web analytics

Tài xế tập trung phản đối chính sách mới của Grab 08/12/2020

(KDTT) – Theo Nghị định 126 có hiệu lực từ 5/12, cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Go-Jek… sẽ thay đổi. Giá một cuốc xe đặt qua ứng dụng gọi xe sẽ phải tính VAT 10% tương tự taxi truyền thống. Lập tức, từ 11h ngày 5/12, Grab thông báo điều chỉnh tăng phần khấu trừ với tài xế và tăng giá cước cơ bản trên toàn quốc. Không chấp nhận điều này, sáng nay (7/12), hàng trăm tài xế đã tập trung tại trụ sở chi nhánh Grab Hà Nội trên phố Duy Tân để phản đối.

Phía ngoài đường Duy Tân (Cầu Giấy), hàng trăm tài xế đứng hai bên đường và trước trụ sở Grab chi nhánh Hà Nội để phản đối chính sách mới của công ty.

Anh Vũ, một đối tác của Grab cho biết, anh đã làm công việc này 3 năm nay. Nếu như trước đây, mức chiết khấu giữa Grab và tài xế ở khoảng 20%, thì nay đột ngột tăng lên 30%, do áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.

Nhiều tài xế cho biết, họ bức xúc vì không có ai đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình, cũng như hàng ngày phải chạy từ 10-12 tiếng, nhưng mức chiết khấu cao như vậy khiến họ tập trung lại để phản đối, hi vọng Grab sẽ có những biện pháp phù hợp.

Một người đại diện của Grab chi nhánh Hà Nội (khẩu trang trắng, áo đen) đứng ra giải thích với các tài xế. Tuy nhiên, các tài xế không chấp nhận và cho rằng người này không đủ thẩm quyền giải quyết.

Đến giữa giờ trưa có thêm nhiều tài xế đến cùng nhau phản đối chính sách này. Họ tập trung trước cổng toà nhà đặt chi nhánh Grab tại Hà Nội, sau đó kéo lên tầng 5, nơi các nhân viên làm việc. Mặc dù có người nhận là nhân viên của Grab đứng ra giải thích, tuy nhiên các tài xế không đồng ý, họ cho rằng người này không có thẩm quyền giải quyết.

Một số tài xế đã mang theo băng rôn đến với nội dung yêu cầu Grab thay đổi cách tính chiết khấu. Bên ngoài, lực lượng công an đã có mặt nhằm đảm bảo an ninh trật tự.

Các tài xế cho biết, theo quy định trước đây, họ chịu chiết khấu 20% cho mỗi cuốc xe với Grab. Nay áp thêm thuế VAT 10%, đồng nghĩa mỗi cuốc xe của họ bị chiết khấu 30%. Như vậy, nếu chạy được 100.000 đồng, họ chỉ thu về 70.000 đồng, bao gồm cả chi phí cho nhiên liệu và các chi phí khác. Cũng theo các tài xế, để chạy được 100.000 đồng họ phải di chuyển quãng đường khoảng 20km cho một chiều. Như vậy nếu tính cả chiều đi và về, trung bình mỗi km họ di chuyển chỉ được hơn 1.000 đồng. Mức lợi nhuận này bị các tài xế cho là quá rẻ mạt.Bên cạnh đó, các “đối tác” của Grab cho biết họ không nhận được bất kì phúc lợi nào khác như bảo hiểm, ngoài việc “ăn chia” tiền cuốc xe.

Theo thông tin từ Grab Việt Nam cho biết, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020. Theo quy định, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các nền tảng đặt xe và toàn bộ các đối tác tài xế công nghệ sẽ thay đổi.

Với quy định này, Grab sẽ tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10%) cho toàn bộ cuốc xe vận tải, trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho đối tác. Doanh nghiệp này cho biết, tỷ lệ phân chia không thay đổi (ở mức 75% hoặc 80%). Mức thuế Thu nhập cá nhân cũng được giữ nguyên là 1,5%.

Chính sách này được áp dụng từ 11 giờ sáng ngày 5/12. Kể từ thời điểm này, thuế VAT 10% và thuế TNCN 1,5% sẽ được khấu trừ chung với phí sử dụng ứng dụng, trên mỗi chuyến xe.

Như vậy, dù phí sử dụng ứng dụng không thay đổi, nhưng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế sẽ tăng lên lần lượt là 28,364% và 32,841%, tùy từng đối tác.

Grab đồng thời tăng giá các dịch vụ GrabCar kể từ trưa ngày 5/12. Theo đó, giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội sẽ tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo). Tương tự, GrabCar 7 chỗ tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu và từ 10.000 lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Tại TP.HCM, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Trước đó, nhiều tài xế đã sử dụng mạng xã hội để kêu gọi phản đối chính sách tăng chiết khấu của Grab trên các hội nhóm tài xế công nghệ.

Đây cũng không phải lần đầu các lái xe công nghệ biểu tình phản đối các điều chỉnh mới của hãng xe. Hồi tháng 1/2018, nhiều tài xế đã tập trung để phản đối việc Grab tăng chiết khấu từ 20% lên 23,6%.

DUY VINH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo: KDPT