Tại bài viết này, chúng tôi đưa ra góc nhìn từ chính sách đến ghi nhận thực tiễn một sự việc, liên quan đến vấn đề quy định biển báo, hàng rào, người bảo vệ trong hoạt động thi công của doanh nghiệp về đầu tư xây dựng. Trong thi công đều có quy định về đặt biển báo, hàng rào, người bảo vệ, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, có không ít đơn vị đã phớt lờ những nội dung đó trong xây dựng công trình đường, cầu, chủ quan không có biển báo, không có người bảo vệ nên dẫn đến những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Thi công xây dựng công trình là hoạt động gồm xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.

Trong rất nhiều vấn đề mà các nhà thầu cần quan tâm khi thi công công trình như phải tối ưu mặt bằng xây dựng, bảo vệ môi trường xung quanh khu vực thi công … thì rủi ro tai nạn lao động là một trong những vấn đề cấp thiết và quan trọng nhất.

Nguyên tắc trong hoạt động đầu tư xây dựng

Căn cứ Điều 4 Luật Xây dựng 2014 quy định nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng bao gồm:

– Bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan, môi trường; phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của địa phương; bảo đảm ổn định cuộc sống của Nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu (được sửa đổi bởi điểm a Khoản 2 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đởi 2020).

– Sử dụng hợp lý nguồn lực, tài nguyên tại khu vực có dự án, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và trình tự đầu tư xây dựng.

– Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm nhu cầu tiếp cận sử dụng công trình thuận lợi, an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em ở các công trình công cộng, nhà cao tầng; ứng dụng khoa học và công nghệ, áp dụng hệ thống thông tin công trình trong hoạt động đầu tư xây dựng.

– Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản; phòng, chống cháy, nổ; bảo vệ môi trường.

– Bảo đảm xây dựng đồng bộ trong từng công trình và đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

– Tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định; chịu trách nhiệm về chất lượng công việc do mình thực hiện theo quy định của Luật này (được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 2 Điều 1 Luật Xây dựng sảu đổi 2020).

– Bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát và tiêu cực khác trong hoạt động đầu tư xây dựng.

– Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng với chức năng quản lý của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư phù hợp với từng loại nguồn vốn sử dụng (được sửa đổi bởi Điểm C Khoản 2 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020).

– Khi lập và thực hiện quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình xây dựng, phát triển vật liệu xây dựng phải có giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường. (được bổ sung bởi Điểm C Khoản 2 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020).

Để chỉ dẫn tại công trình, nhà thầu cần trang bị hệ thống biển báo và thông báo tới công nhân về nội dung của các biển báo này. Ngoài các ký hiệu chỉ dẫn về sự nguy hiểm, các biển báo có thể được phân biệt bằng màu để tăng tính trực quan, ví dụ như:

Màu đỏ là các loại biển báo cấm: cấm lửa, cấm vào, hạn chế tốc độ…

Màu xanh dương là các loại biển báo hướng dẫn thực hiện: đi lối này, khu vực hút thuốc, điểm tập trung…

Màu vàng là các loại biển báo cảnh báo nguy hiểm: chú ý điện cao áp, chú ý hố sâu nguy hiểm, chú ý vật rơi…

Nhà thầu cần trang bị hệ thống biển báo để giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động

Công nhân khi đi vào công trường cần phải chú ý quan sát biển báo và chấp hành chỉ dẫn để đảm bảo lối đi an toàn và sử dụng đúng thiết bị. Điều này sẽ hạn chế và phòng tránh rủi ro có thể xảy ra.

Theo Khoản 2 Điều 32 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng công trình được quy định như sau:

“…

d) Không có biển cảnh báo đề phòng tai nạn hoặc không bố trí người hướng dẫn tại những vị trí nguy hiểm trên công trường;

đ) Không bố trí hoặc bố trí người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động không được đào tạo về chuyên ngành an toàn lao động hoặc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng và đáp ứng quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

e) Không hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường;

g) Không lập, trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp đảm bảo an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình;

h) Không có quy định cụ thể biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong biện pháp thi công.”

Biện pháp khắc phục hậu quả khi vi phạm an toàn trong thi công xây dựng

Tại Khoản 4 Điều 32 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

– Buộc lập kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động theo quy định, lập các biện pháp đảm bảo an toàn chi tiết với những công việc có nguy cơ mất an toàn lao động cao với các hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

– Buộc sử dụng thiết bị thi công có đầy đủ giấy tờ lưu hành, vận hành, được kiểm định theo quy định với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

– Buộc có biển cảnh báo đề phòng tai nạn, bố trí người hướng dẫn tại những vị trí nguy hiểm trên công trường với hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;

– Buộc bố trí người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động, huấn luyện, hướng dẫn về an toàn lao động cho người lao động với hành vi quy định tại điểm đ, điểm e khoản 2 Điều này;

– Buộc lập, trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp đảm bảo an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình với hành vi quy định tại điểm g khoản 2 Điều này;

– Buộc quy định cụ thể biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong biện pháp thi công với hành vi quy định tại điểm h khoản 2 Điều này;

– Buộc thực hiện đúng phương án, giải pháp phá dỡ theo quy định với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

– Buộc mua bảo hiểm theo quy định với hành vi quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.

Góc nhìn thực tiễn từ một sự việc tại huyện Đồng Hỷ

Để đảm bảo an toàn lao động cho đơn vị thi công, nhân viên thi công, công nhân thi công đó là lẽ tất nhiên. Ngoài ra, doanh nghiệp – chủ đầu tư và đơn vị thi công cũng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người dân ở xung quanh hoặc trong vùng dự án.

Trong thi công đều có quy định về đặt biển báo, hàng rào, người bảo vệ, tuy nhiên, trong thời gian vừa qua có không ít đơn vị đã phớt lờ những nội dung đó trong quá trình thực hiện, dẫn đến những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Vừa qua, tại Thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm. Nạn nhân là em D.V.T (10 tuổi), có hộ khẩu thường trú tại tổ 7, Thị trấn Trại Cau.

Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 15h chiều 10/6/2023, em D.V.T đi chơi cùng 2 bạn khác đến khu vực thi công dự án Khu du lịch sinh thái, văn hoá Đá Thiên (thuộc khu vực đang thi công của Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc) thì bị trượt chân rơi xuống hố nước (nghi bể biogas) của công trình. Sau khi 2 bạn rời đi, không thấy em T, nghi em T bị rơi vào hố nước, người dân xung quanh hô hoán tìm kiếm. Đến khoảng 16h cùng ngày, thi thể cháu T. đã được tìm thấy trong hố nước (nghi bể biogas) của công trình. Công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi được tiến hành đến 21h cùng ngày.

Hố nước nơi bé trai 10 tuổi tử vong tại công trình dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa Đá Thiên.

Người nhà nạn nhân cho biết, thời điểm xảy ra vụ đuối nước thương tâm, xung quanh khu vực công trình không có bảo vệ, không có biển cảnh báo, không căng dây rào cảnh báo an toàn, khu vực thi công không che chắn.

Theo một người dân (xin được giấu tên) sống tại khu vực xảy ra vụ việc thương tâm trên, cho biết, khu vực hố nước bé trai T gặp nạn là khá sâu, khoảng 1m8, có bùn đặc dưới đáy, được hình thành trong quá trình thi công. Khu vực xảy ra tai nạn thương tâm gồm 3 bể sâu liền nhau, mặt trong của các bể đều trơn trượt, không có chỗ bám víu, nếu người rơi xuống đây đặc biệt là trẻ nhỏ sẽ rất nguy hiểm. Hố nước trên tồn tại trong suốt thời gian dài mà không được che đậy hay rào chắn. Lũ trẻ vẫn thường hay ra khu vực thi công của công trình này chơi đùa. Chỉ khi vụ việc thương tâm xảy ra mới được hút nước, đậy nắp, tạo rào chắn, căng dây rào cảnh báo an toàn và cắm biển cảnh báo.

Người dân chỉ vị trí bé trai 10 tuổi tử vong

Điều đáng nói là khu vực bé trai gặp nạn là một hạng mục của công trình đang xây dựng, đây là những bể ngầm lớn chiều cao vài mét và chứa đầy nước, nhưng không hề được che đậy hoặc có biển cảnh báo, ngăn cách với bên ngoài.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh doanh và Phát triển, ông Nghiêm Xuân Hoà – Chủ tịch UBND Thị trấn Trại Cau xác nhận vụ việc thương tâm bé trai 10 tuổi tử vong tại công trình đang thi công của Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc (Địa chỉ tại Thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên).

Ngay sau vụ tai nạn lấy đi tính mạng của cháu bé 10 tuổi, phía đơn vị thi công đã vội vàng cho người cẩu những tấm bê tông tới đậy lại các bể ngầm. Khu vực công trường đang thi công dự án cũng ngổn ngang sắt thép, vật nhọn, công nhân bắt đầu hàn và bắt vít các bức vách tôn ngăn cách khu vực công trường thi công với bên ngoài, tạo rào chắn cảnh báo an toàn, cắm biển báo. Việc này chỉ được tiến hành khi đã có người tử vong. Tại một số khu vực khác, dây nilon cảnh báo được công nhân kéo ra buộc tạm vào hàng rào lưới của người dân.

Theo ý kiến của người dân xung quanh khu vực thi công công trình dự án Khu du lịch sinh thái, văn hoá Đá Thiên, thì ngoài vụ tai nạn trên còn có việc xe bánh xích ngang nhiên đi lại trên đường dân sinh mà không có bất cứ biện pháp bảo vệ mặt đường nào. Con đường bê tông nhỏ, chỉ rộng khoảng 3m nhưng suốt thời gian dài nhiều xe tải có trọng tải lớn vận chuyển nguyên vật liệu lưu thông trên tuyến đường, không có biện pháp bảo vệ môi trường nào được thực hiện. Hệ lụy là gây nhiều hậu quả như nứt, vỡ đường bê tông, nguy cơ gây mất an toàn giao thông, bụi mù mịt mỗi khi xe chở vật liệu chạy trên đường, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và những hộ dân xung quanh đường bê tông.

Xe chở đất vào thi công dự án

Xe bánh xích tham gia giao thông trên đường bộ được quy định tại Điều 10 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT quy định tải trọng, khổ giới hạn đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành, theo đó: Xe bánh xích tham gia giao thông trên đường bộ phải thực hiện các biện pháp bắt buộc như lắp guốc xích, rải rấm đan, ghi chép hoặc biện pháp khác để bảo vệ mặt đường bộ. Trường hợp không thực hiện các biện pháp bắt buộc nêu trên, xe bánh xích phải được chở trên các phương tiện vận tải khác.

Từ góc nhìn khảo sát thực tiễn trong một vụ việc nêu trên, cho thấy vấn đề an toàn cho đơn vị thi công, người thi công và những người xung quanh công trình xây dựng theo quy định pháp luật là điều kiện bắt buộc, rất quan trọng. Đặc biệt, với một công trình thi công là dự án Khu du lịch sinh thái, văn hoá Đá Thiên, gần với khu tâm linh Đền Ông Hoàng Bảy Đá Thiên – vừa là nơi thờ phụng, sinh hoạt tâm linh của cộng đồng dân cư, vừa là khu vực có nhiều xe lưu thông qua lại, nhiều nhà dân sinh sống, chăn thả gia súc… cho nên tác động rất lớn đến đời sống và kinh tế xã hội ở địa phương. Qua đây, chúng tôi đưa ra các căn cứ chính sách về nguyên tắc trong đầu tư xây dựng, quy định về an toàn trong xây dựng, thi công công trình, vận dụng trên cơ sở thực tiễn, rất mong đơn vị thi công, doanh nghiệp – chủ đầu tư và chính quyền sở tại quan tâm, quản lý chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý vi phạm (nếu có), tránh phát sinh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Căn cứ vào Điều 111 Luật Xây dựng 2014 quy định như sau:

“Điều 111. Yêu cầu đối với thi công xây dựng công trình

1. Tuân thủ thiết kế xây dựng được duyệt, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ và điều kiện an toàn khác theo quy định của pháp luật.

2. Bảo đảm an toàn cho công trình xây dựng, người, thiết bị thi công, công trình ngầm và các công trình liền kề; có biện pháp cần thiết hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố gây mất an toàn trong quá trình thi công xây dựng.

3. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn riêng đối với những hạng mục công trình, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, phòng, chống cháy, nổ.

4. Sử dụng vật tư, vật liệu đúng chủng loại quy cách, số lượng theo yêu cầu của thiết kế xây dựng, bảo đảm tiết kiệm trong quá trình thi công xây dựng.

5. Thực hiện kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công việc xây dựng, giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng khi cần thiết, nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng.

6. Nhà thầu thi công xây dựng công trình phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại, cấp công trình và công việc xây dựng”.

ĐÌNH LUYỆN

Theo KDPT