web analytics

Phố cổ Hà Nội: Mở rộng không gian đón khách 05/12/2018

(KDTT) – Mỗi năm, Hà Nội đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế và gần 20 triệu khách trong nước; trong đó có tới 60% du khách đến với phố cổ. Sự đông đúc này đã tạo sức ép cho các không gian cũng như công tác bảo tồn của phố cổ Hà Nội.

Sức hút phố cổ

Từ lâu, phố cổ Hà Nội được đánh giá là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của Thủ đô. Điểm tựu chung của những con phố này là nhỏ, rêu phong, luôn đông đúc người qua lại và mang nét đặc trưng của phố nghề chuyên biệt.

Phố cổ Hà Nội hấp dẫn du khách.

Những con phố cổ Hà Nội xưa kia là nơi quy tụ thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long. Theo thời gian, một số phố không còn bày bán những sản phẩm truyền thống như trước, nhưng vẫn chuyên bán một loại hàng hóa, như: Phố Hàng Quạt bán đồ thờ, phố Mã Mây chuyên dịch vụ du lịch… Một số phố vẫn còn giữ được nét truyền thống như phố Hàng Bạc với nghề chế tác bạc, Hàng Đường với nghề làm bánh kẹo… Chính sự phong phú đó khiến phố cổ luôn là điểm đến hấp dẫn với những ai muốn tìm hiểu về cuộc sống đời thường của người Hà Nội.

Nhằm thu hút hơn nữa khách du lịch đến với Hà Nội nói chung và phố cổ nói riêng, thời gian qua, Hà Nội đã mở rộng không gian công cộng bằng việc hình thành các tuyến phố đi bộ, không gian đi bộ Hồ Gươm. Trong đó, tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân kết nối với 6 tuyến phố đi bộ trong khu bảo tồn cấp 1 di tích phố cổ được coi là điểm nhấn cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm. Để tạo thuận lợi cho du khách tham quan phố cổ, quận Hoàn Kiếm đã đưa vào sử dụng phương tiện vận chuyển khách bằng ôtô điện chạy qua 28 tuyến phố; trong đó, có cả khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng khôi phục 14 lễ hội truyền thống tại phố cổ Hà Nội, với mục đích giữ gìn bản sắc truyền thống, tạo thêm điểm nhấn văn hóa phục vụ khách tham quan. Trong bức thư gửi bạn mình, Henry Ford – du khách người Anh – viết “hãy cố đến Việt Nam và thử một lần đi bộ tản mạn qua những con phố cổ của Hà Nội để tận mắt ngắm nhìn và cảm nhận cái hồn của phố qua chính những sinh hoạt thường nhật của cư dân nơi đây”. Khi được hỏi cảm nhận của mình khi tới thăm phố cổ Hà Nội, nhiều du khách cho rằng, “như được chạm vào cuộc sống thực của những người dân địa phương, những ngôi nhà nối tiếp nhau đem đến cho tôi cảm giác thật gần gũi”.

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành, phố cổ là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch quốc tế, bởi nơi đây vẫn giữ được những nét độc đáo và đặc biệt là những món ăn ngon nức tiếng. Bên cạnh đó, số ít người dân nơi đây vẫn lưu giữ và tiếp tục phát triển những nghề truyền thống mà cha ông đã để lại.

Thêm nhiều sản phẩm du lịch

Tuy đã tạo thêm không gian vui chơi cho du khách nhưng với mật độ dân số tĩnh từ 800 – 1.200 người/ha, cộng với hơn 20 triệu lượt du khách đến mỗi năm, lại là nơi có hoạt động kinh doanh sôi động nhất Thủ đô, phố cổ Hà Nội luôn bị quá tải lượng người.

Xác định khu phố cổ Hà Nội cùng với hồ Hoàn Kiếm là một trong những điểm đến được ưu tiên đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch, UBND quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đang hoàn thiện đồ án chỉnh trang, thiết kế lại các tuyến phố trong phố cổ để phù hợp với công năng sử dụng và tạo thêm không gian cho các hoạt động tham quan du lịch và văn hóa tín ngưỡng…

Theo đó, quy hoạch – kiến trúc khu phố cổ được xác định: Phía Bắc giáp phố Phan Đình Phùng, Hàng Đậu; phía Đông giáp phố Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải; phía Tây giáp phố Phùng Hưng; phía Nam giáp các phố Hàng Thùng, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông. Có 2 khu vực liền kề và hỗ trợ chức năng, gồm: Khu vực liền kề có diện tích 7,2ha tính ranh giới từ trong khu phố cổ đến hết thửa đất lớp ngoài của các tuyến đường bao quanh khu phố cổ. Khu vực hỗ trợ chức năng hạ tầng đô thị bao gồm 2 phường ngoài đê là Phúc Tân và Chương Dương.

Quá trình chỉnh trang, thiết kế lại kiến trúc phố cổ sẽ được phân ra làm 2 khu vực bảo tồn, cải tạo nâng cấp (tôn tạo cấp I trong khu vực lõi và tôn tạo cấp II ở các tuyến phố liền kề khu vực lõi). Trong khu vực lõi, không xây dựng tầng hầm để không làm ảnh hưởng đến di tích và các công trình có giá trị. Mở rộng không gian cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất sản phẩm truyền thống và không gian cho hoạt động văn hóa, lễ hội, sinh hoạt cộng đồng; tạo điều kiện cho việc khai thác các hoạt động dịch vụ – du lịch, đáp ứng nhu cầu sống và kinh doanh của người dân tại khu vực.

Tại khu vực lõi, khuyến khích người dân hình thành phố chuyên doanh các sản phẩm truyền thống. Đối với các khu vực liền kề, cho phép xây dựng công trình công cộng đa chức năng, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng; bổ sung, hỗ trợ các chức năng đầu mối giao thông, điểm giao thông tĩnh, khai thác không gian ngầm công cộng trong khu vực giao thông cơ giới.

Ngành du lịch Hà Nội mong muốn, khu phố cổ sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới như: Chuỗi phố hàng, phố nghề với các cửa hàng, cửa hiệu dành cho khách du lịch; tiếp đến là khai thác di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và các loại hình nghệ thuật; sắp xếp các tour du lịch ban ngày, ban đêm thành sản phẩm du lịch cụ thể gắn với doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú.

Dự kiến, 79 tuyến phố và 83 ô phố trong phố cổ Hà Nội sẽ được tiến hành chỉnh trang thiết kế lại để phù hợp với công năng sử dụng, tạo thêm không gian công cộng phục vụ các hoạt động tham quan du lịch và văn hóa tín ngưỡng, bổ sung thêm các tiện nghi, tiện ích công cộng và hệ thống cây xanh

Theo Báo Công thương