web analytics

Rừng phòng hộ tỉnh Vĩnh Phúc đang ‘kêu cứu’ 31/08/2021

(KDTT) – Khu vực núi Thằn Lằn (thuộc thôn Cao Quang, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên) đã được tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương chuyển từ rừng sản xuất sang quy hoạch phát triển rừng phòng hộ vào ngày 19/8/2020, theo Văn bản số 6355/UBND-NN2. Thời gian gần đây, khu vực rừng phòng hộ đang bị một số đối tượng xâm hại, khai thác gỗ trái phép.

Văn bản này đã được chuyển tới các cơ quan chức năng liên quan. Nhưng nhiều đối tượng vẫn ngang nhiên đưa máy móc đốn hạ cây, tập kết vật liệu xây dựng gây bức xúc cho người dân

 

Nhận được phản ánh của người dân, phóng viên (PV) đã có mặt tại địa phận núi Thằn Lằn, trên những con đường đất tự làm còn hằn vết bánh xe, nhiều gốc cây bị đốn hạ. Có vị trí bị các đối tượng dùng máy múc san gạt lấy mặt bằng. Gạch, cát được tập kết thành đống, chia theo các ô đất vuông.

Làm việc với PV, ông Nguyễn Văn Thanh Hà – Chủ tịch UBND xã Cao Minh thông tin: Trong diện tích đất của địa phương quản lý, có khoảng 65 ha rừng trước kia là rừng phòng hộ, đến năm 2012 được chuyển thành rừng sản xuất. Tới nay, tỉnh Vĩnh Phúc lại có chủ trương chuyển diện tích rừng sản xuất sang rừng phòng hộ. Trên diện tích rừng phòng hộ đó có 23 ha đất rừng được giao cho Công ty Cổ phần Truyền thông Máy tính 3C từ thời UBND huyện Mê Linh cũ…

Việc đốn hạ cây rừng, tập kết vật liệu xây dựng là vi phạm pháp luật

 

Ông Hà cũng cho biết, ngày 12/7/2021 sau khi nhận phản ánh của dân, chính quyền xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, cùng lực lượng công an xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm TP Phúc Yên kiểm tra và lập biên bản xử lý vụ việc.

Trong biên bản làm việc ngày 12/7/2021, Tổ công tác của UBND xã Cao Minh ghi rõ: Tại vị trí xảy ra sai phạm được xác định là hộ gia đình bà Trịnh Thị Lương (thôn Thanh Lộc, xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên) đã đổ gạch, tập kết vật liệu.

Tại vị trí Lô 23 khoảnh 1B núi Thằn Lằn có khoảng 4 vạn viên gạch cùng hàng chục khối cát. Quá trình tập kết vật liệu chuẩn bị xây dựng xuất hiện anh Phan Đức Quý (tổ 8, phường Hùng Vương, TP Phúc Yên) đến nhận đất của mình và cản trở bà Lương xây dựng.

Tuy nhiên, do các bên không cung cấp được các giấy tờ về quyền sử dụng đất, nên Tổ Công tác yêu cầu các bên không được phép xây dựng, san gạt hoặc múc đất tại vị trí trên.

Theo tìm hiểu, hiện vị trí đất rừng xảy ra sai phạm vẫn thuộc Công ty CP Truyền thông Máy tính 3C. Nhiều năm nay, Công ty cũng không đóng phí bảo vệ rừng, phí phòng chống cháy rừng cho địa phương.

Ông Nguyễn Lâm Tới, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Phúc Yên cho biết: Sau khi nắm được tình hình phản ánh của người dân, Hạt Kiểm lâm có phối hợp với chính quyền xã Cao Minh, kiểm tra và lập biên bản các đối tượng vi phạm.

Theo Biên bản kiểm tra lâm sản ngày 29/7/2021 của Hạt Kiểm lâm, thời điểm kiểm tra vào hồi 8h30 sáng, phát hiện các đối tượng cắt hạ cây keo, 6,76 m3 cây keo được cắt khúc, đếm được 206 khúc, đường kính từ 0,6 đến 50 cm, dài từ 2,6 đến 4m. Khi phát hiện Tổ công tác làm việc, đối tượng khai thác đã bỏ trốn khỏi hiện trường…

Như vậy, việc rừng phòng hộ bị xâm hại như phản ánh của người dân là hoàn toàn chính xác. Ngoài việc cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, doanh nghiệp vị phạm, trách nhiệm người đứng đầu của địa phương khi để xảy ra tình trạng trên.

NHÓM PV TÂY BẮC

Bạn đang đọc bài viết Rừng phòng hộ tỉnh Vĩnh Phúc đang ‘kêu cứu’ tại chuyên mục Bạn đọc
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT