Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.

Lãnh đạo 2 tỉnh Tuyên Quang và Vĩnh Phúc đã ký kết biên bản ghi nhớ gồm 7 nội dung nhằm kết nối, liên kết phát triển kinh tế xã hội giữa hai tỉnh trong thời gian tới. (Ảnh Hồng Yến CTTGTDT)

Trong chương trình chuyến thăm, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã thông tin nhanh với Đoàn công tác tỉnh Tuyên Quang về tình hình, kết quả phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị sau 26 năm tái lập tỉnh. Chủ tịch Lê Duy Thành cho biết cho biết, khi mới tái lập, Vĩnh Phúc gặp rất nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội còn thấp kém, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tuy nhiên, với sự năng động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong chỉ đạo, điều hành và sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sau 26 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định và nâng cao vị thế trên tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định, những thành tựu sau 26 năm tái lập đã và đang tạo tiền đề để Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy nhanh quá trình nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Vĩnh Phúc năm 1963: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn cho biết: Năm 2022, Tuyên Quang hoàn thành và vượt kế hoạch 19/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội; tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,66%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục tăng trưởng, duy trì hiệu quả 5 vùng sản xuất hàng hóa và trên 50 chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 64 sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản có nhãn hiệu hàng hóa; 128 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Toàn tỉnh có 1/7 đơn vị cấp huyện và 62/122 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Khẳng định Vĩnh Phúc hiện đang là một trong những tỉnh đứng tốp đầu cả nước trong phát triển công nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế xã hội nói chung, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm mong muốn Vĩnh Phúc chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là kinh nghiệm về xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, công tác quy hoạch…

Chia sẻ những khó khăn của Tuyên Quang trong phát triển kinh tế xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho rằng, Tuyên Quang hiện có tiềm lực lớn về đất đai, là cái nôi cách mạng, đó chính là những tiềm năng lớn để tỉnh phát triển. Điều quan trọng là Tuyên Quang cần quyết liệt để thay đổi trong nhận thức và cách làm, có hướng đi mới, trọng tâm, trọng điểm. Trong phát triển công nghiệp, phải xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp và tìm được nhà đầu tư có đủ năng lực; trong phát triển du lịch, văn hóa, cần quy hoạch được vùng du lịch, sản phẩm du lịch.

Nhằm đẩy mạnh việc kết nối, liên kết phát triển kinh tế xã hội giữa 2 địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đề nghị Vĩnh Phúc bổ sung một số nội dung về cung ứng lao động, kết nối văn hóa bằng các tua du lịch, thương mại; đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông; hợp tác khai thác khoáng sản, mở tuyến xe buýt kết nối giữa 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Tuyên Quang.

XUÂN HẬU

Theo KDPT