web analytics

Phường Hàng Mã (Hà Nội): Công trình vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy hoạch phố cổ 23/11/2021

(KDTT) – Để bảo đảm cảnh quan, môi trường đô thị trên địa bàn Thủ đô, UBND TP Hà Nội đang quyết tâm đẩy lùi tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, nhất là những công trình có dấu hiệu vi phạm về số tầng, mật độ và chiều cao, phá vỡ quy hoạch xây dựng phố cổ.

Quy định được ban hành có kèm theo xử phạt rõ ràng nhưng vẫn có nhiều công trình ngang nhiên vi phạm trật tự xây dựng, thậm chí còn có tình trạng công trình cũ vi phạm trật tự xây dựng chưa được giải quyết dứt điểm thì nay lại để cho các công trình mới tiếp tục vi phạm. Điều đáng nói, hầu hết các công trình trên đều không vấp phải sự vào cuộc ngăn chặn, xử lý theo quy định từ chính quyền sở tại. Trước thực trạng này, người dân vô cùng bức xúc và đặt ra câu hỏi, năng lực, quản lý của lãnh đạo nơi đây ra sao? Hay đang có sự bao che, dung túng?

Công trình số 2 Hàng Chai được chủ đầu tư xây thêm một tầng mới trên hiện trạng 4 tầng cũ. Nâng tổng số lền thành 5 tầng, mật độ xây dựng toàn bộ diện tích

 

Qua khảo sát, phân tích, nghiên cứu từ thực tiễn, Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường tiếp tục triển khai chuyên đề “Nhận diện thực trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội”, qua đó, đưa đến những góc nhìn vĩ mô, đồng thời nêu lên mặt trái của vấn  đề này tại một số địa bàn điển hình.

Cũng như nhiều địa bàn khác trong khu vực nội đô của TP Hà Nội, phường Hàng Mã (Quận Hoàn Kiếm) được yêu cầu phải chấp hành nghiêm ngặt các quy định về sửa chữa, xây dựng. Các cơ quan chức năng được quán triệt không nhân nhượng với những vi phạm về trật tự xây dựng (TTXD), nhất là đối với chiều cao các ngôi nhà mặt phố, thế nhưng thời gian qua tình trạng các công trình ngang nhiên vi phạm, phá vỡ quy hoạch trên địa bàn phường vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc khu phố cổ Hà Nội.

 

Cụ thể, trên địa bàn phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đang tồn tại nhiều công trình xây dựng mới và công trình cải tạo, sửa chữa có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) khi xây vượt mật độ, vượt chiều cao phá vỡ quy hoạch khu phố cổ nhưng không bị kiểm tra, xử lý.

Công trình số 2 Hàng Chai được đã được chủ đầu tư xây thêm một tầng mới trên hiện trạng 4 tầng cũ. Nâng tổng số lền thành 5 tầng, mật độ xây dựng toàn bộ diện tích. Tầng mới được xây thêm có diện tích mặt sàn bằng với các tầng đã xây dựng trước đó. Ngoài ra, chủ đầu tư còn đổ bê làm lan can và mái che lấn chiếm khoảng không gian nhằm gia tăng diện tích sử dụng.

Cũng thuộc phường Hàng Mã, tại số 16 Hàng Lược công trình được xây mới với chiều cao 5 tầng và chưa có dấu hiệu dừng lại, mật độ xây dựng 100%. Trong quá trình xây dựng, công trình được chủ đầu tư bắn tôn, quây kín mít từ tầng 1 đến tầng 5 vô cùng kiên cố, lấn chiếm gần như toàn bộ vỉa hè và khoảng không gian nhằm gia tăng diện tích sử dụng.

Công trình số 16 Hàng Lược công trình được xây mới với chiều cao 5 tầng và chưa có dấu hiệu dừng lại, mật độ xây dựng 100%.

 

Từ nhiều năm trước, nhằm đảm bảo di tích lịch sử cấp Quốc gia, có giá trị về cấu trúc không gian đô thị gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có ý nghĩa văn hóa qua các giai đoạn lịch sử, ngày 24/10/2013, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ký Quyết định số 6398/QĐ ban hành Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc khu phố cổ Hà Nội.

Trong quyết định có nêu tuyến phố cổ công trình xây dựng được cấp tối đa với lớp ngoài là 3 tầng, lớp trong là 4 tầng. Bên cạnh đó trong danh mục 79 tuyến phố và 83 ô phố tại khu phố cổ được quy định chi tiết về mật độ, số tầng cao được phép xây dựng và khoảng lùi công trình. Riêng các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhà, chủ đầu tư của các công trình xây dựng, sửa chữa, cải tạo trong khu vực, nếu vi phạm các quy định trong Quy chế sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định. Cũng theo quy định, các công trình trên mặt phố cổ đều không được phép cao quá 12m, chỉ từ 1-3 tầng, tương đương 6-12m; lớp phía sau từ 2-4 tầng, tương đương 10-16m, khoảng lùi tối thiểu của lớp sau là 4-6m…

Trong danh mục 79 tuyến phố và 83 ô phố tại khu phố cổ được quy định chi tiết về mật độ tối đa 70%, số tầng cao được phép xây dựng và khoảng lùi công trình.

Chiếu theo Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc khu phố cổ Hà Nội đối với tuyến phố Hàng Chai và phố Hàng Lược chỉ được phép xây dựng mặt ngoài là 1-3 tầng, mặt trong là 2-4 tầng, khoảng lùi từ 4m đến 6m, mật độ xây dựng từ 60% đến 70%. Như vậy so với quy hoạch cả 2 công trình nêu trên đều đang xây dựng vượt quy hoạch khu phố cổ.

Trong bối cảnh vấn đề xây dựng sai phép và quản lý đất đai trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đang rất “nóng” với nhiều vi phạm đã được chỉ rõ và khi chính quyền TP. Hà Nội đã và đang có những động thái tích cực, quyết liệt hơn nữa để “siết” công tác quản lý TTXD thì việc xuất hiện công trình có dấu hiệu vi phạm tại phường Hàng Mã phải chăng đang đi ngược lại chủ trương của UBND TP.Hà Nội?

Một người dân sinh sống gần công trình nói trên bức xúc: “Chúng tôi ở đây, xây dựng mà chỉ sai một chút là lực lượng thanh tra xây dựng phường có mặt đòi xử phạt ngay, yêu cầu tạm dừng, đình chỉ công trình để xử lý; công trình xây dựng vượt cao thế kia, nhưng không thấy lực lượng nào đến kiểm tra, xử lý”.

Để có thông tin khách quan, phóng viên (PV) đã liên hệ làm việc, trao đổi với một cán bộ TTXD phường Hàng Mã. Qua đó cho biết: “Công trình số 2 Hàng Chai chỉ sửa chữa, cải tạo, còn công trình số 16 xây dựng đúng, không sai”. Khi PV đề nghị được tiếp cận các giấy tờ có liên quan đến 2 công trình nói trên thì vị này nói rằng không đủ thẩm quyền đủ cung cấp thông tin cho báo chí.

Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu chính quyền sở tại và lực lượng TTXD đô thị địa bàn có “ưu ái”, bỏ qua khi các công trình có dấu hiệu vi phạm TTXD, phá vỡ quy hoạch kiến trúc khu phố cổ, đi ngược với quyết định số 6398/QĐ-UBND của thành phố Hà Nội?

Qua sự việc trên, người dân mong muốn UBND TP. Hà Nội, quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành liên quan sớm vào cuộc kiểm tra, xác minh, có biện pháp xử lý dứt điểm sai phạm. Đồng thời, cần có hình thức xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu buông lỏng quản lý, để sai phạm ngang nhiên tiếp diễn, kéo dài, phá vỡ quy hoạch chung…

Tòa soạn sẽ tiếp tục tìm hiểu và phản ánh thông tin đến quý bạn đọc.

Theo khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, khi sửa chữa, cải tạo nhà ở thì

có 02 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Trường hợp 1: Công trình chỉ tiến hành sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình và không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình.

Trường hợp 2: Công trình chỉ sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc.

PV

Theo KDPT