Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và tham dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 44 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 04-07/8/2023, thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023, chiều ngày 05/8/2023 vừa qua, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia và các tổ chức, cơ quan đối tác Indonesia tổ chức Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Indonesia.

Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn, về phía Indonesia có ông Putu Padma, Phó Chủ tịch Ủy ban Hợp tác liên nghị viện, Hạ viện Indonesia, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN). Ngoài ra còn có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, hàng đầu của Indonesia tham dự như: Gojek, Traveloka….

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Sau hơn 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, liên tục khoảng 6%/năm, một thị trường tiềm năng với 100 triệu dân có tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng, một điểm đến hấp dẫn, an toàn của du khách quốc tế. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia và tham gia hơn 70 diễn đàn, tổ chức khu vực và thể giới…

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Nhờ những chính sách đặc biệt trong phòng chống dịch COVID-19 và triển khai gói kích thích kinh tế khoảng 8,3% GDP trong 2 năm theo Nghị quyết của Quốc hội, Việt Nam đã kiểm soát sớm được dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, nhanh chóng phục hồi và phát triển hậu đại dịch. Ngay trong thời kỳ khắc nghiệt nhất, khi hầu hết các nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương 3%”“Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02% và lạm phát được kiểm soát ở mức 3,15%, đưa quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 410 tỷ USD, đứng thứ 38 trên thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 735 tỷ USD, trở thành một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mịa lớn nhất trên thế giới. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% trong năm 2023”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Những năm qua, Việt Nam luôn nhìn nhận Indonesia là một trong những đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu trong ASEAN và tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam luôn coi trọng vai trò, vị trí của Indonesia trong nền kinh tế toàn cầu và luôn mong muốn thúc đẩy hợp tác với Indonesia.

Về thương mại song phương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước ghi nhận tăng trưởng tích cực. Tốc độ tăng trưởng thương mại bình quân Việt Nam – Indonesia giai đoạn 2010-2022 đạt trung bình 12% mỗi năm. Năm 2022, thương mại song phương Việt Nam – Indonesia đạt trên 14,1 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia đạt 4,5 tỷ USD (tăng 15,7%), nhập khẩu từ Indonesia đạt 9,6 tỷ USD (tăng 26,8%). Dự kiến, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Indonesia sẽ sớm đạt hoặc vượt mức 15 tỷ USD trong thời gian tới. Trong 6 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại hai nước đạt hơn 6,7 tỷ USD (giảm nhẹ 2%).

Hiện nay, Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong khu vực. Tuy có những tương đồng trong cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu, hai nước vẫn có những mặt hàng có thể bổ trợ tốt cho nhau. Việt Nam là nhà cung cấp có uy tín, chất lượng nhiều sản phẩm cho thị trường Indonesia như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hàng dệt may, giày dép, điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, vật liệu xậy dựng, sản phẩm nhựa… Mặt khác, nhiều mặt hàng thế mạnh của Indonesia như than đá, linh kiện phụ tùng ô tô, dầu cọ, chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, kim loại thường… cũng được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, nhập khẩu để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực đang tiếp tục có nhiều thay đổi sâu sắc, cả Việt Nam và Indonesia đều đang đứng trước những cơ hội lớn để nâng cao hiệu quả, đưa các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại đi vào chiều sâu. Cộng đồng Kinh tế AEC tạo cơ hội cho hai nước đẩy mạnh hợp tác để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, mở rộng thị trường sang các đối tác FTA của ASEAN. Các hiệp định như CPTPP, EVFTA, cùng với một loạt các hiệp định FTAs song phương khác mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, đặt ra nhiều cơ hội lớn cho các nhà đầu tư Indonesia sang thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Indonesia

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia cùng các quan chức Hạ viện, chính phủ Indonesia đã chứng kiến lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Indonesia: Lễ ký kết giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam với Công ty PT. Black Diamond Resources TBK về cung cấp và vận chuyển than; giữa Công ty Vận tải biển VIMC (VIMC Shipping) với PT. Sinar Multi Surya Cemerlang về hợp tác vận tải gạo; giữa Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam với PT. VIREMA IMPEX về hợp tác thương mại và vận tải than. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng quan khách hai nước cũng đã tham dự Lễ khai trương đường bay thẳng Tp. Hồ Chí Minh – Jakarta của Vietjet Air. Đường bay sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và góp phần thúc đẩy giao thương, du lịch, vì sự phát triển và thịnh vượng của Việt Nam và Indonesia.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân giới thiệu một số nét nổi bật về chính sách công nghiệp, thương mại của Việt Nam.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã giới thiệu một số nét nổi bật về chính sách công nghiệp, thương mại của Việt Nam. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin về một số chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các đại biểu tham dự tại Diễn đàn đã cùng trao đổi sôi nổi về những vấn đề cần tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp để hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước khai thác được nhiều hơn giã các giá trị dư địa còn bỏ ngỏ.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Bộ Công Thương cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các phiên giao dịch thương mại với các tổ chức đối tác như Hiệp hội các nhà nhập khẩu, Hiệp hội các nhà bán lẻ và hàng trăm doanh nghiệp Indonesia để trao đổi đa dạng nhu cầu liên kết kinh doanh, xúc tiến thương mại, đầu tư trong các lĩnh vực vận tải hàng không, vận tải hàng hải, logistics, lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, dệt may, dược phẩm, mỹ phẩm, máy móc thiết bị công nghiệp, công nghệ chế biến nông sản, công nghệ nuôi trồng thủy sản…

Theo KDPT