Hội thảo nhằm nâng cao sự hiểu biết cho các cán bộ, đặc biệt là các cán bộ trẻ, các bạn đoàn viên, thanh niên… về bảo vệ môi trường nói chung cũng như cùng chung tay có những hành động thiết thực góp phần tái chể, biến những đồ nhựa bỏ đi thành những sản phẩm mới hữu ích cho đời sống, góp phần vào giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường.
Tham dự hội thảo có Đồng chí Trần Thị Hồng Ánh, Chánh Văn phòng Đảng ủy, Phó Trưởng ban Tổ chức và Chính sách Hội Liên hiệp Hội Việt Nam; Đồng chí Phạm Thị Bích Hồng, Phó bí thư Chi Bộ cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam, Phó Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam, Giám đốc NXB Trí thức; Đồng chí Ngô Việt Dũng, Chánh Văn phòng Liên hiệp Hội Việt Nam; Đồng chí Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam; Đồng chí Lê Thị Thủy, Bí thư Đoàn thanh niên Liên hiệp Hội Việt Nam; Đồng chí Trần Thị Tươi, Bí thư chi đoàn Cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam.
Đại biểu tham dự hội thảo. |
Hội thảo còn có sự tham dự của các đại biểu đến từ Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub); Quỹ Vifotec, Nhà xuất bản tri thức, các tổ chức KHCN trực thuộc và đông đảo các đồng chí đoàn viên thanh niên đến từ các đơn vị trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.
Đồng chí Lê Thị Thủy, Bí thư Đoàn thanh niênLiên hiệp Hội Việt Nam.
Đồng chí Trần Thị Tươi, Bí thư chi đoàn Cơ quanLiên hiệp Hội Việt Nam.
Hiện nay, bảo vệ môi trường đang được xem là vấn đề mang tính toàn cầu. Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm phải kể tới là rác thải nhựa. Vì vậy việc tái chế rác thải nhựa được coi là biện pháp quan trọng trong số những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm góp phần bảo vệ môi trường sống.
Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có lượng tiêu thụ nhựa trong cuộc sống hằng ngày cao hàng đầu thế giới. Báo cáo của Hiệp hội nhựa Việt Nam cho biết vào năm 2015, Việt Nam đã sản xuất và tiêu thụ đến 5 triệu tấn nhựa. Con số tiêu thụ này đã tăng rất mạnh trong giai đoạn 1990-2018, nếu như năm 1990, mỗi người Việt Nam tiêu thụ 3,8 kg nhựa/năm thì đến năm 2018 con số này đã lên đến 41,3 kg nhựa/năm.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên & Môi trường thì mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có 0,28 triệu – 0,73 triệu tấn thải ra biển (tức là chiếm khoảng 6% tổng rác thải nhựa ra biển của toàn thế giới). Đơn cử như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Trong đó, cứ 4.000-5.000 tấn rác thải mỗi ngày thì đã có 7-8% là rác thải nhựa, nilon. Với thực trạng xả rác thải nhựa như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ “ô nhiễm trắng” trầm trọng.
Rác thải nhựa rất khó bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Mỗi loại chất nhựa có số năm phân huỷ khác nhau với thời gian rất dài, hàng trăm năm có khi tới hàng nghìn năm. Đơn cử theo thông tin từ báo Môi trường & Đô thị thì: Chai nhựa phân hủy sau 450 năm – 1000 năm; ống hút, nắp chai sẽ phân hủy sau 100 năm – 500 năm; bàn chải đánh răng phân hủy sau 500 năm…
Các loài động vật khi ăn phải rác thải nhựa có thể chết, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái. Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước. Khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí, gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư…
Khi chôn lấp, rác thải nhựa sẽ làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng và ngăn cản quá trình khí oxy đi qua đất, gây tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng. Hơn nữa, nó có thể làm ô nhiễm nguồn nước, gây ra cái chết của các vi sinh vật có lợi cho cây ở dưới lòng đất. Rác thải nhựa gây ra tình trạng “ô nhiễm trắng” tại các điểm du lịch, ảnh hưởng đến không gian nghỉ ngơi và thư giãn của con người…
Bí thư Đoàn thanh niênLiên hiệp Hội Việt Nam – Lê Thị Thủy; Bí thư chi đoàn Cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam – Trần Thị Tươi chủ trì hội thảo.
Chống rác thải nhựa đang là cuộc chiến mang tính toàn cầu. Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Luật này được Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng toàn xã hội chung tay hưởng ứng.
Liên hiệp Hội Việt Nam Là tổ chức chính trị – xã hội của đội ngũ trí thức KHCN Việt Nam, là ngôi nhà chung tập hợp đông đảo chuyên gia, trí thức ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Đoàn Thanh niên Liên hiệp Hội Việt Nam là nơi tập hợp đội ngũ thanh niên trí thức với hơn 100 đoàn viên, thanh niên công tác tại 09 đơn vị trực thuộc. Hơn ai hết, đội ngũ trí thức trẻ của Liên hiệp Hội Việt Nam cần phải có hiểu biết sâu sắc và nhận thức rõ về trách nhiệm bảo vệ môi trường sống đang ngày càng bị đe dọa của chúng ta. Nhận thấy sự cần thiết đó, Chi đoàn cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam là chi đoàn nòng cốt của Đoàn Thanh niên Liên hiệp Hội Việt Nam đã đề xuất và chủ trì tổ chức Hội thảo“Tăng cường nhận thức cho các cán bộ, đoàn viên, thanh niên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về tái chế rác thải nhựa góp phần bảo vệ môi trường”.
Bà Tô Thị Hoàng Linh, đại diện đến từ Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub).
Chương trình Hội thảo đã mang đến những tham luận với nội dung thiết thực, góp phần bổ sung kiến thức về rác thải nhựa, tái chế rác thải cho đoàn viên, thanh niên: Rác thải và vai trò của thanh niên trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng; Giới thiệu các mô hình xử lý rác trên thế giới; Rác thải nhựa và tác hại của rác thải nhựa đối với việc bảo vệ môi trường. Các đồng chí đoàn viên thanh niên cũng tích cực tham gia thảo luận và đề xuất các ý kiến góp phần hạn chế rác thải nhựa như: Đẩy mạnh khâu tuyên truyền và thuyết phục người dân hạn chế dùng đồ nhựa, đặc biệt là đồ nhựa một lần; Khuyến khích sử dụng đồ dùng nhiều lần, đồ có nguồn gốc thiên nhiên như tre, sậy, lá chuối thay thế cho đồ nhựa; Gương mẫu thực hiện và kêu gọi người dân vất rác đúng nơi quy định, chủ động phân loại rác ngay từ nguồn; Phát động phong trào kêu gọi người dân chung tay dọn rác; Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho nhựa…
Các đại biểu tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến tại hội thảo.
Hội thảo đã góp phần tuyên tuyền cho các cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam các vấn đề về bảo vệ môi trường, hạn chế tác hại của rác thải nhựa, khuyến khích sử dụng các vật liệu tái chế. Cùng với đó là truyền tải thông điệp tích cực về sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng sẽ làm nên những điều lớn lao để bảo vệ hành tinh sống của chúng ta khỏi ô nhiễm rác thải; thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân cần phải có những hành động thiết thực trong vấn đề bảo vệ môi trường, truyền cảm hứng xanh, phát triển bền vững.
Đặc biệt, ngay trong khuôn khổ chương trình hội thảo, các bạn đoàn viên thanh niên đã thực hành thu gom, phân loại rác thải trực tiếp tại trụ sở Liên hiệp Hội Việt Nam thông qua hoạt động ngoài trời “Chung tay thu gom, phân loại rác thải làm sạch môi trường cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam”.
Một số hình ảnh hoạt động ngoài trời “Chung tay thu gom, phân loại rác thải làm sạch môi trường cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam” của Chi đoàn Thanh niên Liên hiệp Hội Việt Nam: