web analytics

Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An
Từ chính sách tới góc nhìn thực tiễn 10/07/2022

(KDTT) – Liên quan tới việc UBND quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội đang thực hiện công khai lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An (tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An, quận Tây Hồ), hiện hàng trăm hộ dân khu vực này đang có những ý kiến bày tỏ chưa đồng thuận về việc sẽ xây dựng nhà hát opera trên mặt đầm Trị và một số hạng mục khác. Điều này cho thấy từ chính sách phát triển đô thị tới thực tiễn đời sống vẫn còn tồn tại những khoảng cách nhất định.

Đồ án trưng bày tại bán đảo Quảng An, phục vụ lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Điều chỉnh Quyết định sau 4 năm

Theo nghiên cứu hồ sơ của đồ án và khảo sát trên thực tế, lúc bắt đầu lập quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An (tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An, quận Tây Hồ) vào năm 2017, Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) được chỉ định là đơn vị thực hiện lập quy hoạch. Tuy nhiên, 4 năm sau, vào cuối 2021, khi đồ án này được phê duyệt, Sun Group đã không giữ vai trò này.

Cụ thể, vào ngày 15/12/2017, Quyết định số 8665 của UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An (tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An, quận Tây Hồ). Tại Quyết định này, Sun Group là đơn vị tổ chức lập quy hoạch và chịu trách nhiệm tự bỏ kinh phí để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết; Cơ quan thẩm định và trình duyệt là Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội; Cơ quan phê duyệt là UBND thành phố Hà Nội. Thời gian hoàn thành hồ sơ là 6 tháng tính từ khi nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.

Gần 4 năm sau, ngày 28/10/2021, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định 4615 điều chỉnh Quyết định 8665 nêu trên. Tại Quyết định 4615, đáng chú ý, đơn vị tổ chức lập quy hoạch được điều chỉnh từ Tập đoàn Sun Group sang UBND quận Tây Hồ. Nội dung điều khoản kinh phí thực hiện cũng thay đổi từ “do Tập đoàn Sun Group chịu trách nhiệm tự bỏ kinh phí để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết” điều chỉnh thành “theo quy định pháp luật hiện hành về sử dụng kinh phí lập quy hoạch đô thị và chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 2847 ngày 31/8/2021 về lập, thẩm định, phê duyệt dự toán nhiệm vụ quy hoạch trên địa bàn thành phố”.

Quyết định 4615 cũng bổ sung nội dung tuân thủ các quy định của Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2.000 và Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2.000 tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 và các tuyến đường khu vực, phường Quảng An và Tứ Liên, quận Tây Hồ đã được UBND thành phố phê duyệt.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ đã tổ chức công bố điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực hồ Tây và phụ cận (A6) tỷ lệ 1/2.000 tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 và các tuyến đường khu vực. Việc điều chỉnh được thực hiện trên cơ sở Quyết định số 2078 ngày 10/5/2021 của UBND thành phố Hà Nội.

Theo sự điều chỉnh này, tại ô quy hoạch 19 (đầm Trị) sẽ xây dựng một nhà hát có quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô, kết hợp trục không gian công cộng, quảng trường, khu vực thương mại dịch vụ, du lịch tại các ô đất ký hiệu 19/CXDT-la, 19/CXDT-1b, 19/CXDT-2, 19/CXDT-4, chỉ tiêu mật độ xây dựng tối đa 25%.

Vị trí xây dựng nhà hát (mũi tên đỏ).

Đồng thời, điều chỉnh bổ sung, mở rộng, nâng cấp một số tuyến đường giao thông bảo đảm đáp ứng lưu lượng giao thông cho nhu cầu của công trình nhà hát và các khu vực lân cận. Các tuyến đường được điều chỉnh gồm: Bổ sung hai đoạn tuyến đường kéo dài đường giao thông trong trục không gian bán đảo Quảng An kết nối từ đường Xuân Diệu đến đường Âu Cơ (quy mô mỗi tuyến làn đường rộng 21m, 4 làn xe); mở rộng thành phần mặt cắt ngang hai tuyến đường giao thông trong trục không gian bán đảo Quảng An từ 19,5m (2 làn xe) lên thành 21m (4 làn xe); mở rộng mặt cắt ngang tuyến đường kết nối từ đường Đặng Thai Mai đến ô đất 58 đường Tây Hồ từ 11,5m (2 làn xe) lên thành 22m (3 làn xe); mở rộng mặt cắt ngang tuyến đường nội bộ phía Đông Bắc, Đông Nam và Tây Nam xóm Chùa (xóm Mấu) từ 11,5m (2 làn xe) lên thành 18,5m (3 làn xe); mở rộng mặt cắt ngang tuyến đường nối từ đường Đặng Thai Mai vào phủ Tây Hồ tăng từ 13,5m (2 làn xe) lên thành 18,5m (3 làn xe). Đoạn phố Quảng Khánh đi qua khu vực nhà hát sẽ được thay thế bằng tuyến đường quy hoạch mới phía Đông Bắc hồ Đầm Trị (bảo đảm tối thiểu 2 làn xe chạy).

Ba cây cầu với chiều rộng từ 2,5-5m sẽ kết nối nhà hát với các tuyến đường lân cận, thông qua đường hầm của nhà hát, đảm bảo các yêu cầu về giao thông, không gian kiến trúc cảnh quan và các yêu cầu kỹ thuật khác.

Như vậy, thay đổi lớn nhất tại đồ án này là việc chuyển đổi đơn vị tổ chức lập quy hoạch từ Sun Group sang UBND quận Tây Hồ. Được biết, hiện nay Sun Group đang triển khai đầu tư, xây dựng dự án Sun Grand City 58 Tây Hồ trên diện tích 31.285m2, mật độ xây dựng 35%, quy mô 9 tòa tháp, tầng hầm thông nhau để làm khách sạn, căn hộ khách sạn với hơn 1500 phòng và hơn 800 căn hộ cho thuê có diện tích từ 50 – 200 m2.

Dự án Sun Grand City 58 Tây Hồ nhìn từ phía đường Quảng Khánh.

Người dân chưa đồng thuận xây dựng nhà hát

Nếu nhìn vào phương án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực hồ Tây và phụ cận (A6) tỷ lệ 1/2.000 có thể dễ dàng nhận thấy vị trí nhà hát nằm gần với dự án Sun Grand City 58 Tây Hồ mà Sun Group đang triển khai. Sau khi hoàn thành, công trình này và nhà hát sẽ được kết nối bằng các tuyến đường mới mở, tạo thành một “hệ sinh thái” của Sun Group. Tuy nhiên, hiện nay về mặt pháp lý, Sun Group chưa phải là đơn vị thực hiện đầu tư dự án nhà hát tại đầm Trị, vì quyết định sẽ thuộc về UBND quận Tây Hồ và thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, không khó để hình dung một dự án nhà hát như vậy lại có thể do đơn vị khác làm.

Ngược lại thời gian, vào năm 2017, tại sự kiện ra mắt Hội đồng điều hành Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời (Sun Symphony Orchestra – SSO) ở Hà Nội, Ông Đặng Minh Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group (đơn vị tài trợ chính cho dàn nhạc), đã cho biết Tập đoàn sẽ đầu tư xây dựng một nhà hát Opera. Hiện đã mời được kiến trúc sư nổi tiếng của Ý để thiết kế nhà hát. “Chúng tôi đã thống nhất được với UBND thành phố Hà Nội về địa điểm xây dựng nhà hát tại Quảng An, Tây Hồ. Hy vọng nhà hát sẽ trở thành một biểu tượng văn hóa, kiến trúc, một điểm đến văn hóa khi nhắc tới Hà Nội giống như nhà hát con sò ở Sydney (Opera Sydney)…”, ông Trường nói, theo Báo điện tử Tổ Quốc.

Cũng trong năm 2017, tại cuộc gặp gỡ giới văn nghệ sĩ trí thức Thủ đô đầu Xuân năm 2017, ông Nguyễn Đức Chung khi đó còn là Chủ tịch UBND thành phố đã lần đầu tiên tiết lộ kế hoạch xây dựng Nhà hát Opera tiêu chuẩn thế giới này. Theo đó, nhà hát dự kiến có vị trí xây dựng tại phường Quảng An, quận Tây Hồ và được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Đến tháng 9/2017, một kiến trúc sư nổi tiếng của Ý được mời để thiết kế nhà hát này với kỳ vọng nhà hát này sẽ trở thành một biểu tượng văn hóa, kiến trúc, một điểm đến văn hóa khi nhắc tới Hà Nội giống như nhà hát con sò của Úc.

Liên kết các dữ liệu trên và việc Sun Group đang triển khai dự án 58 Tây Hồ có thể thấy ngoài Sun Group, chưa có đơn vị nào thể hiện ý định xây dựng một nhà hát tiêu chuẩn thế giới có ý nghĩa biểu tượng văn hóa… tại bán đảo Quảng An.
Việc Sun Group hay bất kì đơn vị, doanh nghiệp nào muốn đầu tư xây dựng một nhà hát tại bán đảo Quảng An là điều dễ hiểu, bởi nơi đây có vị trí đắc địa, với Hồ Tây là điểm nhấn và các khu vực phụ cận. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thêm các công trình biểu tượng, có ý nghĩa văn hóa, phát triển cộng đồng…
Tuy nhiên, hiện nay tại khu vực Quảng An, cụ thể là hơn 300 hộ dân tại các ngõ 35, 12 đường Đặng Thai Mai đang kịch liệt phản đối việc xây dựng nhà hát này trên khu vực đầm Trị.

 

Người dân tập trung phản đối việc xây dựng nhà hát, ảnh chụp cuối tháng 6/2022.

Hàng loạt nhà dân treo băng rôn phản đối dự án xây dựng nhà hát trên đầm Trị.

Việc phản đối này đã bắt đầu từ lâu, nhưng đến cuối tháng 6 khi UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) đang lấy ý kiến về quy hoạch bán đảo Quảng An trong đó có vị trí xây dựng nhà hát, mâu thuẫn bắt đầu tăng cao.

Theo các hộ dân sinh sống tại đây, có nhiều nguyên nhân để họ phản đối việc xây dựng nhà hát trên mặt đầm Trị.

Một số nguyên nhân chính như, việc mở rộng 02 tuyến đường giao thông theo đồ án (ô 16, 17) và dự kiến mở mới (không theo tuyến cũ) ngõ 35 đường Đặng Thai Mai kéo dài ra đường Quảng An (đường bám mặt Hồ Tây) sẽ lấy đi rất nhiều diện tích đất thổ cư của những hộ dân đang sinh sống tại ngõ 35 Đặng Thai Mai và vùng lân cận. Như vậy, đồ án quy hoạch đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đã chưa thực sự căn cứ vào chỉ đạo tại Thông báo 2598-TB/TU kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị Tây Hồ và vùng phụ cận (A6), Thường vụ Thành ủy HN đã giao cho Ban Cán sự Đảng TP.Hà Nội chỉ đạo các cơ quan đơn vị lưu ý việc mở rộng các tuyến đường tại ô 16, 17 và 19 phải đảm bảo nguyên tắc: hạn chế tối đa việc lấy vào đất thổ cư (đất ở) của người dân khi làm dự án và phải được đấu nối hạ tầng đồng bộ với các khu vực lân cận.

Thứ hai, các dự án chỉ được thực thi khi đảm bảo khoảng cách đối với các khu di tích lịch sử, khu tâm linh như đền, đình, chùa, miếu. Tuy nhiên, sự điều chỉnh quy hoạch dẫn tới việc một số con đường dự kiến mở rộng, mở mới chỉ cách ngôi chùa cổ được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia là chùa Hoằng Ân 10m, chùa Phổ Linh 20m, sát Đền Kim Ngưu, Phủ Tây Hồ và đình làng Tây Hồ nằm trong ngõ 35 Đặng Thai Mai. Theo các hộ dân tại đây, các địa điểm trên là những nơi linh thiêng bậc nhất cả nước.
Bên cạnh đó, người dân cũng cho rằng, việc xây dựng các công trình trên khu vực bán đảo Quảng An, đặc biệt là nhà hát trên mặt đầm Trị sẽ góp phần tăng nguy cơ úng, ngập tại đây gây ảnh hưởng tới đời sống của hàng trăm hộ dân mà những trận mưa lớn đầu mùa đã chứng minh điều đó. Hơn nữa, khu vực hồ Tây nói chung và bán đảo Quảng An nói riêng là nơi được ví như “điều hòa” của thành phố với hồ Tây rộng lớn và các ao, đầm xung quanh. Nhiều chuyên gia quy hoạch cảnh báo vấn nạn san lấp sông hồ, ao đầm để thực hiện dự án xây dựng đã và đang làm Hà Nội ngày càng mất đi những không gian mở, thoáng đãng và điều hòa nguồn nước. Nếu tiếp tục lấy các khu vực mặt nước để thực hiện dự án sẽ làm tăng nguy cơ ngập úng, thậm chí bóp nghẹt không gian sống của người dân Thủ đô.
Việc triển khai một chính sách, hay dự án lớn cần đạt được sự đồng thuận từ người dân để chính sách và dự án đó phát huy hết hiệu quả. Với sự bất đồng mà người dân Quảng An thể hiện đối với đồ án nói chung và dự án nhà hát nói riêng, đã cho thấy còn tồn tại những vấn đề lớn cần được giải quyết rốt ráo để xóa đi những lo lắng, băn khoăn của người dân. Dự kiến, trung tuần tháng 7 UBND quận Tây Hồ sẽ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với đồ án quy hoạch chi tiết này. Đây là thời điểm rất cần tới sự vận động, giải thích của chính quyền quận Tây Hồ  UBND TP Hà Nội để người dân nắm bắt rõ, hiểu được giá trị của đồ án, đồng thời phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân trong khu vực để tránh tạo ra những hệ lụy không đáng có.
Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với đơn vị thực hiện lập quy hoạch và các cơ quan chức năng liên quan để tìm hiểu, đưa ra các nhận định chính xác, khách quan nhất.

Trên trang chủ của Sun Group, (đơn vị từng được giao lập quy hoạch Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An, quận Tây Hồ), cho biết, Tập đoàn này kiên định với các mục tiêu:
– Tìm đến những vùng đất giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng tầm, làm thay đổi những vùng đất ấy, kiến tạo và đóng góp cho xã hội những công trình, sản phẩm/dịch vụ có đẳng cấp chất lượng vượt trội và trường tồn theo thời gian.
– Góp phần nâng cao vị thế đất nước, nâng cao chất lượng sống của người dân, làm đẹp, làm giàu cho Tổ quốc và đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới.
– Góp phần xây dựng Người Việt Nam mới với phẩm chất, năng lực và sức khỏe bắt kịp thời cuộc.

NHÓM PV

 

Theo KDPT