Nâng cao hiệu quả chi tiêu và tài chính cho giáo dục đại học
Việt Nam đã dành cho giáo dục một tỷ trọng cao tài chính của nhà nước (kể cả so với GDP hoặc ngân sách), song theo GS. Nguyễn Lộc, xét dưới góc độ chi tiêu thực tế trên đầu người học nói chung và sinh viên đại học nói riêng, nước ta vẫn ở mức độ rất thấp.
Do vậy, vấn đề hiệu quả chi tiêu và tài chính cho giáo dục đại học đóng vai trò tối quan trọng, đặc biệt đối với việc tăng cường đáp ứng đối với thế giới việc làm. Giải pháp này sẽ giúp giảm thiểu nhiều phân cách trong mối quan hệ giáo dục-việc làm như thiếu ngân sách cho nghiên cứu, thiếu học bổng và các biện pháp đảm bảo công bằng giáo dục, giúp giải quyết việc kết nối giữa giáo dục đại học và giáo dục phổ thông thông qua học bổng và các khoản vay. Nó cũng có thể giúp giải quyết sự phân cách giữa các trường đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu và công nghệ bằng cách hỗ trợ tài chính cao hơn cho nghiên cứu trong các trường đại học.
Tới năm 2004, Việt Nam mới chính thức kết thúc giai đoạn “giáo dục đại học tinh hoa” và bước sang giai đoạn “giáo dục đại học đại chúng” với tỷ lệ nhập học tổng (GER) là 15%.
Từ thời điểm đó đến nay, cùng với xu thế chung của thế giới, chỉ số GER được tăng dần, tuy nhiên khá chậm. Nếu như năm 2014, GER của Việt Nam được tăng đến hơn 30% thì năm 2015 lại giảm chưa tới 29% (theo dữ liệu của World Bank công bố năm 2018).
Theo GS. Lộc, so với các nước như Trung Quốc và Thái Lan, mức độ tiếp cận giáo dục đại học của Việt Nam thấp hơn nhiều. Điều này dẫn tới việc đánh giá chung là số lượng nhân lực của trình độ đại học ở Việt Nam không đủ đáp ứng sự phát triển kinh tế của đất nước. Các nhà sử dụng nhân lực ở Việt Nam đều cho rằng chính sự không đủ về số lượng này dẫn tới việc thiếu hụt về nhân lực trình độ cao. Chính vì vậy, cần đặt mục tiêu GER của Việt Nam đạt tới 40-50% trong ngay 10 năm tới cùng với sự sắp xếp phù hợp về mặt ngân sách công trong giới hạn nhất định về tỷ trọng trong GDP.
Bên cạnh đó, ngân sách chi tiêu công cần được phân bổ theo hiệu quả thực hiện của các trường đại học. Hiệu quả thực hiện cần dựa theo các kết quả kiểm định, kết quả xếp hạng trong nước, quốc tế và các thông tin liên quan khác.
Thúc đẩy tự chủ và chịu trách nhiệm
Đối với Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học công lập đóng vai trò rất quan trọng bởi các trường này có tới hơn 80% sinh viên theo học. Theo GS. Nguyễn Lộc, tự chủ cùng với giải trình trách nhiệm của trường đại học có thể mang lại những lợi ích lớn cho phát triển nguồn nhân lực và đổi mới ở các nước thu nhập thấp như Việt Nam.
Có được điều này là bởi động lực được tạo ra mạnh hơn nhờ có cấu trúc quản trị rõ ràng và sử dụng nhiều hơn thông tin địa phương, kết hợp tốt hơn đào tạo và nghiên cứu giữa các trường đại học và thị trường lao động nhằm đáp ứng nhu cầu. Do vậy, tăng cường quyền tự chủ được coi là có thể hỗ trợ kết hợp tốt hơn giữa đầu ra từ các trường đại học và nhu cầu thị trường lao động.
GS. Nguyễn Lộc cho rằng mức độ tự chủ và chịu trách nhiệm của các trường đại học ở Việt Nam chưa cao. Mức độ tự chủ được hia làm hai nhóm. Nhóm tự chủ học thuật bao gồm: tự chủ nội dung, tự chủ tuyển dụng giảng viên, tự chủ về quy mô tuyển sinh. Nhóm tự chủ hành chính bao gồm: Sở hữu bất động sản và thiết bị, vay vốn, chi tiêu theo mục đích, quyết định mức học phí, quy định lượng nhân sự.
Tăng cường phối hợp để đáp ứng nhu cầu việc làm
Theo GS. Nguyễn Lộc, các bộ, ngành có liên quan đến đáp ứng của giáo dục đại học với việc làm là Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN. Bên cạnh đó, còn có những tác nhân như các tổ chức đào tạo quốc tế, mối quan hệ trường-doanh nghiệp…
Phối hợp các tác nhân đối với giáo dục đại học được coi là một cách tiếp cận quan trọng trong việc giảm thiểu các rào cản giữa giáo dục đại học và việc làm. Chẳng hạn, nếu các cơ quan quản lý của giáo dục đại học có ít thẩm quyền hơn đối với các trường đại học tư thục và trường đại học quốc tế, họ có thể cùng nhau phối hợp để thông qua các quyết định chính sách hiệu quả trong đài tạo nguồn nhân lực. Chúng ta có thể thiết lập các mối quan hệ hợp tác như vậy đối với các doanh nghiệp cũng như giữa các trường đại học với nhau.
Về khía cạnh phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc tăng cường mối quan hệ giáo dục đại học và việc làm hiện nay cũng chưa có một giải pháp hữu hiệu rõ ràng. Theo GS. Lộc, cần tìm ra một cơ chế hữu hiệu để thành lập hội đồng quốc gia về giáo dục đại học, bao gồm các đại diện rộng rãi từ các tổ chức có liên quan. Hội đồng này được giao nhiệm vụ đề ra chiến lược phát triển cho giáo dục đại học, phối hợp và giám sát các hoạt động của các tác nhân, thúc đẩy hợp tác trong và ngoài nước.
GS. Nguyễn Lộc cho rằng giáo dục đại học tư nhân ở Việt Nam sẽ ngày càng có vai trò lớn hơn vì ngân sách nhà nước trở nên hạn hẹp. Cùng với sự phát triển về quy mô của các trường đại học tư nhân, do nhà nước không thể đầu tư trực tiếp vào các trường này nên cần áp dụng các cách thức tài trợ gián tiếp như tín dụng của sinh viên, trợ cấp thuế, thành lập quỹ nghiên cứu… để quản lý tốt các trường đại học tư.
Bên cạnh đó, ở góc độ tăng cường hợp tác trường đại học-doanh nghiệp, cần phát triển theo hướng làm cho đào tạo của giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp thông qua hợp tác trong xây dựng chương trình giảng dạy, khuyến khích tinh thần kinh doanh, thành lập vườn ươm đại học, thành lập văn phòng cấp giấy phép công nghệ của các tổ chức…
Cuối cùng, theo GS. Nguyễn Lộc, các nhà quản lý giáo dục cần tăng cường quản lý các xu hướng ngày càng tăng của giáo dục quốc tế thông qua việc thúc đẩy chất lượng và công nhận bằng cấp, tăng khả năng tiếp cận và công bằng, khuyến khích tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực.
Theo chinhphu.vn