Theo Tổng cục Hải quan, nửa cuối tháng 7 (16-31/7), cả nước xuất khẩu 411.462 tấn gạo, kim ngạch đạt 227,2 triệu USD. So với nửa đầu tháng này, lượng gạo xuất khẩu tăng tới 65% và kim ngạch tăng gần 68%.
Trong tháng 7, cả nước xuất khẩu 660.738 tấn gạo, kim ngạch 362,66 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 6,4% về kim ngạch so với tháng trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu gần 4,9 triệu tấn gạo, tổng kim ngạch đạt 2,62 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2022.
Về giá, dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta ngày 10/8 đạt mốc mới 638 USD/tấn, gạo 25% cũng vọt lên 618 USD/tấn, đồng loạt tăng 20 USD/tấn so với phiên hôm trước (9/8). Còn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, gạo 5% tấm và 25% tấm đã tăng thêm 105 USD/tấn, đưa giá mặt hàng này lên mức cao hiếm có trong lịch sử.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, những tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đang khởi sắc ở cả 3 tiêu chí: lượng, kim ngạch và trị giá bình quân.
Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Philippines, Trung Quốc, Indonesia… trong đó, Philippines nhiều năm giữ vị trí là thị trường lớn nhất, 7 tháng đầu năm xuất khẩu sang quốc gia Đông Nam Á này đạt gần 1,94 triệu tấn, kim ngạch gần 985 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt 4,84 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so cùng kỳ năm ngoái. Năm nay diện tích gieo trồng lúa của cả nước là 1,7 triệu ha với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, tăng 1,8 – 2% so năm 2022. Ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống và chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng thóc sẽ đảm bảo kế hoạch trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Việc giá gạo tăng cao được đánh giá là mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động Giá gạo trên thế giới ở mức cao tạo ra cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu gạo Việt Nam và đặt ra yêu cầu đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tuân thủ quy định của pháp luật của các cơ quan chức năng.
Theo bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, giá gạo xuất khẩu tăng là điều đáng mừng, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu lại gặp khó do giá lúa thu mua đang tăng lên từng ngày.
Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chia sẻ, sau khi có biến động về tình hình lúa gạo những ngày qua, Bộ càng phải quan tâm hơn tới các vùng sản xuất, đã cử nhiều đoàn công tác đến các địa phương đánh giá kỹ tình hình an ninh lương thực.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định, ưu tiên hiện nay là cần tận dụng thời cơ khi giá gạo đang cao, nhưng phải giữ thương hiệu gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế, tuyệt đối không chạy theo số lượng, lơ là chất lượng.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Quốc Phương cho biết: Tinh thần Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh tình hình lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo có xu hướng tăng cao, việc Việt Nam tận dụng xuất khẩu vẫn được coi trọng để mang lợi ích cho người nông dân và các doanh nghiệp; đồng thời có cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường gạo Việt Nam.
Xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ: “Doanh nghiệp cần thận trọng về giá lương thực có thể lên hoặc xuống tuỳ theo việc giải quyết lương thực của thế giới trong thời gian tới. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần nhanh chóng triển khai nếu có thể đẩy mạnh xuất khẩu gạo có lãi, không nên kìm giữ giá hoặc tích trữ đợi tăng giá tránh rủi ro.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết: Trước nhu cầu cao của thị trường lúa gạo, Cục Trồng trọt đã có kế hoạch nâng diện tích sản xuất vụ thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000 ha lên khoảng 700.000 ha. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương có các giải pháp kỹ thuật bảo đảm sản xuất hiệu quả. Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật cũng cử các đoàn làm việc với các địa phương rà soát tình hình để có giải pháp mùa vụ phù hợp trên tinh thần không chủ quan, chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại.