Cú hích từ chính sách

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, trên tinh thần chỉ đạo xuyên suốt và nhất quán tổng thể về thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ, trong đó chú trọng quan điểm, mục tiêu; các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát những khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản cụ thể; hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững…

Trên thực tế, ngay từ đầu tháng 3/2023, Bộ Xây dựng đã có tờ trình đề nghị ban hành nghị quyết, tập trung vào 3 nhóm vấn đề là thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường.

Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn được đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay; các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn tiếp tục được cấp tín dụng; các dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân được ưu tiên khi xét hồ sơ cho vay.

Ngoài ra, Nghị định 08 của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa phát hành đã có hiệu lực ngay từ tháng 3 vừa qua.

Cùng với các vấn đề nội tại được tháo gỡ, thị trường bất động sản cũng nhận được cú hích quan trọng từ tăng trưởng kinh tế, với mục tiêu đạt hơn 6% trong năm nay theo nghị quyết của Quốc hội.

“Trong 1 nền kinh tế khởi sắc, người ta sẽ có tâm lý thoải mái hơn, không bị áp lực bởi dòng tiền, từ đó không phải tìm cách bán lỗ nữa, có động lực tái cơ cấu sản phẩm để có sản phẩm đầu tư phù hợp hơn với nhu cầu. Đó là chất kích thích để thị trường tăng trưởng ổn định”, ông Trần Khánh Quang, Giám đốc Công ty Việt An Hòa, phân tích.

Phân khúc nào nhiều tiềm năng khi thị trường khởi sắc?

Tuy vẫn còn nhiều điều phải làm để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, song giới chuyên gia vẫn cho rằng, thị trường BĐS sẽ có cơ hội hồi phục và năm 2023 vẫn là năm đáng để đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Anh Quê – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 – nhìn nhận, BĐS vẫn luôn là kênh đầu tư hấp dẫn, thậm chí giai đoạn hiện tại là giai đoạn tốt để “xuống tiền” nếu nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự.

Tuy nhiên, theo vị này, không phải mọi khu vực, mọi phân khúc BĐS đều đem đến cơ hội tăng giá và có thể đầu tư. Để đảm bảo tính thanh khoản của sản phẩm, nhà đầu tư cần phải xem xét khu vực đó giai đoạn vừa qua giá BĐS đã tăng cao chưa, quy hoạch còn tốt không.

Trong đó, Phú Quốc là một địa điểm lý tưởng, là lựa chọn tốt. Lý do được ông Quê đưa ra là từ năm 2018 đến nay, BĐS cả nước tăng giá nhưng ở Phú Quốc không tăng. Bởi BĐS ở Phú Quốc đã tăng mạnh giai đoạn 2017-2018, nên từ năm 2018 giá bắt đầu chững lại.

Vì vậy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn G6 đánh giá, Phú Quốc sẽ là thị trường “nóng” trong năm 2023, khi mà rất nhiều dự án lớn được triển khai hứa hẹn tạo ra “cú hích” cho vùng đất này.

Trong khi đó, bà Cao Lê Tường Vân, Giám đốc Thị trường vốn & Dịch vụ đầu tư, Colliers (Việt Nam) cho biết: “Trong điều kiện hiện nay, các bên tham thị trường đang tận dụng thời gian để đánh giá lại năng lực, cơ hội và rủi ro của danh mục tài sản. Nếu nắm bắt và đáp ứng được những xu thế mới, tôi tin rằng đây là thời điểm để thị trường BĐS Việt Nam bước vào chu kỳ phát triển mới, bền vững và ổn định hơn”.

Bất động sản công nghiệp được dự báo vẫn sẽ nhiều tiềm năng trong năm 2023.

Theo đó, bất động sản công nghiệp (nhà máy, kho bãi, hậu cần) được dự tính là sẽ tiềm năng nhất thị trường năm nay. Tuy nhiên, nguồn cung đất tại các khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của bên thuê loại hình bất động sản này, ví dụ như vị trí, tiện ích, hạ tầng, thời hạn. Bên cạnh đó, nhiều dự án bị vướng thủ tục đất đai như bồi thường, giải phóng mặt bằng nên bị kéo dài thời gian xây dựng và chi phí tuân thủ pháp lý kể cả khi đã có quy hoạch đầu tư.

Đồng quan điểm về tiềm năng của lĩnh vực này ở Việt Nam, ông John Campbell, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận dịch vụ công nghiệp Savills, khẳng định thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển thêm các dự án như: kho lạnh và logistics…

“Các cơ hội chính trong ngành logistics bao gồm dịch vụ giao hàng chặng cuối và triển khai hệ thống logistics 4.0. Hơn nữa, sự thiếu hụt về cơ sở vật chất kho lạnh tại Việt Nam là điểm các chủ đầu tư có thể tận dụng để phát triển thêm dự án mới, tăng nguồn cung cho thị trường. Ngoài ra, dịch vụ xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu, nhằm đáp ứng các yêu cầu đặc biệt về kỹ thuật cũng là điểm rất thu hút đầu tư”, vị Phó Giám đốc Savills Việt Nam nhấn mạnh.