trọng, cổ kính đã góp phần đưa diện mạo Sài thành trở nên đa sắc màu, tươi đẹp ở tầm cao hơn.

Nhịp sống sôi động hơn

Các thương hiệu toàn cầu đổ bộ vào Việt Nam như McDonald’s (2013), Starbuck (2015), KOI Thé (2015), đã thay đổi cách sống của người TP Hồ Chí Minh ở phương diện ẩm thực. Không chỉ gia nhập thị trường ăn uống, làm cho phong phú và năng động hơn trong menu cũng như cách thức thưởng thức, mà nó kích thích lĩnh vực đồ ăn uống nội địa phát triển theo mô hình này. 10 năm qua, hàng quán ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả Việt Nam nói chung đã có một bước tiến dài trong việc chỉnh trang lại không gian kinh doanh: thoáng, sáng, cởi mở và thân thiện hơn.

Điển hình nhất là sự ra đời của phố đi bộ Nguyễn Huệ, đã làm cho nhịp sống nơi đây trở nên sôi động và hiện đại hơn. Phố đi bộ Nguyễn Huệ có chiều dài 670 m, rộng 64 m nằm ngay trung tâm thành phố, trở thành phố đi bộ hiện đại nhất Việt Nam. Đây không chỉ là một công trình công cộng mà còn là một không gian văn hoá, sinh hoạt cộng đồng giữa đô thị văn minh, hiện đại. Tại đây đều đặn diễn ra các hoạt động như nhạc nước, trình diễn văn nghệ, giao lưu cộng đồng. Toàn bộ tuyến phố được lát đá granite với 2 đài phun nước và hệ thống cây xanh.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ

Bên dưới quảng trường có hệ thống ngầm gồm trung tâm theo dõi, trung tâm điều khiển nhạc nước, ánh sáng, hệ thống nhà vệ sinh hiện đại… Phố đi bộ về đêm luôn thu hút đông người nhất vì thời tiết mát mẻ, thích hợp cho mọi người vui chơi thưởng thức ẩm thực đặc biệt là giới trẻ. Ngoài ra nơi đây, cũng là địa điểm rất thích hợp tổ chức nhiều hoạt động mang tính cộng đồng bổ ích, địa điểm xem bóng đá, ca nhạc…

Tuyến phố này được xem giống như “trái tim” của TP Hồ Chí Minh vì khắc hoạ được nhịp sống vừa thanh bình nhưng phảng phất sự hối hả sôi động.

TRUNG HIẾU