web analytics

Những bảo tàng khổng lồ trống vắng 08/08/2019

(KDTT) – Cuộc bùng nổ xây dựng bảo tàng mới ở Trung Quốc đã tạo nên những thành phố cạnh tranh nhau với các dự án kiến trúc ấn tượng. Tuy nhiên, do thiếu ngân sách duy trì hoạt động, nhiều bảo tàng rơi vào cảnh trống vắng, cả hiện vật lẫn người xem, gây lãng phí tiền của. Đây là bài học cho các quốc gia trong quy hoạch và xây dựng công trình văn hóa.

Hơn 5.100 bảo tàng

“Dự án trống rỗng”, “Con voi màu trắng”, “bảo tàng ma”… Những cụm từ này dùng để miêu tả các bảo tàng mới xuất hiện trên khắp đất nước Trung Quốc. Năm 1978, Trung Quốc chỉ có 349 bảo tàng, nhưng hiện nay con số này đã lên tới hơn 5.100 bảo tàng và các viện liên quan. Cuộc bùng nổ xây dựng bảo tàng ở Trung Quốc diễn ra trong mấy thập kỷ qua, tính trung bình mỗi ngày có một bảo tàng mới ra đời, thậm chí có ngày có thêm mấy bảo tàng mới. Ví dụ, năm 2012 có tới 451 bảo tàng mới được khai trương. Thượng Hải chơi trội hơn khi cùng ngày khai trương 2 bảo tàng nghệ thuật khác nhau…

Các bảo tàng ở Trung Quốc là sản phẩm của thời hiện đại. Mãi đến nửa cuối thế kỷ XIX, nước này mới có bảo tàng đầu tiên, do một người châu Âu xây dựng. Ở cấp địa phương, bảo tàng đầu tiên xuất hiện vào năm 1905, ngay đầu thế kỷ với nhiều biến động, từ sự sụp đổ của triều đại phong kiến cuối cùng, đến nội chiến, bị Nhật Bản chiếm đóng… Khi Trung Quốc ổn định và bắt đầu phát triển kinh tế vào cuối thập niên 1980, đất nước bước vào chương trình tái thiết hạ tầng quốc gia. Hàng trăm thành phố mới, quận mới được thành lập, rồi các đặc khu kinh tế, trung tâm logistics… Tuy nhiên, cuộc bùng nổ trong xây dựng không dừng ở nhà cửa, trung tâm mua sắm, khu công nghiệp… mà còn lan sang các công trình văn hóa. Xây dựng bảo tàng, nhà hát, thư viện là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển 5 năm của Trung ương.

Quận Kangbashi ở Ordos, Inner Mongolia, được xây dựng cho 1 triệu dân, với Bảo tàng Ordos 9.400m2 (bên trái)

Đây vẫn là một trong những ưu tiên của Chính phủ hiện nay: Mục tiêu kế hoạch của Cục Di sản văn hóa Quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 là cứ 250.000 dân sẽ có một bảo tàng. Tuy nhiên, sau buổi khai trương hoành tráng, phần nhiều trong số bảo tàng này trống rỗng.

Những bảo tàng “mồ côi”

Giáo sư Leksa Lee, Viện Nghiên cứu Trung Quốc toàn cầu, Trường Đại học New York tại Thượng Hải, tập trung nghiên cứu bối cảnh chính trị và kinh tế phía sau các bảo tàng mới. Đến thăm nhiều bảo tàng khác nhau, có nơi nhân viên phải bật đèn và các sắp đặt để phục vụ cô, Leksa Lee đã quan sát thấy rất nhiều mái nhà bị dột, màn hình giật, mạng nhện chăng đầy ở một vài bảo tàng. Lee không thích nêu đích danh bảo tàng cụ thể nào. Bởi đây là vấn đề nhạy cảm ở nước này và cô muốn bảo vệ danh tính những người cộng tác nghiên cứu với mình.

Trong khi các bảo tàng nổi tiếng như Bo tàng Tử Cấm Thành hay Bảo tàng Đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng do Nhà nước quản lý và điều hành, nhiều bảo tàng mới do cấp địa phương quản lý. “Hầu hết các bảo tàng này ra đời trong cuộc bùng nổ bảo tàng của Trung Quốc, được chính quyền địa phương cấp kinh phí xây dựng”, Lee cho biết. Đây thường là những bảo tàng về lịch sử, công nghiệp, sinh thái và kế hoạch hóa đô thị của địa phương.

Điều đáng nói là, nếu như các bảo tàng ở phương Tây đối mặt với thách thức tìm mặt bằng để trưng bày những hiện vật quý hiếm của mình, thì ở Trung Quốc ngược lại, các bảo tàng hoành tráng và lộng lẫy nhưng bên trong trống rỗng. Chưa có con số chính thức về các bảo tàng trống rỗng ở Trung Quốc, song các nghiên cứu độc lập đưa ra con số hàng nghìn.

Quản lý sai và thiếu kinh phí

Theo Cục Di sản văn hóa Quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước cấp trên sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương lập dự án văn hóa và bảo tàng thường là thành quả dễ nhìn thấy nhất của mục tiêu này. Từ khi chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng nợ, họ thường bán đất để xây bảo tàng. Jeffery Johnson, Giám đốc China Megacities Lab, đã tìm hiểu chiến lược xây dựng bảo tàng của Trung Quốc. Trao đổi với tạp chí Forbes, ông tiết lộ nguyên nhân dẫn tới bùng nổ bảo tàng ở quốc gia đông dân nhất thế giới này. Theo đó, chính quyền địa phương cấp những mảnh đất ở vị trí đắc địa cho nhà đầu tư để thực hiện các dự án xây dựng thương mại, nhưng với điều kiện họ cũng phải xây dựng một trung tâm văn hóa cho địa phương.

Như Lee đã chỉ ra rằng, các quan chức địa phương hy vọng gây ấn tượng với cấp trên bằng những tòa nhà ấn tượng, từ đó có thể phân bổ cho họ nhiều ngân sách hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng dẫn đến các thành phố chạy đua nhau với những dự án không được lập kế hoạch thấu đáo. Thị trưởng thành phố này muốn xây dựng bảo tàng hoành tráng hơn, thuê kiến trúc sư nổi tiếng hơn các thành phố khác.

Mặc dù một khoản tiền khổng lồ đã được đầu tư vào công trình kiến trúc mang tính biểu tượng này, nhưng sau đó các bảo tàng thường không đủ ngân sách để thuê đội ngũ giám tuyển (để xây dựng nội dung trưng bày), quản lý, cán bộ đào tạo và nhân viên bảo quản chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, do Trung Quốc phải trải qua giai đoạn nhiều biến động, nhiều hiện vật văn hóa, nghệ thuật bị hủy hoại, thất thoát, nên nhiều bảo tàng mới thiếu trưng bày.

Bảo tàng và các công trình văn hóa đóng vai trò lớn trong nhận diện sáng tạo và xây dựng thương hiệu cho các thành phố mới. Một công trình kiến trúc nổi bật sẽ là nơi để người ta đến tham quan, chụp ảnh và biết về thành phố. Nếu không có gì khác, thì một bảo tàng được thiết kế độc đáo sẽ là biểu tượng của thành phố. Nhưng vấn đề ở đây là khối tượng và cách vận hành, chứ không phải xây dựng để giải ngân, xong để đấy.

Theo KDPT