Chiều ngày 16/2, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội nghị bàn các giải pháp đẩy nhanh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Tham dự hội nghị có các đồng chí Tỉnh ủy viên: Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và một số chủ đầu tư.

Năm 2023, tổng vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ giao xấp xỉ 5,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) 3.378 tỷ đồng (làm tròn số) và vốn ngân sách Trung ương (NSTW) 2.113 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn hơn 6 nghìn tỷ đồng, cao hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 574 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư trong cân đối NSĐP 3,8 nghìn tỷ đồng, vốn NSTW 2,2 nghìn tỷ đồng.

Được biết, tình hình giải ngân trong tháng 1/2023 do nghỉ tết dài ngày và thời gian thanh toán vốn tháng 13 năm ngân sách 2022 nên tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2023 đạt thấp. Đến hết tháng 1/2023, tổng số vốn giải ngân các công trình, dự án là hơn 266 tỷ đồng, đạt 4,3% kế hoạch vốn năm 2023.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, do tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 chưa đạt kế hoạch đề ra dẫn đến số vốn đề xuất kéo dài kế hoạch vốn năm 2022 sang năm 2023 tương đối lớn. Tính đến ngày 14/2/2023, tổng vốn đề xuất kéo dài sang năm 2023 là hơn 1,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 17% tổng vốn tỉnh triển khai). Ngoài ra, còn có một số dự án ODA đề xuất hủy dự toán để bố trí lại chứ không đề xuất kéo dài (hơn 409 tỷ đồng).

Tại hội nghị, các đại biểu đã dành phần lớn thời gian thảo luận về một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thời gian qua.

Trong đó, nhấn mạnh một số nguyên nhân khách quan, chủ quan như: Việc giá vật liệu tăng dẫn đến tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng xây dựng, nhất là các hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, dẫn đến tình trạng tại một số gói thầu, dự án có hiện tượng nhà thầu thi công cầm chừng, cá biệt có trường hợp dừng thi công.

Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập (đơn giá bồi thường vẫn chưa sát với thực tế, phương án và dự toán bồi thường không đồng nhất giữa dự án đầu tư công và các dự án nhà đầu tư tự thỏa thuận), đặc biệt là các khu vực lợi thế như đô thị, khu vực ven biển.

Một số dự án phải thực hiện các thủ tục liên quan ở các bộ, ngành Trung ương mất nhiều thời gian, dẫn đến chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thực hiện; năng lực của một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu xây lắp còn hạn chế. Nhiều chủ đầu tư chưa thường xuyên đôn đốc nhà thầu triển khai thi công, hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, hoàn tạm ứng khối lượng, thanh toán, quyết toán dự án; vẫn còn tâm lý, thói quen tập trung thanh toán vào những tháng cuối năm.

Tỉnh Quảng Bình yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân. Các chủ đầu tư phải xác định trách nhiệm công tác giải ngân, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải ngân vốn đầu tư công và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư dự án.

Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết về tiến độ thực hiện, nghiệm thu và giải ngân cho từng công việc của từng dự án theo tiến độ hàng ngày, hàng tuần và nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.

Ông Trần Thắng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp quyết liệt để bảo đảm hoàn thành việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đúng tiến độ; nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tổ công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh.