Đất nông nghiệp là loại đất được Nhà nước giao cho người dân để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng,.. Là tư liệu sản xuất chủ yếu, vừa là tài liệu lao động vừa là đối tượng lao động, đặc biệt không thể thay thế của ngành nông – lâm nghiệp.

Theo Luật Đất đai năm 2013, Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; Đất trồng cây lâu năm; Đất rừng sản xuất; Đất rừng phòng hộ; Đất rừng đặc dụng; Đất nuôi trồng thủy sản; Đất làm muối;

Trong đó, đất trồng lúa được Chính phủ ban hành những quy định bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác, mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm bảo vệ, làm tăng độ màu mỡ của đất, không được chuyển sang sử dụng vào mục đích khác nếu chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Hàng trăm mét vuống đất trồng lúa bị thay đổi mục đích sử dụng đất sang nhà xưởng, bãi tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Vân Hội, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc)

Để nâng cao vai trò lãnh đạo quản lý nhà nước của các cấp chính quyền cơ sở, ngày 12/09/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ra Chỉ thị số 32 về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Nội dung cốt lõi trong đó xác định việc chủ động phòng ngừa xử lý vi phạm đất đai là nhiệm vụ quan trọng. Yêu cầu các cấp ủy, chính quyền phải quyết tâm, tập trung giải quyết với phương châm kiên quyết, chặt chẽ, có hiệu quả rõ rệt… đồng thời, khẳng định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tình trạng sử dụng đất sai mục đích đất vẫn diễn ra, điển hình như các trường hợp san lấp đất lúa để sử dụng vào các mục đích khác trái quy định.

Trước thực trạng đó, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển xây dựng chuyên đề: “Công tác quản lý đất đai trong phát triển kinh tế địa phương: Góc nhìn thực trạng chuyển mục đích đất nông nghiệp sang các hình thức kinh doanh ở Tam Dương (Vĩnh Phúc)”, qua đó, đã khảo sát thực tiễn tại xã Vân Hội, nhận thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Nhiều sào ruộng đất trồng lúa đã bị người dân tự chuyển đổi sang trồng cây lâu năm, đổ láng bê tông, dựng nhà tạm, xây bể bơi kinh doanh, làm biến dạng hoàn toàn đất trồng lúa tại xã Vân Hội, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc)

Tại xã Vân Hội, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) nhiều diện tích đất nông nghiệp trồng lúa nước bị người dân san lấp, làm biến dạng đất nông nghiệp, để chuyển mục đích đất sang các hình thức kinh doanh khác trái quy định như: bãi tập kết vật liệu xây dựng cát sỏi, kinh doanh bể bơi, nhà xưởng… các hành vi này đã làm hàng ngàn m2 đất nông nghiệp không còn khả năng trồng lúa, cung cấp lương thực như mục đích ban đầu.

Để có thêm những căn cứ, Phóng viên đã tham gia khảo sát, lấy ý kiến dân cư, qua đó nhận được nhiều băn khăn, kiến nghị của người dân xung quanh việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp tại thôn Vân Tập, xã Vân Hội (Tam Dương).

Người dân xã Vân Hội, Bà L.N.A cho biết, đất này là đất ruộng ngày trước chúng tôi vẫn trồng lúa, trước tất cả khu này là cánh đồng hết. Tôi không biết họ chuyển đổi kiểu gì được mà thấy đổ đất san lấp xong giờ thành nhà với chỗ kinh doanh hết rồi đấy.

Một nông dân thường xuyên canh tác trên cánh đồng xã Vân Hội cũng chia sẻ, “trước đây chỗ này là một con đường để đi xuống đồng làm ruộng, nhưng giờ họ đổ đất xong mang cát về tập kết, bây giờ chỗ đó không đi được nữa”.

Trụ sở UBND xã Vân Hội (Tam Dương, Vĩnh Phúc) cách không xa các địa điểm vi phạm về đất đai

Trước thực trạng của những tồn tại về quản lý đất đai, Phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Vân Hội, ông Nghĩa cho biết, những vị trí công trình, thửa đất từ hình ảnh của phóng viên cung cấp, tất cả các công trình xây dựng và hoạt động kinh doanh trên phần đất đó đều là sai phạm, vì đều là đất nông nghiệp mà chưa được các cấp thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Một số công trình xây dựng nhà xưởng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, sử dụng đất sai mục đích… khi nhận được những thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí, UBND xã Vân Hội đã cho cán bộ xuống rà soát, nắm bắt, nhưng xưởng xây dựng trái phép đó đã hoạt động kinh doanh từ năm 2019…

Đối chiếu với quy định của pháp luật về đất đai, khi phát hiện vi phạm ban đầu UBND xã là đơn vị hành chính quản lý nhà nước phải xử lý xử phạt vi phạm hành chính, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu là đất canh tác trồng lúa. Tuy nhiên, hiện nay tại các vị trí ghi nhận, khảo sát, các cá nhân, tiểu thương đều đang hoạt động kinh doanh, thu lợi trên phần đất nông nghiệp mà cơ quan chức năng không biết?

Điều này đã tạo ra tiền lệ, khi không xử lý dứt điểm ngay từ ban đầu để xảy ra tình trạng lây lan tư tưởng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích đất tràn lan, một hộ rồi đến nhiều hộ khác, điều này vô tình đã tạo ra áp lực rất lớn cho hoạt động quản lý đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp, đất trồng lúa. Khi có nhiều trường hợp vi phạm, nếu các trường hợp đó rơi vào quy hoạch một dự án nào đó của địa phương thì các khâu kiểm đếm tài sản, đền bù thiệt hại, biên bản làm việc, thông báo cưỡng chế… gây rất nhiều khó khăn, tốn kém ngân sách nhà nước, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương.

Ngày 11/7/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc thay mặt UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Quyết định số 1695/QĐ-UBND về việc Ban hành Đề án phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo Đề án, trong nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng vi phạm đất đai ngày càng nhiều chính là cấp ủy, chính quyền cơ sở ở nhiều nơi chưa chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý sử dụng đất đai, có biểu hiện buông lỏng, né tránh, e ngại trong việc xử lý các vi phạm, cá biệt có trường hợp tiếp tay, tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm, gây bức xúc trong xã hội.

Việc xử lý vi phạm của cơ quan chức năng còn thiếu kiên quyết, hoặc xử lý chỉ mang tính chất hình thức ở việc lập biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm không chấp hành nhưng cũng không có chế tài xử lý dứt điểm….

Với nhiều ngày nghiên cứu, tìm hiểu, đối chiếu thực tiễn tồn tại vi phạm đất đai tại xã Vân Hội, huyện Tam Dương với các quy định của pháp luật về đất đai, Tòa soạn Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển đưa ra một số nội dung trên, bao gồm thực trạng vi phạm đất đai, ý kiến, kiến nghị của người dân, và vai trò, trách nhiệm của UBND xã Vân Hội để các cơ quan chức năng UBND huyện Tam Dương, UBND tỉnh Vĩnh Phúc nghiên cứu, xem xét, có giải pháp căn cơ, thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm đất đai, sử dụng sai mục đích đất, để mỗi người dân đều chấp hành đúng quy định pháp luật về đất đai một cách nghiêm minh, góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế địa phương.

Theo KDPT