(KDTT) – Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thói quen thanh toán của người dân đã có những thay đổi lớn. Cùng với sự phát triển của công nghệ, nhiều phương thức thanh toán số đã ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng như thẻ chip, QR code, ví điện tử… và ứng dụng trên điện thoại di động (mobile banking).
Cơ hội cho các ứng dụng thanh toán số
Để thực hiện “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Chính phủ phê duyệt năm 2020, Ngân hàng nhà nước đã triển khai Đề án phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, trong đó xác định mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 – 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 – 100%/năm, qua kênh Internet đạt 35 – 40%/năm, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%…
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thói quen thanh toán của người dân đã có những thay đổi lớn. Cùng với sự dịch chuyển của người dân, nhiều phương thức thanh toán số đã ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng như thẻ chip, QR code, ví điện tử… và ứng dụng trên điện thoại di động (mobile banking).
Cuối năm 2021, nhiều báo cáo thống kê đã cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng mã QR để thanh toán thông qua các ví điện tử, mobile banking của ngân hàng tăng vượt bậc, thậm chí gấp 2-3 lần so với năm 2020. Bên cạnh lợi ích an toàn cho sức khỏe, quét mã QR để thanh toán còn giúp tiết kiệm thời gian bởi thao tác nhanh, gọn. Đặc biệt, người tiêu dùng thường xuyên được hưởng nhiều ưu đãi giảm giá, e-voucher…
Còn theo số liệu khảo sát của Visa – một công ty thanh toán kỹ thuật số hàng đầu thế giới – hiện nay ngân hàng số đang nhận được sự ủng hộ đông đảo từ người tiêu dùng Việt Nam với 77% và có tới 31% người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ này. Động lực thúc đẩy việc áp dụng các hình thức này xuất phát từ sự tiện lợi, người tiêu dùng có thể thực hiện giao dịch bất kỳ lúc nào mà không cần phải đến ngân hàng. Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích nhất (72%) và tiếp đến là chuyển tiền cho gia đình, bạn bè (67%).
Thanh toán số thay đổi thói quen người tiêu dùng
Chia sẻ với báo chí, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, cho biết: “Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi nhận thấy rằng thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể khi người dân mong muốn những trải nghiệm mua sắm an toàn, tiện lợi hơn. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy nhiều người lần đầu tiên sử dụng thanh toán không tiếp xúc và ngày càng nhiều công ty chuyển dịch sang nền tảng kỹ thuật số và các xu hướng này sẽ còn được duy trì. Sự sẵn sàng của doanh nghiệp và người tiêu dùng trước thanh toán số là bằng chứng cho thấy nỗ lực đầu tư vào công nghệ mới của chúng tôi đã được đánh giá cao, cũng như sự tin tưởng vào mức độ tiện lợi và bảo mật mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại.”
Sự an toàn và tiện lợi là yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ tiền mặt sang các hình thức thanh toán số, với 58% người được khảo sát nói rằng sự an toàn của thanh toán kỹ thuật số so với tiền mặt là lý do chính của sự thay đổi này, và hơn một nửa (56%) cho rằng thanh toán số ít rắc rối hơn.
Theo các doanh nghiệp bán lẻ như Saigon Co.op,, Winmart, Go market… các hình thức thanh toán điện tử đã giúp hệ thống bán lẻ triển khai thêm nhiều dịch vụ hiện đại, an toàn, chưa kể tiết kiệm nhiều chi phí kiểm đếm, bảo quản, vận chuyển và các vấn đề về an ninh, an toàn liên quan khác. Khi mua sắm ở một cửa hàng, khách có những lựa chọn như thẻ nội địa, thẻ quốc tế hay các phương thức hiện đại hơn: QR code qua ví điện tử, ứng dụng ngân hàng, thậm chí cung cấp giải pháp trả góp…Còn nếu lựa chọ phương án mua hàng trực tuyến, khách hàng có thể thanh toán bằng mọi phương thức: thẻ ngân hàng, Internet banking, mobile banking, ví điện tử, e-voucher….Tỉ lệ thanh toán không tiền mặt tăng mạnh cũng là điều kiện cho phép các nhà bán lẻ đẩy nhanh quá trình số hóa trong bán lẻ, tăng những lợi ích tối đa cũng như trải nghiệm cho người tiêu dùng.
Nghị quyết 52-NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển kinh tế số, xã hội số là trụ cột, trọng tâm chiến lược trong tiến trình phát triển chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo. Có thể thấy trong hoàn cảnh dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong nhiều năm tới, việc người dân chuyển dần sang thanh toán điện tử để hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với dịch bệnh không chỉ là một phương thức tiêu dùng thông minh mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số, phù hợp với chủ trương của Nhà nước đã đề ra.
Bạn đang đọc bài Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch
tại chuyên mục Khoa học – Công nghệ.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt2022@gmail.com
Theo KDPT