web analytics

Thí sinh tự tin sau giờ thi Văn THPT quốc gia 25/06/2019

(KDTT) – Đề Văn với các dạng câu hỏi đơn giản, tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông’ trong câu nghị luận văn học cũng quen thuộc với nhiều thí sinh.

10h35 ngày 25/6, hơn 887.000 thí sinh cả nước hoàn thành môn thi Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Đề bài gồm hai phần, phần làm văn với câu hỏi nghị luận văn học 5 điểm đề cập tới dòng sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Vừa ra khỏi điểm thi trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế, Thừa Thiên Huế), thí sinh Nguyễn Ngọc Thảo Anh chạy đến ôm chầm bạn bè chia sẻ niềm vui. “Trường em nằm ngay bên sông Hương, quá thân thiết. Thí sinh Huế thật may mắn với đề thi này, chắc em sẽ được số điểm như mong đợi”, Thảo Anh nói.

Thí sinh Nguyễn Thành Nhân cũng cho rằng đề thi năm nay vừa sức với em và thí sinh Huế có chút lợi thế so với cả nước. “Đề Văn nhắc đến dòng sông Hương nên em và các bạn ở Huế coi như trúng tủ, vì dòng đã quá đỗi quen thuộc. Em tự tin sẽ được 7 điểm”, Thành Nhân nói.

Phạm Huy Khang (thí sinh tại điểm thi THPT Trưng Vương, TP HCM) cho rằng, với câu hỏi nghị luận văn học, thí sinh cần viết đủ hai nét đẹp mang tính đối nghị của sông Hương. Đó là vẻ vừa hùng vĩ, oai phong, vừa dịu dàng, đằm thắm. “Tác giả đã có một phát hiện tinh tế về dòng sông này, khác hẳn cách mọi người thấy và nghĩ về nó. Em đã viết như vậy”, Khang nói.

Tại điểm thi THPT Ngô Quyền (Đồng Nai), thí sinh Công Danh cho rằng câu hỏi không yêu cầu thí sinh phân tích vẻ đẹp của sông Hương mà hướng về tính hình tượng nó. “Tông thể đề Văn thì kiến thức không dàn trải, nếu học trong sách giáo khoa sẽ làm được bài. Em nghĩ mình được 5,5-6 điểm”, Danh nói.

Thí sinh Hà Nội rời điểm thi sau giờ thi Văn. Ảnh: Giang Huy.

Tương tự như câu hỏi nghị luận văn học, câu nghị luận xã hội 2 điểm được thí sinh đánh giá quen thuộc, nhẹ nhàng và dễ viết. Rời phòng thi với vẻ tự tin, Nguyễn Quốc Huy (cựu học sinh THPT Cầu Giấy, Hà Nội) đánh giá đề Văn đơn giản, tập trung ôn luyện là có thể làm được. Với câu nghị luận xã hội, Huy lấy dẫn Bill Gates – người dù bỏ dở đại học nhưng nỗ lực mở công ty riêng, trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới. Nam sinh dự đoán mình được 6 điểm.

Phùng Ngọc Diệp (thí sinh thành phố Vinh, Nghệ An) cho rằng cấu trúc đề Văn năm nay không mới, bởi trong lúc học và ôn tập thì đã bắt gặp nhiều. Để đạt trên trung bình thì dễ nhưng được trên 8 thì rất khó. “Đề cũng khiến nhiều thí sinh học tủ dễ bị lệch, bởi nhiều bạn nghĩ rằng đề thi năm 2018 phần làm là văn xuôi thì năm nay sẽ là một đoạn thơ hoặc bài thơ. Chưa kể, ‘Ai đã đặt tên cho dòng sông’ cũng là một bài khá là khó với các học sinh khi ôn luyện”, Diệp nói.

Theo Diệp, phần hay nhất của đề là câu số 4 của phần đọc hiểu nói về hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi ý. Thí sinh đã thể hiện ước mơ của bản thân trong tương lai, những khát vọng muốn hướng tới như góp được một phần công sức giúp ích cho xã hội phát triển hơn. Với nguyện vọng vào ngành sư phạm, Diệp đoán được 7 điểm ở môn thi đầu tiên.

Đọc đề Văn, thầy Nguyễn Thanh Phong (giáo viên trường Thực hành Sư phạm, Đại học Cần Thơ) cho rằng cấu trúc đề không giống như minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. “Ban đầu, Bộ nói là không có câu hỏi hình thức mà xoáy vào nội dung. Nhưng đề thi hôm nay thì lại xuất hiện hai câu về hình thức đó là câu 1 về thể thơ và câu 3 là biện pháp tu từ”, thầy Phong phân tích.

Về tổng thể, thầy Phong cho rằng đề Văn dễ, sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm cao. Phần đọc hiểu khá nhẹ nhàng, câu nghị luận xã hội khá quen thuộc, câu nghị luận văn học ở mức bình thường, không nâng cao.

Thầy Tạ Xuân Hải (giáo viên trường THPT Nguyễn Khuyến, Đồng Nai) đánh giá đề không lắt léo, phần nghị luận xã hội khó lạc đề. Yếu tố phân hóa thí sinh, theo thầy Hải là nằm ở câu cuối (5 điểm), yêu cầu phải thấu hiểu và nhận ra cách nhìn của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường trong trích đoạn. “Đề thi này học sinh rất khó bị điểm liệt môn Văn”, thầy Hải nói.

Trong khi đó, thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM) cho rằng, đề năm nay có độ khó vừa phải và không có quá nhiều sự khác biệt so với năm 2018. Ở phần đọc hiểu, việc lựa chọn một văn bản thơ, cách hỏi về thể thơ, biện pháp tu từ tương đối giống với đề thi năm ngoái. Tuy nhiên, ở câu 2 và 3, cách hỏi khá mơ hồ, nên một số học sinh sẽ gặp khó khăn ở phần này.

Câu nghị luận xã hội thể hiện được tính mở của đề thi, để học sinh thể hiện được quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, nội dung về ý chí, nghị lực không mới, thậm chí đã cũ, học sinh được viết rất nhiều nên không có gì khó khăn. Ở phần này, học sinh được điểm cao nếu làm tốt yêu cầu về nội dung và hình thức của đoạn văn. Riêng câu nghị luận văn học, hơi khác biệt so với đề năm 2018 và đề thi minh họa.

“Ở phần này, đề thi tạo thuận lợi cho học sinh. Vì đề thi có trích sẵn ngữ liệu rồi nên học sinh không phải ghi nhớ dẫn chứng theo dạng thuộc lòng. Chỉ cần cảm nhận, hiểu sâu sắc là có thể viết được”, thầy Đức Anh nói.

Tuy nhiên, việc lựa chọn một đoạn trong bút ký cũng gây khó cho thí sinh vì so với việc phân tích, cảm nhận đoạn thơ hay truyện ngắn sẽ dễ hơn. Thí  sinh phải học kỹ, nắm bài chắc, có nhiều ý phong phú thì mới viết tốt. “Riêng câu hỏi nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được thầy giáo nhận xét là câu phân loại thí sinh. Phải là thí sinh khá giỏi mới có thể viết tốt”, thầy giáo nhận xét.

Nguồn VnExpress