web analytics

Rác thải y tế trong đời sống kinh tế xã hội địa phương: Thực trạng và giải pháp tại Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị 103 Yên Bái 20/10/2022

(KDTT) – Xử lý rác thải y tế của bệnh viện và các cơ sở y tế, hay tại các dịch vụ kinh doanh phòng khám tư, hiện đang là một trong những thách thức của ngành y tế, nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây ra sự nguy hại đến sức khỏe cộng đồng, với trực tiếp nhân viên y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và kinh tế xã hội. Thực hiện chuyên đề “Rác thải y tế trong đời sống kinh tế xã hội địa phương: Thực trạng và giải pháp tại Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái”, phóng viên đã nghiên cứu khảo sát thực tiễn, trực tiếp “mục sở thị” nhiều tồn tại cần khắc phục trong quá trình xử lý rác thải y tế ở đây.

Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị 103 (số 494 đường Hòa Bình, thành phố Yên Bái).

Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái là một trong những bệnh viện lớn của tỉnh Yên Bái, được thành lập năm 2009. Mỗi năm, bệnh viện đón tiếp chục nghìn lượt người dân tới khám và điều trị; trong quá trình khám và điều trị, các khoa phòng phát sinh ra một lượng rác thải lớn, trong đó có nhiều loại như rác thải nguy hại, rác thải không nguy hại, rác thải sinh hoạt…

Qua nhiều ngày khảo sát thực tế của phóng viên tại Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái cho thấy: Việc thu gom rác thải tại đây thực hiện chưa đúng theo quy định và còn nhiều bất cập.

Cứ vào khoảng thời gian từ 18h đến 18h30 hàng ngày, lại có người của bệnh viện (không có bảo hộ lao động theo quy định), đẩy một số xe chứa rác thải từ trong bệnh viện ra đường (qua cổng số 2 bệnh viện) rồi nhanh chóng đóng cổng lại.

Sau khi nhân viên rời đi, một số người dân đến bới tung xe rác để nhặt chai lọ, giấy, nhựa, nhiều chai nhựa vẫn còn chứa dung dịch… để mang bán cho các cơ sở phế liệu.

Người dân vô tư nhặt rác thải nhựa tại xe rác của bệnh viện Hữu nghị 103 Yên Bái.

Tất cả các loại rác thải y tế đều để lẫn với rác thải sinh hoạt thông thường đựng trong túi màu xanh (bao gồm cả ống thủy tinh, kim tiêm, bông băng, bao bì, ni long…). Các loại rác thải thông thường không được đựng trong túi ni lon, tất cả được vứt đống trong xe chở rác của Bệnh viện. Theo quy định chất thải y tế sẽ được phân loại, thu gom theo quy định: Túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm; Túi màu đen đựng chất thải hóa học nguy hại; Túi màu xanh đựng chất thải thông thường; Túi màu trắng đựng chất thải có khả năng tái chế.

Rác thải trong danh mục rác thải nguy hại tìm thấy từ xe rác “tạm” của Bệnh viện 103 Yên Bái. Ảnh cắt từ Clip.

Trong quá trình xử lý rác thải của bệnh viện đa khoa Hữu Nghị 103 khi nhân viên bệnh viện vận chuyển các xe rác thải ra ngoài, khoảng 10 đến 15 phút sau, chiếc xe vận chuyển rác của Công ty CP Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái (Công ty Nam Thành) đến thu gom rác. Tại đây, các loại rác thải y tế và rác thải thông thường đều được tập kết thu gom lên chiếc xe này.

Khó tin rằng chiếc xe chuyên dụng của Công ty Nam Thành chuyên thu gom rác thải sinh hoạt của người dân nhưng hàng ngày vẫn chiếc xe này tới thu gom rác thải của Bệnh viện mà không có bất cứ sự phân loại nào.

Sau khi thu gom rác từ Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103, chiếc xe này đi thẳng đến bãi rác của Công ty Nam Thành và tiến hành chôn lấp tại đây, không qua bất kì khâu phân loại, xử lý nào.

Như vậy theo như những gì phóng viên mục sở thị quy trình thu gom, xử lý rác thải y tế tại Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị 103 Yên Bái là chưa đúng với các quy định về xử lý chất thải y tế; Việc xe vận chuyển rác thải sinh hoạt của người dân dùng để vận chuyển rác thải y tế về chôn lấp đã đúng quy trình hay chưa?

Với những dấu hiệu không đảm bảo an toàn trong quá trình xử lý rác thải y tế tại Bệnh viện Đa Khoa Hữu Nghị 103 Yên Bái đang gây hoang mang dư luận, liệu rằng số tiền ký hợp đồng vận chuyển, thu gom, xử lý rác thải y tế của bệnh viện này với doanh nghiệp có đúng quy định? Việc chôn lấp rác thải y tế của Công ty Nam Thành như thế đã đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh môi trường? bãi rác thải này đã được cấp phép chôn lấp rác thải nguy hại hay chưa?

Đối chiếu với các quy định về thu gom, xử lý rác thải y tế của Bộ Y tế, chúng tôi thấy chưa phù hợp, còn nhiều tồn tại bất cập, ảnh hưởng đến môi trường, đến sức khỏe nhân dân. Phóng viên đã đặt lịch liên hệ làm việc với Bệnh viện 103, Sở y tế tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, gần 1 tháng qua phóng viên vẫn chưa nhận được câu trả lời từ Bệnh viện 103 và Sở Y tế tỉnh Yên Bái.

Theo Điều 62 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế và kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người như sau:

1. Bệnh viện, cơ sở y tế khác phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả ra môi trường;

b) Phân loại chất thải rắn tại nguồn; thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trường hợp chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường lẫn vào chất thải y tế lây nhiễm thì phải quản lý như đối với chất thải y tế lây nhiễm;

c) Ưu tiên lựa chọn công nghệ không đốt, thân thiện môi trường và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải y tế lây nhiễm;

d) Khuyến khích việc khử khuẩn chất thải y tế lây nhiễm để loại bỏ mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm trước khi chuyển về nơi xử lý tập trung;

đ) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế gây ra;

e) Xử lý khí thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

g) Xây dựng, vận hành công trình vệ sinh, hệ thống thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải theo quy định.

3. Chất ô nhiễm tác động trực tiếp đến sức khỏe con người phải được quản lý như sau:

a) Nhận diện, đánh giá, cảnh báo, phòng ngừa và kiểm soát chất ô nhiễm có khả năng tác động đến sức khỏe con người; các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe con người có liên quan trực tiếp đến chất ô nhiễm;

b) Kiểm soát và xử lý từ nguồn phát sinh đối với chất ô nhiễm có tác động đến sức khỏe con người và vấn đề về bệnh tật được xác định có nguyên nhân trực tiếp từ chất ô nhiễm;

c) Quản lý, chia sẻ, công bố thông tin về chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết việc phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế; xác định, đánh giá, cảnh báo, theo dõi và phát hiện triệu chứng, nguyên nhân của bệnh tật và các vấn đề về sức khỏe con người có liên quan trực tiếp đến các chất ô nhiễm…

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế phù hợp với điều kiện của địa phương; chịu trách nhiệm thực hiện quản lý các chất ô nhiễm liên quan đến các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe con người trên địa bàn.”