web analytics

Đà Nẵng đưa robot vào phục vụ bệnh nhân cách ly 24/03/2020

(KDTT) – Sau gần 10 ngày nghiên cứu và chế tạo, ngày 23/3, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã hoàn thiện robot BK-AntiCovid và bàn giao cho Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.

Robot phục vụ bệnh nhân khu vực cách ly do nhóm giảng viên ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) chế tạo – Ảnh: VGP/Lưu Hương.

Robot “BK-AntiCovid” được nhóm giảng viên Khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) chế tạo nhằm phục vụ bệnh nhân tại khu cách ly trong giai đoạn nghi nhiễm COVID-19, giảm khả năng lây lan cũng như bảo đảm sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế.Sau gần 10 ngày nghiên cứu, ngày 23/3, ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) đã bàn giao robot cho Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng.

Tiến sĩ Võ Như Thành, Trưởng bộ môn Cơ điện tử (Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng) cho biết, xuất phát từ nhu cầu phục vụ bệnh nhân nghi ngờ mắc COVID-19 tại khu cách ly, nhóm nghiên cứu đã cùng nhau phối hợp làm việc để hoàn thiện sản phẩm này.

Theo nhóm nghiên cứu, robot có nhiệm vụ vận chuyển thức ăn, nhu yếu phẩm; đồng thời có thể theo dõi quan sát tình trạng đối tượng được cách ly từ xa, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh, nhờ đó bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm chéo virus SARS-CoV-2.

Robot được điều khiển bằng tay với một nút điều chỉnh đa hướng, tốc độ di chuyển theo yêu cầu nên tương đối dễ dàng khi sử dụng, được thiết kế, chế tạo bằng thép không gỉ, cấu trúc tinh giản, hạn chế góc cạnh, dễ dàng phun thuốc khử trùng nhưng không thấm nước, có thể mang tải trọng tối đa 100 kg. Robot còn được gắn thêm camera và loa để bác sĩ có thể quan sát tình trạng bệnh nhân. Sau mỗi lần sử dụng, nhân viên y tế có thể phun khử khuẩn cho robot mà không sợ ảnh hưởng đến vi mạch điện tử bên trong.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, khó nhất trong chế tạo robot “BK-Anticovid” là sản phẩm phải khép kín để đạt yêu cầu chống nước, tính toán công suất động cơ sao cho đủ tải và gia công cơ khí.

Được biết, từ khi nhận yêu cầu đặt hàng cho đến hoàn thành sản phẩm, nhóm mất khoảng 7 ngày, trong đó, công việc thiết kế, chế tạo, lập trình, gia công linh kiện, chế tạo mạch đấu nối dây và khung giàn 5 ngày và kiểm tra chạy thử trong 2 ngày.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết: Chế tạo robot là một thế mạnh của trường, với trách nhiệm xã hội của mình, chúng tôi luôn luôn trăn trở với các vấn đề cuộc sống đặt ra, cố gắng bằng nguồn lực và trí tuệ của mình đó là đội ngũ giảng viên và các em sinh viên tham gia vào những hoạt động cùng chung tay với cộng đồng, đặc biệt trong thời gian này đang xảy ra dịch bệnh COVID-19.

Khi nhận được đặt hàng của Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu, chế tạo robot với khoảng thời gian rất ngắn, chưa tới 10 ngày. Đến nay, robot đã hoàn thành theo đúng yêu cầu tính năng như đã đề ra. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số tính năng hỗ trợ như đo thân nhiệt từ xa.

Bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết: Nhận sự chỉ đạo của UBND Thành phố và Sở Y tế, hiện bệnh viện đang theo dõi, chăm sóc cho 20 trường hợp là bà mẹ mang thai, trẻ em từ vùng dịch ở nước ngoài về nước.

“Việc nhanh chóng chế tạo thành công robot có ý nghĩa thiết thực, góp phần chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Thời gian tới, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) sẽ đồng hành với nhóm nghiên cứu tiếp tục nâng cấp các tính năng cho robot như đo nhiệt độ từ xa, tự động phun thuốc khử khuẩn. Nếu sản xuất robot với số lượng lớn thì chi phí sản phẩm chỉ còn 35 triệu đồng”, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) Đoàn Quang Vinh chia sẻ.

Theo KDPT