Lợi thế về hạ tầng

Mê Linh được đánh giá là địa phương với nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai phá: vị trí cửa ngõ, là đầu mối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc; cơ sở hạ tầng đang được đầu tư nâng cấp; quỹ đất dồi dào, mức giá còn rẻ. Huyện còn có các khu du lịch sinh thái dọc các con sông, các điểm tham quan hiện thu hút nhiều du khách như Đồi 79 mùa xuân, Đền Hai Bà Trưng… Với vị trí hiện tại, huyện có thể tạo ra liên kết với các điểm du lịch phát triển trong vùng như Bắc Ninh, Đông Anh, Sóc Sơn, Đại Lải, Tam Đảo.

Về hạ tầng giao thông, nơi này có đường Vành đai 3 (đường Võ Văn Kiệt) đi qua, từ Mê Linh đến sân bay Nội Bài khoảng 8 km; có đường Trục trung tâm đô thị mới Mê Linh gắn kết Hà Nội với các tỉnh phía Bắc.

Hiện nay, huyện Mê Linh đang được TP quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng giao thông lớn đi qua huyện: Đường Vành đai 4 (dài 11,2 km) – cầu Hồng Hà; đường Vành đai 3,5 – cầu Thượng Cát; đường Tiền Phong – Tự Lập (mặt cắt 48 m); đường Cảng Chu Phan – Quốc Lộ 2; đường đê Sông Hồng (dài 21 km)

Theo quy hoạch hiện nay, diện tích quy hoạch đô thị và công nghiệp của huyện là 44,78%; diện tích nằm trong khu vực phát triển quy hoạch nông thôn là 55,22%. Theo định hướng, Đồ án quy hoạch vùng huyện diện tích phát triển đô thị là 10.390 ha/14.132 ha, chiếm 73,52%.

Theo nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, tiềm năng lớn nhất của Mê Linh là đất đai với 7.000ha đất đô thị, không gian phát triển tốt. Bên cạnh đó là lợi thế về giao thông và vị trí cạnh sông Hồng với nhiều giá trị vật thể, phi vật thể.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 700/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Theo đó, có nội dung xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc, trong đó có khu vực huyện Mê Linh.

Phát biểu tại Hội thảo quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức mới đây, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh: “Xác định nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng huyện là nhiệm vụ chính trị quan trọng được ưu tiên hàng đầu, có vai trò dẫn dắt sự phát triển toàn diện các ngành, các lĩnh vực và định hướng phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, đây cũng là tiền đề cho việc nâng cấp huyện lên quận, hoặc thành phố trực thuộc Thủ đô”.

Thị trường bất động sản Mê Linh sẽ diễn biến thế nào?

Theo đánh giá của Batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản Mê Linh phát triển tương đối sớm nhưng không quá sôi động, khách hàng chỉ coi đây là một huyện ngoại thành, chưa phát triển. So với các huyện ven đô khác như Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh thì mặt bằng giá bất động sản tại Mê Linh vẫn còn ở mức khá thấp. Phân khúc bất động sản được quan tâm nhiều chủ yếu là nhà đất thổ cư và đất nền dự án Mê Linh.

Trước đó, Mê Linh từng là điểm nóng về bất động sản tại Hà Nội trong giai đoạn 2008-2009 khi phương án mở rộng địa giới hành chính thủ đô được công bố và Mê Linh – một huyện của Vĩnh Phúc được sáp nhập vào Hà Nội.

Sức nóng của việc sáp nhập cộng hưởng cùng cuộc đổ bộ rầm rộ của nhiều dự án khiến giá bất động sản Mê Linh tăng vọt trong khoảng thời gian 2008-2009. Giá bán tăng từ mức 3-5 triệu đồng/m2 lên 18-25 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, sự sôi động chỉ mang tính tạm thời. Khi về với thủ đô, Mê Linh gặp nhiều khó khăn trong công tác điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính phát sinh do quá trình sáp nhập, cùng khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng bất động sản ập đến, thị trường bất động sản huyện Mê Linh nhanh chóng hạ nhiệt.

Thị trường bất động sản Mê Linh từng “sốt nóng” khi được sáp nhập vào Hà Nội.

Và với thông tin lên quận, hoặc thành phố trực thuộc Thủ đô, thị trường bất động sản Mê Linh bỗng tăng nhiệt trở lại. Đặc biệt là vào thời điểm giữa năm 2022 khi Mê Linh liên tiếp ghi nhận những cuộc đấu giá đất với mức giá trúng cao.

Cụ thể, đầu tháng 6/2022, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh đã đấu giá 17 lô đất tại điểm X1, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh. Các lô đất có giá khởi điểm là 27,1 triệu đồng/m2 và 35,2 triệu đồng/m2. Kết quả đấu giá đất, lô vị trí đẹp có mức trúng đấu giá lên tới 85,5 triệu đồng/m2 và 75,5 triệu đồng/m2. So với đất khu vực xung quanh, giá trúng đấu giá đất cao hơn 20-40% mỗi m2.

Hay như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đã tổ chức đấu giá khoảng 200 sản phẩm thấp tầng là biệt thự đơn lập, biệt thự song lập và nhà vườn thuộc Khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thịnh 2, tại huyện Mê Linh (Hà Nội). Giá khởi điểm của biệt thự đơn lập có diện tích từ 362 – 410m2, dao động trong khoảng 39,5 – 50,3 triệu đồng/m2. Loại hình nhà vườn diện tích 102 – 159m2, giá khởi điểm dao động từ 4,2 – 8,3 tỷ đồng, tương đương 40,7 – 51,1 triệu đồng/m2.

Biệt thự song lập diện tích từ 210 – 305,5m2, giá khởi điểm dao động từ 36,7 – 47,4 triệu đồng/m2. Kết quả đấu giá, nhiều sản phẩm được trả chênh vài tỷ đồng, giá đấu của một số lô đất đạt mức khoảng 60 triệu đồng/m2. Mức giá này cao hơn hẳn giá đất các khu vực xung quanh từ 12-20 triệu đồng/m2.

Bước sang năm 2023, các cuộc đấu giá tại Mê Linh vẫn diễn ra nhưng có vẻ bớt “nóng” hơn thời điểm năm ngoái. Cụ thể, Công ty Đấu giá hợp danh đấu giá Việt Nam vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh . Đó là quyền sử dụng 5 thửa đất tại điểm X1 và thửa LK-08 thuộc khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt tại tổ dân phố số 2, thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Các thửa đất có diện tích từ 68 đến 135 m2/thửa với giá khởi điểm từ 32,1 triệu đồng/m2 đến 40,8 triệu đồng/m2.

Trước đó, Công ty Đấu giá hợp danh đấu giá Việt Nam cũng ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh. Cụ thể là quyền sử dụng đất ở đối với 13 thửa đất tại điểm X1 và 6 thửa đất tại điểm X2, thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Các thửa đất có diện tích từ 84,5 đến 163 m2/thửa với giá khởi điểm từ 27,1 triệu đồng/m2 đến 33,9 triệu đồng/m2.

Theo KDPT