Định giá carbon được coi là một trong những giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả. (Ảnh minh họa: Internet)
Định giá carbon được coi là một trong những giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả. (Ảnh minh họa: Internet)

Tín chỉ carbon là gì?

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã đưa ra nguyên tắc “người gây ô nhiễm sẽ phải trả tiền”. Chương trình kinh doanh phát thải carbon (ETS) của Việt Nam đã tạo ra một công cụ định giá thị trường. Với công cụ này, các cơ sở sản xuất, địa phương và quốc gia tìm cách giảm mức phát thải, có thể mua các khoản tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí thải thực tế của từng nơi. Cơ chế định giá này sẽ được hỗ trợ bởi các chính sách và công cụ bổ sung như hệ thống kiểm kê khí thải quốc gia, hệ thống giám sát, báo cáo và xác minh và cơ quan đăng ký quốc gia. Chương trình ETS này phù hợp với các thông lệ quốc tế hiện hành, dự kiến sẽ được áp dụng trước tiên cho các đơn vị phát thải lớn, trước khi áp dụng cho các đơn vị nhỏ hơn.

Thị trường vận hành theo nguyên tắc, “người gây ô nhiễm” phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường thông qua việc mua bán và trao đổi tín chỉ carbon.

Nhà nước thu được ngân sách khi áp dụng thu phí từ hoạt động trao đổi hạn ngạch tín chỉ carbon hay thuế carbon trong tương lai. Và để thị trường mua bán và trao đổi tín chỉ carbon được công khai, minh bạch, dự kiến đến năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, kết nối với thị trường khu vực và trên thế giới.

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đã và đang thực hiện ba hiệp định thương mại tín chỉ carbon lớn trên cơ sở thử nghiệm. Trong 5 năm qua, các cơ quan chính phủ đã thực hiện các nghiên cứu thử nghiệm cơ chế thương mại carbon trong lĩnh vực sản xuất thép và xử lý chất thải rắn. Ông nói rằng, dự án đã đánh dấu một bước tiến của Việt Nam trong việc hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước và vươn ra thị trường carbon toàn cầu.

Tiếp đến là Thỏa thuận thanh toán giảm thiểu phát thải (ERPA) với Quỹ Đối tác carbon rừng thuộc WB (PCPF) ký vào tháng 10/2020. Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ giảm 10,3 triệu tấn khí thải CO2 từ 6 tỉnh Bắc Trung Bộ cho đến năm 2025 để nhận 51,5 triệu đô la, tức mỗi tín chỉ carbon sẽ là 1 tấn khí thải và trị giá 5 đô la Mỹ.

Một thỏa thuận khác tương tự với 5,15 triệu tấn CO2 giảm từ rừng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026, Việt Nam sẽ được nhận từ quỹ tài chính lâm nghiệp LEAF 51,5 triệu đô la Mỹ. Mỗi tín chỉ tương đương 10 đô la Mỹ.

Thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam dự kiến sẽ phát triển trong tương lai gần do còn trữ lượng rừng và nhiều tập đoàn nước ngoài sẵn sàng chi hàng tỷ đô la để mua tín chỉ carbon rừng từ Việt Nam. Việt Nam có thể bán 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế hàng năm, với giá 5 đô la/tín chỉ, ước tính thu về 235 triệu đô la mỗi năm.

Nằm trong các khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng
Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng ở Tây Nguyên.

Tiềm năng, cơ hội và thách thức

Thông tin tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch ngành lâm nghiệp năm 2024 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị cho biết, năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.

Trong số 6 tỉnh này, Nghệ An là tỉnh được giải ngân hơn 282 tỷ đồng, tiếp đến là Quảng Bình với hơn 235 tỷ đồng, Thanh Hóa 162 tỷ đồng, Hà Tĩnh 122 tỷ đồng, Thừa Thiên – Huế 107 tỷ đồng và Quảng Trị hơn 51 tỷ đồng.

Ông Phạm Hồng Lượng, Cục Lâm nghiệp, cho biết việc chuyển nhượng tín chỉ carbon của Việt Nam được WB đánh giá rất cao.

Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,7 triệu ha, đạt tỷ lệ che phủ trên 42%.

Tháng 2/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và WB đã ký “Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ” giai đoạn 2018-2024.

Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế có hơn 3,1 triệu ha đất có rừng với độ che phủ 57,4% (chiếm hơn 21,2% diện tích rừng cả nước). Đây sẽ là những khu vực giàu tiềm năng bán tín chỉ carbon của Việt Nam trong tương lai gần.

Mặc dù phải tới 5 năm nữa Việt Nam mới triển khai vận hành thị trường carbon bắt buộc nhưng theo quan điểm của các nhà kinh tế, các doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức có thể tham gia thị trường carbon ngay từ bây giờ để gia tăng khoản thu, cũng như thể hiện một phần trách nhiệm đối với xã hội.

Nguyên nhân là do thế giới đang đứng trước tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng nhanh chóng. Do đó để chống lại biến đổi khí hậu, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện lộ trình Net Zero – phát thải ròng bằng 0. Điều này đã khiến thị trường tín chỉ carbon trở nên rất sôi động. Theo đó, giá tín chỉ carbon đã được đẩy lên nhanh chóng, từ 50 USD/tấn CO2 trước đây lên đến 150 USD vào năm 2035 và có thể đạt 250 USD vào năm 2050. Do đó, nếu doanh nghiệp vượt mức hạn ngạch khí nhà kính được phân bổ thì chi phí nộp phạt sẽ rất lớn.

Ông Wolfgang Mostert, Chuyên gia quốc tế về chính sách năng lượng và khí hậu chia sẻ, định giá carbon là một công cụ chính sách hướng đến tính hiệu quả và tính kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải đề ra với chi phi thấp nhất bằng cách cân bằng chi phí giảm phát thải giữa các ngành và các nguồn phát thải khí nhà kính; trong đó thị trường carbon đóng vai trò quan trọng, nhưng để xây dựng và vận hành thị trường này là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính.

Sau cam kết mạnh mẽ tại COP26, việc ban hành Nghị định 06/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon là bước đi đáng ghi nhận của Việt Nam. Tuy nhiên, để vận hành được thị trường này, trong bối cảnh quỹ thời gian thực thi không còn nhiều, các thách thức về mặt kỹ thuật vẫn là rất đáng kể. Từ những công việc ban đầu nhắm vào tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp Việt Nam hiểu thị trường mua bán tín chỉ carbon là gì, rồi đến việc lựa chọn những ngành nào, doanh nghiệp theo tiêu chí nào bắt buộc tham gia thị trường. Các công đoạn mang tính kỹ thuật phức tạp hơn có thể kể đến như kiểm đếm phát thải; theo dõi, giám sát, báo cáo tiến trình mua bán.

Các chuyên gia cho rằng, việc thành lập thị trường tín chỉ carbon là định hướng quan trọng để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam là một thị trường phát triển tiềm năng trên thế giới, tuy nhiên, để huy động vốn đầu tư FDI thì doanh nghiệp Việt Nam và chuỗi cung ứng phải chuyển dịch theo hướng xanh, bền vững.

Theo Trưởng ban Tư vấn xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện Nguyễn Hồng Loan, có 4 cơ chế tín chỉ là: Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM), Tiêu chuẩn vàng (GS), cơ chế carbon được thẩm định (GCS). Tổng lượng tín chỉ phát hành tín chỉ này ở Việt Nam đến tháng 12/2022 là hơn 40 triệu tín chỉ. Ngoài ra, có khoảng 50 dự án phát hành tín chỉ carbon theo cơ chế của Hội đồng carbon toàn cầu (GCC) đã được đệ trình.

Theo TS .Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, để phát triển thị trường carbon ở nước ta cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ; Xác định tổng hạn ngạch phát thải và phân bổ cho các lĩnh vực, doanh nghiệp và xác định các lĩnh vực, dự án tiềm năng.

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ đào tạo đội ngũ, năng lực quản lý, tổ chức vận hành thị trường carbon; Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đáp ứng việc sẵn sàng tham gia thị trường carbon.

Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng sàn giao dịch hạn ngạch và tín chỉ carbon cùng với quy chế tổ chức, vận hành để thị trường trong nước chính thức hoạt động, kết nối với thị trường khu vực, thế giới. Có như vậy, Việt Nam sẽ khai thác hiệu quả “mỏ vàng xanh” để phát triển kinh tế xanh, bền vững./.