“Đánh bật” thanh long, xuất khẩu sầu riêng vượt 1 tỷ USD

Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu sầu riêng năm nay sẽ tăng mạnh, đạt 1,2-1,5 tỷ USD, gấp 3,5 lần so với năm ngoái. Thị trường Trung Quốc chiếm tới 95% giá trị xuất khẩu của sầu riêng Việt Nam. Đây là kết quả rất tích cực từ việc Việt Nam chính thức ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 7/2022.

Tính đến cuối tháng 5, phía Trung Quốc đã phê duyệt thêm 47 mã số vùng và 18 cơ sở đóng gói sầu riêng đạt yêu cầu nâng tổng số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên con số 293 và 115 cơ sở được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính ngạch. Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đang giữ được đà tốt, nhất là khi mùa sầu riêng Tây Nguyên sẽ bắt đầu cho thu hoạch vào quý III.

Bên cạnh đó, sầu riêng Việt Nam không chỉ tập trung xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc mà còn được mở rộng sang các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc, Anh…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu sầu riêng 7 tháng đầu năm nay đã thu về 1,1 tỷ USD, “đánh bật” thanh long – loại quả đã 10 năm liền đứng đầu trong top các loại trái cây xuất khẩu của nước ta để vươn lên chiếm vị trí top đầu. Với con số này, sầu riêng chính thức lọt vào “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” của ngành nông nghiệp. Đây cũng là mức kim ngạch cao nhất của loại trái cây này từ trước đến nay.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, nhu cầu và tiềm năng của thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng sầu riêng còn rất lớn, trị giá hơn 4 tỷ USD năm 2022. Đây cũng là thị trường lớn nhất và là thị trường tiềm năng của sầu riêng Việt Nam. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng của xuất khẩu sầu riêng cũng gây ra nhiều lo ngại, đặc biệt về vấn đề gian lận mã số vùng trồng.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã nhận được một số thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực hiện tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân để áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp. Về phía Bộ Công Thương, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại mặt hàng sầu riêng sang các thị trường. Đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định để được hưởng các ưu đãi từ các FTA đã ký kết.

Ngoài trái sầu riêng, từ nay đến cuối năm, dự báo, trong quý III và IV sẽ có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, nhãn, sầu riêng, mít, bơ… Như vậy có thể thấy nguồn cung trái cây đang và sẽ rất dồi dào, đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.

Theo KDPT