web analytics

Quân – dân một lòng chờ ngày chiến thắng Covid-19 23/08/2021

(KDTT) – Miền Nam đang trải qua những ngày khó khăn bởi sự hoành hành của dịch bệnh, cả nước đã chung tay, sát cánh cùng miền Nam. Lực lượng quân đội, công an, lực lượng y tế cùng hàng nghìn tình nguyện viên đã “Nam tiến”. Những ngày này, khắp các tỉnh thành miền Nam là hình ảnh chiến sĩ- đồng bào thắm đượm tình quân dân. Tất cả đã sẵn sàng cho một ngày miền Nam hoàn toàn chiến thắng dịch Covid-19.

Tại P.14, Q.5, TP. Hồ Chí Minh, có 12 đồng chí bộ đội được phân công hỗ trợ công tác chống dịch, vận chuyển nhu yếu phẩm, thực phẩm đến cho người dân 24/7 (ảnh Cao An Biên)

Chị Phương Mỹ Dung – Bí thư đoàn P.14 gọi điện thông báo cho người dân đến nhận hàng tại điểm tập kết hàng theo quy định tại từng khu dân cư (ảnh Cao An Biên)

Chị Mỹ Linh, một người dân 14 xuống nhận hàng (ảnh Cao An Biên)

 

Với quyết tâm kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, 19 tỉnh thành phía Nam siết chặt kiểm soát, giãn cách toàn xã hội với nhiều biện pháp mạnh tăng cường từ 0h00 ngày 23/8 đến hết 6/9.

Nhằm sát cánh cùng miền Nam chiến thắng dịch bệnh, Đảng, Chính phủ, các cấp, ngành và toàn dân cả nước đều hướng về miền Nam, sẻ chia miếng cơm manh áo.

Đặc biệt, trong những ngày gần đây, quân đội, công an đã huy động tổng lực “Nam tiến” nhằm hỗ trợ người dân chống dịch.

Để giúp người dân an lòng thực hiện các biện pháp giãn cách mức độ cao, vấn đề an sinh, chuẩn bị lương thực được đặt lên hàng đầu.

Bộ Công thương đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, sẵn sàng chi viện cho miền Nam. Bộ Giao thông “bật luồng xanh” muôn ngả, những chuyến xe ngày đêm nối nhau vào miền Nam.

Hình ảnh xúc động nhất trong 2 ngày qua tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là hình ảnh những chiến sĩ công an, những chiến sĩ quân đội, lực lượng dân phòng, tình nguyện viên đi xe máy vào các ngóc ngách của thành phố, giao từng nhà, từng người những túi quà an sinh, trao từng giỏ đồ đến từng nhà giúp người dân.

Những hình ảnh dễ thấy nhất, gây xúc động nhất trong ngày 23/8 là hình ảnh các chiến sĩ quân đội tỏa đi khắp các ngõ ngách tại TP. Hồ Chí Minh để trao tặng/ vận chuyển giúp nhu yếu phẩm cho người dân (ảnh Hoàng Ngọc)

Trao tặng thực phẩm cho những người già tại các ngõ ngách (ảnh Hoàng Ngọc)

Phát túi an sinh cho người dân ở các khu cách ly, phong tỏa (ảnh Hoàng Ngọc)

Phân phát thực phẩm, nhu yếu phẩm đến từng người, để không ai bị bỏ lại phía sau (ảnh Hoàng Ngọc)

 

Nhìn những ánh mắt lấp lánh sau lớp khẩu trang, những cử chỉ dạ thưa lễ phép, những đôi vai gầy, ướt sũng mồ hôi… ai cũng cảm thấy bồi hồi xúc động.

Thế mới thấy, trong khó khăn, hoạn nạn, mới thấm thía tình quân dân. Trong thử thách, mới biết được nhiệt huyết của tuổi trẻ Việt Nam lớn mạnh đến chừng nào.

Rồi 15 ngày giãn cách sẽ qua, các tỉnh miền Nam sẽ kiểm soát được dịch bệnh. Ba miền Bắc- Trung – Nam sẽ trở lại cuộc sống bình thường mới. Những nụ cười sẽ lại nở trên môi trẻ thơ; những bóng áo trắng, khăn quàng đỏ sẽ lại tung tăng khắp sân trường… Sẽ tấp nập tiếng máy dệt, tiếng thoi đưa… Các doanh nghiệp sẽ hồi phục, tiếp tục vươn mình ra thế giới…

Tất cả, sẽ là ngày mai rất gần thôi. Nhưng ngày hôm nay, mỗi chúng ta hãy hạ quyết tâm cao nhất, hãy nắm bàn tay đoàn kết, hướng về miền Nam, quyết tâm đánh đuổi “giặc Covid-19” ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Đủ lương thực, thực phẩm cung ứng cho người dân các tỉnh miền Nam trong thời điểm giãn cách

Ngày 23/8, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có báo cáo nhanh gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh và Bình Dương trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội từ ngày 23/8 đến 6/9/2021

Theo tổng hợp của Tổ công tác, sản lượng gạo cung ứng của các tỉnh, thành phía Nam từ tháng 8-12/2021 sẽ đạt 7,1 triệu tấn; trong đó, Đông Nam Bộ 540.000 tấn và Đồng bằng sông Cửu Long 6,6 triệu tấn. Tổng nhu cầu gạo tiêu dùng từ nay đến cuối năm là 3,16 triệu tấn; trong đó, Đông Nam Bộ 1,6 triệu tấn và Đồng bằng sông Cửu Long 1,56 triệu tấn. Cân đối cung cầu gạo, ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho cả Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo đảm bảo yêu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu.

Sản lượng rau, củ sản xuất được từ tháng 8-12/2021 tại các tỉnh phía Nam là 3,18 triệu tấn. Nhu cầu tiêu thụ trong vùng là gần 1,7 triệu tấn. Cân đối cung cầu rau toàn vùng, ngoài việc cung ứng cho người dân, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn gần 1,5 triệu tấn rau, củ các loại cần được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trong khi đó, tổng sản lượng trái cây vùng Nam Bộ từ tháng 9-12/2021 là 1,75 triệu tấn. Chỉ riêng sản lượng thu hoạch trong tháng 9 là 406.000 tấn, các loại cây ăn quả còn sản lượng lớn là thanh long, xoài, chuối, cam, bưởi, nhãn, mít…Với sản lượng thu hoạch lớn, trái cây là mặt hàng cần khuyến khích tiêu dùng mạnh trong mùa dịch nếu tình hình xuất khẩu gặp khó khăn.

Về thực phẩm, nguồn cung sản phẩm chăn nuôi vẫn duy trì đa dạng và không có biến động; trong đó, nguồn cung thịt lợn và trứng gia cầm tốt, cung ứng đủ cho hệ thống siêu thị, các mặt hàng thịt đông lạnh vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu về theo nhu cầu thị trường.

Cụ thể, sản lượng thịt lợn của khu vực Nam Bộ trong tháng 8 là 126.000 tấn (4.200 tấn/ngày); tháng 9 là 120.000 tấn (4.000 tấn/ngày). Sau khi cân đối nhu cầu nội tỉnh, các địa phương có nguồn cung lớn, ổn định có thể cung ứng cho các tỉnh khác là Đồng Nai 1.000 tấn/ngày, Bình Dương 415,5 tấn/ngày, Bình Phước 386,4 tấn/ngày. Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, khả năng tự cung ứng trong tháng 8 là 76,9 tấn/ngày, tháng 9 là 76 tấn/ngày.

Với thịt gia cầm, tổng sản lượng cung ứng của 19 tỉnh thành phía Nam khoảng 1.800 tấn/ngày; trong tháng 8 là 54.000 tấn, tháng 9 là 50.000 tấn. Sau khi cân đối nhu cầu nội tỉnh, các địa phương có nguồn cung lớn, ổn định là Đồng Nai 384,3 tấn/ngày, Bình Dương 127,1 tấn/ngày, Vĩnh Long 120,3 tấn/ngày.

Đối với thịt bò, tổng sản lượng của khu vực khoảng 348,3 tấn/ngày, trong tháng 8 là 10.449 tấn, tháng 9 là 10.000 tấn. Sau khi cân đối nhu cầu nội tỉnh, các địa phương có nguồn cung lớn, ổn định là Bến Tre 69,6 tấn/ngày, Tiền Giang 43 tấn/ngày, Vĩnh Long 25 tấn/ngày và nguồn thịt bò nhập khẩu…

Theo đánh giá của Tổ công tác, nhu cầu tiêu thụ của người dân trong giai đoạn giãn cách giảm nhiều so với giai đoạn chưa có dịch xảy ra, do đó với lượng thịt lợn, gà được giết mổ hiện nay vẫn đủ để cung cấp cho người dân.

H.NGUYỄN

Bạn đang đọc bài viết Quân – dân một lòng chờ ngày chiến thắng Covid-19 tại chuyên mục Cộng đồng
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT