Ảnh minh họa.

Tiềm năng của thị trường sáng tạo nội dung số

Chia sẻ về tiềm năng của thị trường sáng tạo nội dung số, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết lĩnh vực sáng tạo nội dung số đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam và có doanh thu khoảng 800 triệu USD vào năm 2022.

Chỉ tính riêng trên YouTube, số liệu trong năm 2022 cho biết số người Việt Nam kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội lên tới 20.000 người và mang về một khoản doanh thu ngoại tệ tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng. Việt Nam hiện có gần 500 kênh YouTube đạt nút vàng (hơn 1 triệu người đăng ký) và 8 kênh đạt nút kim cương (trên 10 triệu lượt đăng ký).

Trên phạm vi toàn cầu, sáng tạo nội dung số ngày càng thu hút một lực lượng lao động trình độ cao tham gia và tạo ra lượng doanh thu khổng lồ. Các ngành nghề trong đó cũng rất phong phú, bao gồm: sản xuất nội dung và kiếm tiền trên các nền tảng miễn phí, xuyên biên giới (YouTube, Facebook, TikTok…); kinh doanh trên khoảng hơn 50 nền tảng âm nhạc trực tuyến (Spotify, Apple Music, Amazon Music…); cung cấp hình ảnh, video 2D/3D, tranh, bản vẽ thiết kế, giáo dục trực tuyến; phát hành trò chơi trực tuyến (game online) trên Apple Store, CH Play cũng như nhiều nền tảng số của các quốc gia khác…

Chính sách thuế phù hợp với lĩnh vực sáng tạo nội dung số

TS Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam khẳng định lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trong đó có nội dung số được Nhà nước quan tâm thúc đẩy phát triển. Với nhiều chính sách hỗ trợ, đến nay lĩnh vực sáng tạo nội dung số phát triển mạnh mẽ, đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, do là ngành mới mẻ và phát triển với tốc độ rất nhanh, hiện vẫn còn một số rào cản, vướng mắc cần được tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng còn chưa phù hợp.

Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Triệu Minh Long cho biết: “Chính sách thuế của Việt Nam đang rất hấp dẫn, cả với doanh nghiệp trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài. Có thể tham khảo thế giới đang có những chính sách gì, cách thức hoạt động thế nào đối với lĩnh vực nội dung số để tham khảo”.

Hiện nay, một số doanh nghiệp, cá nhân sáng tạo nội dung số trong nước còn gặp khó khăn trong việc kê khai, hạch toán chi phí, dẫn đến không được hưởng những ưu đãi về thuế. Hy vọng thời gian tới, sẽ có nhiều chính sách hợp lý để những cá nhân, doanh nghiệp muốn khai thác, phát triển lĩnh vực đầy tiềm năng này có điều kiện thuận lợi và có những hỗ trợ phù hợp để tiềm năng trong ngành công nghệ số có những bước đột phá hơn, thu hút nhiều nhà sáng tạo tham gia.