web analytics

Báo cáo kinh tế biển xanh Việt Nam: Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển 12/05/2022

(KDTT) – Báo cáo đưa ra “Các kịch bản xanh lam trong phát triển kinh tế biển cho Việt Nam”, gồm sáu lĩnh vực kinh tế biển chủ chốt của Việt Nam là: ngư nghiệp, năng lượng tái tạo, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, môi trường và hệ sinh thái.

Ngày 12/5, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Lễ công bố Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam – Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Lễ công bố có sự tham dự của Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; Đại sứ Timo-Leste tại Việt Nam; bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam; Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam; cùng đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, Bộ, ngành và địa phương có biển liên quan.

Kịch bản xanh sẽ đưa GDP Việt Nam đạt 12,9 tỷ USD vào 2025

Báo cáo “Kinh tế biển xanh – Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển”, báo được xây dựng với mục tiêu nhằm đánh giá sự đóng góp của nền kinh tế biển xanh (Blue Economy) đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Báo cáo giúp hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 36/NQ-TW). Ngoài ra, báo cáo có thể hỗ trợ Việt Nam làm rõ được các mục tiêu đã đặt ra về phát triển kinh tế – xã hội, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và sử dụng, bảo vệ tài nguyên biển một cách bền vững.

Kinh tế biển xanh đang là xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt là các quốc gia có biển. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về phát triển kinh tế biển sử dụng khái niệm kinh tế biển xanh.

Báo cáo đưa ra “Các kịch bản xanh lam trong phát triển kinh tế biển cho Việt Nam”, gồm sáu lĩnh vực kinh tế biển chủ chốt của Việt Nam là: ngư nghiệp, năng lượng tái tạo, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, môi trường và hệ sinh thái.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng, báo cáo là một trong những nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về phát triển kinh tế biển sử dụng khái niệm kinh tế biển xanh, báo cáo đưa ra các kịch bản phát triển kinh tế biển cho Việt Nam gồm sáu lĩnh vực kinh tế biển chủ chốt: Ngư nghiệp, năng lượng tái tạo, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, môi trường và hệ sinh thái. Kết quả nghiên cứu góp phần tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều cơ quan, tổ chức nghiên cứu quốc tế, cũng như chia sẻ những kiến thức kinh nghiệm về phát triển kinh tế biển xanh.

Đặc biệt, theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, nếu áp dụng kịch bản xanh, ước tính GDP Việt Nam sẽ tăng hơn kịch bản thông thường lần lượt là 296 ngàn tỷ đồng (12,9 tỷ USD) vào năm 2025 và 538 ngàn tỷ đồng (23,5 tỷ USD) vào năm 2030.

Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam đánh giá cao nỗ lực nhóm chuyên gia cả Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và sự phối hợp của các Bộ, ngành trong xây dựng Báo cáo “Kinh tế biển xanh – Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển”. Báo cáo này đã có sự đóng góp to lớn vào sự chuyển hướng phát triển nền kinh tế biển xanh cũng như sự phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam phát biểu tại buổi lễ công bố Báo cáo.

Kinh tế biển là động lực, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế. Các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển, đóng góp của 28 tỉnh, thành ven biển vào GDP cả nước hiện đã vượt ngưỡng 60%.

Trong tình hình hiện nay, sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kinh tế ven biển và các ngành kinh tế biển càng có vai trò quan trọng trong việc phục hồi các hoạt động kinh tế – xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thực trạng phát triển kinh tế biển hiện nay của Việt Nam còn thiếu sự bền vững.

“Báo cáo đưa ra một số khuyến nghị quan trọng để thúc đẩy kinh tế biển xanh tại Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị quan trọng để thúc đẩy kinh tế biển xanh tại Việt Nam, và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, trong đó có mục tiêu SDG14 về bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển” – Ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài Báo cáo kinh tế biển xanh Việt Nam: Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển tại chuyên mục Kinh tế. Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0369452904 – 0977600308. Hoặc Email: bientap.ide@gmail.com bandientukdpt@gmail.com

Theo KDPT