web analytics

Sức cạnh tranh của nền kinh tế không nên dựa chủ yếu vào sức lao động! 24/10/2019

(KDTT) – Ngày 23-10, Quốc hội đã dành 1 ngày để nghe báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý và thảo luận toàn thể tại hội trường về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trình Quốc hội hai phương án tuổi nghỉ hưu, hai phương án làm thêm giờ

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; thích ứng với sự linh hoạt của thị trường lao động và góp phần dịch chuyển lao động từ khu vực không có quan hệ lao động sang khu vực có quan hệ lao động, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội của người lao động.

Về tuổi nghỉ hưu, do còn có ý kiến khác nhau và đây là vấn đề có tác động lớn đối với người lao động và thị trường lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng trình Quốc hội 2 phương án.

Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng cao, cần giảm thời giờ làm việc để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành việc đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu. Dù vậy, Chính phủ vẫn mong muốn tiếp tục trình Quốc hội phương án tăng thời giờ làm thêm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Theo đó, Phương án 1, quy định theo hướng giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ nâng thời giờ làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng. Phương án 2, nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho biết ông cơ bản nhất trí nhiều nội dung trong dự án Bộ luật, nếu được thông qua sẽ tạo nên bước đột phá trên hai hướng bao trùm hơn và hội nhập hơn.

Góp ý vào những nội dung cụ thể, về thời giờ làm việc bình thường, đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành, thời gian làm việc tối đa là 48 giờ/tuần, Nhà nước khuyến khích giờ làm việc ít hơn là 40-44 giờ/tuần tùy thuộc điều kiện cụ thể của DN và thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

Theo đại biểu, ở hầu hết những quốc gia có trình độ phát triển như nước ta và đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chúng ta thì đều quy định thời gian làm việc là 48 giờ. Chúng ta thì mới thoát ra khỏi ngưỡng nghèo và mới chỉ là nước có thu nhập trung bình ở trình độ thấp, năng suất lao động thậm chí thấp nhất khu vực thì áp dụng thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp.

Cũng theo đại biểu, giảm thời gian lao động sẽ gây giảm tiền lương và chậm lại kế hoạch tăng lương cho người lao động bởi mức tiền lương tối thiểu hiện tại được các bên nhất trí và được Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua dựa trên tính toán mức lương tối thiểu làm việc 48 giờ/tuần. Nếu giờ thay đổi giảm xuống thì chắc chắn phải tính toán lại cho phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế.

“Bên cạnh đó, năng suất lao động thấp nên tiền lương và thu nhập của phần lớn người lao động chưa cao, nếu giờ giảm giờ làm thì đồng nghĩa việc giảm thu nhập, người lao động phải tìm việc khác để làm tăng thu nhập.

Để duy trì sản xuất trong điều kiện giảm giờ làm thì DN buộc phải tuyển thêm lao động nhưng trong điều kiện thị trường lao động hiện nay khi tỷ lệ thất nghiệp đang rất thấp thì các DN rất khó tuyển thêm lao động vì vậy buộc họ thu hẹp sản xuất”, đại biểu Vũ Tiến Lộc phân tích.

Sau khi phân tích, ông Lộc cho rằng, việc rút ngắn thời gian làm việc là có phần khập khiễng trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại hội trường.

Người lao động có thật sự tự nguyện muốn làm thêm?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cho hay, bà nghe nhiều công nhân và công tác công đoàn cho biết người công nhân không muốn làm thêm giờ mặc dù trên thực tế họ cần làm thêm giờ. Vậy chúng ta cần trả lời câu hỏi: “Vì sao người công nhân phải làm thêm giờ?”.

“Câu hỏi quá dễ trả lời, quá dễ thấy trên thực tiễn. Đó là vì tiền lương, thu nhập hiện nay công nhân thực sự không đủ để trang trải cuộc sống tối thiểu của người công nhân. Chúng ta nhìn thực tế vào cuộc sống của người công nhân, nhìn vào dáng vẻ, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc.

Hãy nhìn vào những đứa trẻ mà cha mẹ của họ phải gửi về quê, có người mẹ người cha nào muốn xa con họ hay không? Thậm chí 1 năm, 2 năm chưa được gặp con. Có những người cha, người mẹ là ông, bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để cha mẹ chúng đi làm việc. Họ không cam chịu, họ không muốn là gánh nặng của xã hội, họ phải đi tìm việc làm. Mà nói rằng họ tự nguyện để làm quần quật suốt ngày. Tôi cho rằng quan điểm này cần tranh luận để làm sáng rõ”, đại biểu nói.

Nói rằng tự nguyện, họ không tự nguyện mà họ cần làm thêm để thêm thu nhập. Vậy vai trò của Quốc hội ở đây là gì? Là phải làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ sống, đủ trang trải cuộc sống để có thời giờ để họ học tập, có thời giờ nâng cao tay nghề, có thời giờ để giải trí, có thời giờ để chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình và tham gia các quan hệ xã hội mà quyền con người được Hiến pháp quy định.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, sức cạnh tranh của nền kinh tế không chỉ và không nên dựa chủ yếu vào sức lao động của người lao động mà là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc đấy là tiến bộ của xã hội.

Đối với người lao động, có người muốn làm thêm, có người không, đó là quyền và nhu cầu được làm thêm của họ. Đối với người lao động ở khu vực thành thị, nông thôn là khác nhau, địa bàn có người nhập cư… là khác nhau. Nên nếu chúng ta cứ tranh luận việc tăng thêm giờ làm thêm giờ hay không, tăng thêm bao nhiêu sẽ không hợp lý. Bởi nếu chọn theo nhóm này thì sẽ có nhóm không phù hợp, do vậy Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm chính sách để người lao động, DN có thể lựa chọn.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, giám sát và chế tài còn hạn chế sẽ dẫn đến tình trạng DN lợi dụng tăng thời giờ làm thêm để khai thác sức lao động quá mức. Đại biểu bày tỏ nhất trí với phương án không mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa so với quy định hiện hành và cần bổ sung các chế tài đủ mạnh để xử lý các tổ chức DN vi phạm các quy định của Bộ luật Lao động.

Theo phapluatxahoi.vn