Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã nhìn nhận lại cách thức tổ chức và các mô hình hoạt động trong hệ thống tài chính của mình, bao gồm hệ thống ngân hàng. Các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, trách nhiệm kinh doanh và trách nhiệm xã hội, đạo đức, môi trường đều được xem xét lại dưới một tầm quan trọng cao hơn. Theo đó, ngân hàng xanh nổi lên như một hình mẫu lý tưởng cho ngân hàng trong tương lai, là nền tảng cho việc hướng đến một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững. Bài viết sẽ tìm hiểu kinh nghiệm phát triển ngân hàng xanh trên thế giới, qua đó rút ra một số bài học cho các ngân hàng tại Việt Nam

1. Đặt vấn đề

Tại Việt Nam, tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc triển khai thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo nguồn lực giúp các doanh nghiệp đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường. Thời gian qua, ngành ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trong công cuộc phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu quá trình triển khai ngân hàng xanh trên thế giới mang ý nghĩa thiết thực cho Việt Nam để tham khảo, vận dụng thực tiễn.

Phát triển ngân hàng xanh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm ngân hàng xanh

Theo Bahl Sarita (2012), ngân hàng xanh bao gồm các hoạt động ngân hàng trực tuyến, thực hiện các giao dịch qua mạng thay vì mở rộng chuỗi chi nhánh của ngân hàng. Millat (2012) cho rằng, ngân hàng xanh có thể tiếp cận theo hai hướng, bao gồm: (1) tập trung xanh hóa hoạt động nội bộ của ngân hàng và (2) tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường, chú trọng yếu tố môi trường xã hội trong quá trình thẩm định cho vay.

Singhal và Arya (2014) nhấn mạnh, ngân hàng xanh nghiêng về hoạt động kinh tế – xã hội và chú trọng yếu tố môi trường thông qua giảm lượng carbon cả trong và ngoài ngân hàng. Cụ thể, ngân hàng giảm lượng carbon trong ngân hàng bằng cách thực hiện các hoạt động trực tuyến, sử dụng hệ thống ATM, mobile banking, các loại thẻ, trao đổi qua thư điện tử… nhằm giảm thiểu các hoạt động liên quan đến giấy tờ, văn phòng phẩm, máy điều hòa… Đối với mục tiêu giảm lượng khí thải ngoài ngân hàng, các ngân hàng thực hiện tín dụng xanh hay là tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường, giảm thải ô nhiễm, ưu tiên đối với những ngành công nghiệp xanh.

Tóm lại, ngân hàng xanh cũng giống các ngân hàng khác nhưng có cân nhắc đến yếu tố môi trường, xã hội thông qua việc giảm thiểu lượng carbon theo hướng khuyến khích hoạt động tín dụng xanh và xanh hóa các hoạt động điều hành tổ chức công việc của ngân hàng.

2.2. Ý nghĩa của ngân hàng xanh

Hệ thống tài chính ngân hàng – với vai trò cung ứng vốn cho các chủ thể trong nền kinh tế – sẽ tạo ra những tác động gián tiếp đến môi trường. Khi ngân hàng tăng cường quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng sạch hơn. Như vậy, hoạt động ngân hàng xanh sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các chủ thể trong nền kinh tế về các vấn đề môi trường, xã hội, thúc đẩy họ thực hiện các hoạt động kinh doanh thân thiện môi trường, hỗ trợ cộng đồng. Một lợi ích khác không thể phủ nhận của ngân hàng xanh đối với khách hàng chính là việc được hưởng các mức lãi suất ưu đãi trong thời gian được tài trợ vốn. Bên cạnh đó, việc triển khai các dịch vụ trên nền tảng công nghệ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế được rủi ro trong quá trình sử dụng tiền mặt.

Phát triển ngân hàng xanh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Ở góc độ ngân hàng, việc xem xét đến tiêu chí môi trường trong các quyết định cho vay sẽ giúp ngân hàng hạn chế được rủi ro tín dụng, rủi ro danh tiếng và rủi ro pháp lý. Đồng thời, việc triển khai và phát triển không ngừng các hoạt động của ngân hàng điện tử không những góp phần hạn chế sử dụng nguồn tài nguyên mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, từ đó tăng khả năng thu hút khách hàng, tạo ra nhiều nguồn thu cho ngân hàng.

3. Kinh nghiệm quốc tế về phát triển ngân hàng xanh

3.1. Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản)

Mizuho là ngân hàng đầu tiên tại châu Á tuân thủ quy chuẩn Nguyên tắc xích đạo (EP) vào năm 2003 và cũng trở thành ngân hàng châu Á đầu tiên chủ trì Hiệp hội EP (từ tháng 5/2014 đến tháng 5/2015). Quy mô tài trợ các dự án thân thiện với môi trường của Mizuho ngày càng tăng, năm 2020, ngân hàng này đã tài trợ hơn 2 tỷ USD cho các dự án thân thiện với môi trường. Trong đó, Ngân hàng Mizuho chủ động cung cấp tài chính cho các dự án liên quan đến môi trường như dự án nhà máy điện ở Bangladesh (năm 2020), dự án điện quang điện mặt trời lớn nhất ở Qatar (2020), hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo (2018), dự án quang điện mặt trời ở Ấn Độ (2017), dự án quang điện phía đông Karumai, Nhật Bản (2017)… .

Ngoài ra, Mizuho cũng ra mắt các sản phẩm liên quan tới ngân hàng xanh, tài chính xanh như trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững; cung cấp các sản phẩm tài chính cho các công ty thân thiện với môi trường như Mizuho ESG – Assist và Mizuho ESG Private Placement để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động và vốn đầu tư của các công ty.

3.2. Tập đoàn Tài chính năng lượng sạch (CEFC), Úc

CEFC là ngân hàng xanh quốc gia của Úc. CEFC không cung cấp các khoản tài trợ, mà thay vào đó cho vay với các điều khoản được điều chỉnh theo rủi ro bằng hoặc gần nhất có thể với lãi suất thị trường. Để giúp giải quyết các thách thức liên quan đến phát thải khí nhà kính ở Úc, CEFC tập trung ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực có thể cắt giảm lượng khí thải carbon, cải thiện hiệu quả năng lượng và giảm chi phí hoạt động, cụ thể là:

– Các giải pháp điện sạch hơn, bao gồm điện gió, điện mặt trời, lưới điện, chất thải, năng lượng sinh học và nông nghiệp.

– Cơ sở hạ tầng và giao thông; sản xuất và công nghiệp…

– Các sản phẩm vốn mới như trái phiếu khí hậu, trái phiếu xanh…

Cho rằng hoạt động kinh doanh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là rất quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, nên thông qua Quỹ đổi mới năng lượng sạch, CEFC cũng tập trung vào các công ty, doanh nghiệp và dự án đang ở giai đoạn phát triển ban đầu đang tìm kiếm nguồn vốn tăng trưởng, hoặc giai đoạn đầu để hỗ trợ doanh nghiệp của họ tiến tới giai đoạn phát triển tiếp theo.

Với nguồn lực đầu vào lớn và mang tính chuyên môn hóa cao, CEFC đã giúp mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án năng lượng sạch, qua đó góp phần vào quá trình chuyển đổi của Úc sang nền kinh tế carbon thấp một cách nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời là nguồn hỗ trợ tài chính cho các hoạt động xanh hóa hệ thống ngân hàng.

3.3. Ngân hàng Hoa Kỳ (BOA), Mỹ

BOA là một tập đoàn ngân hàng đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính Mỹ có trụ sở tại Charlotte, North Carolina. Đây là ngân hàng lớn thứ hai ở Mỹ và nằm trong top 10 trên thế giới. Để quản lý rủi ro khí hậu trong hoạt động kinh doanh, BOA đã cam kết không phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và đầu tư 1.000 tỷ USD vào tài chính bền vững vào năm 2030 để giúp chống biến đổi khí hậu. Về mặt chính sách chung, ở cấp tập đoàn, BOA cam kết cải thiện môi trường sống thông qua cách tiếp cận, xây dựng chiến lược kinh doanh toàn cầu, tìm kiếm đối tác, hỗ trợ cán bộ công nhân viên và cải tổ mô hình hoạt động và quản trị doanh nghiệp theo hướng bền vững.

Ngoài hỗ trợ tài chính, BOA còn cùng với khách hàng nghiên cứu, triển khai các giải pháp đối kháng biến đổi khí hậu và các thách thức về môi trường nói chung. Các dự án mà BOA cho vay tập trung vào tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và giao thông, tiết kiệm nước, quy hoạch sử dụng đất và xử lý chất thải. BOA hướng tới đáp ứng nhu cầu vốn cho tất cả đối tượng khách hàng, đặc biệt là ưu tiên các khoản tài trợ vốn hỗ trợ cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào phát triển bền vững, tạo hiệu ứng tốt cải thiện môi trường sống.

3.4. Ngân hàng BNP Paribas (BNPP), Pháp

Ngân hàng BNPP là tập đoàn ngân hàng lớn nhất tại Pháp. Kể từ năm 2017, ngân hàng này đã thành lập Bộ phận cam kết doanh nghiệp nhằm đưa BNPP trở thành đơn vị dẫn đầu trong các cam kết đối với môi trường, xã hội và tài chính bền vững. Kể từ đó, tất cả các đơn vị thành viên của BNPP đã nghiên cứu và phát triển các sáng kiến nhằm tăng tác động tích cực từ các hoạt động của ngân hàng tới môi trường và xã hội. Đặc biệt, đối với các vấn đề về môi trường và khí hậu, BNPP đã thể hiện sự cam kết của mình đối với lĩnh vực tài chính bền vững qua một số phương thức tích cực, cụ thể:

– Dành riêng vốn cho các quá trình biến đổi sinh thái: BNPP tài trợ trực tiếp và đầu tư vào hoạt động có lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Ngân hàng dần tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào phương pháp đánh giá của mình cho các dự án và công ty mà BNPP tài trợ. Bên cạnh đó, Bộ phận quản lý tài sản BNPP còn cam kết giảm lượng sản xuất khí thải carbon của hơn 100 quỹ quản lý, nhằm cung cấp một lượng lớn các quỹ với lượng carbon thấp tới các nhà đầu tư.

– Thoái vốn khỏi lĩnh vực năng lượng bẩn: Ngân hàng cam kết đưa hoạt động tài chính và đầu tư của mình phù hợp với các kịch bản của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) nhằm giữ cho mức nóng lên của toàn cầu dưới 2°C vào cuối thế kỷ 21. Việc này đòi hỏi cần phải giảm sự tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đáng kể, bắt đầu từ năng lượng có tác động tiêu cực nhất đến môi trường và khí thải nhà kính cao nhất. Theo đó, Ngân hàng đã đưa ra những quyết định như: không hợp tác với những doanh nghiệp có hoạt động chính là thăm dò, sản xuất, phân phối, tiếp thị và kinh doanh dầu khí từ đá phiến và/hoặc cát dầu nặng; không tài trợ cho các dự án chủ yếu liên quan tới việc vận chuyển hoặc xuất khẩu dầu khí từ đá phiến hoặc dầu từ cát dầu nặng; giảm hỗ trợ cho các hoạt động khai thác than và sản xuất điện than; chấm dứt việc tài trợ và đầu tư các hoạt động liên quan tới các nhà sản xuất thuốc lá cũng như các nhà sản xuất, kinh doanh có nguồn thu chủ yếu từ thuốc lá.

3.5. Ngân hàng ANZ (Úc)

ANZ là tổ chức tài chính luôn nêu cao trách nhiệm xã hội và cam kết cho vay một cách có trách nhiệm. Quan điểm của ANZ là các dự án cần tránh được những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Trường hợp không thể loại bỏ hoàn toàn thì cũng phải tìm mọi cách giảm thiểu được những tác động đó.

ANZ cũng là một trong những tổ chức tài chính tham gia EP, luôn hiện thực hóa các cam kết của mình bằng việc đặt ra các tiêu chuẩn, thủ tục và chính sách nội bộ về môi trường và xã hội trong tài trợ vốn cho các dự án đầu tư. Theo đó, ANZ không cung cấp tài chính cho những dự án mà khách hàng không thể thực hiện theo các nguyên tắc mà EP đã đặt ra.

Không chỉ trong nội bộ ngân hàng mà các hoạt động phát triển doanh nghiệp bền vững của ANZ còn tập trung hỗ trợ cộng đồng địa phương và giúp khách hàng thiết lập các phương thức hoạt động bền vững trên nhiều phương diện. ANZ cũng luôn nỗ lực tuyên truyền và có các chương trình thiết thực để hoạt động kinh doanh của các khách hàng doanh nghiệp luôn bao gồm và gắn liền với tính bền vững về môi trường và xã hội.

4. Thực trạng tại Việt Nam

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, ngành ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản quy định về tín dụng phù hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon, hướng tới tăng trưởng xanh như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN, ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 theo Quyết định số 1552/QĐ-NHNN, ngày 6/8/2015; rà soát, bổ sung nội dung về tín dụng – ngân hàng xanh vào Chiến lược phát triển ngành ngân hàng tại Quyết định số 986/QĐ-TTg, ngày 8/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1604/QĐ-NHNN, ngày 7/8/2018 ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Thông tư số 17/2022/TT-NHNN, ngày 23/12/2022 hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài… Đồng thời, lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường vào quy định hiện hành về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Khoản 1 Ðiều 4 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016; theo đó, quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng phải phù hợp với các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Phát triển ngân hàng xanh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Có thể thấy, hành lang pháp lý tại Việt Nam đang dần hoàn thiện để tạo điều kiện cho tín dụng xanh, ngân hàng xanh phát triển. Qua đó, nhận thức của hệ thống ngân hàng đã có sự chuyển biến rõ rệt trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để thực hiện mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh. Các tổ chức tín dụng cũng đã thể hiện sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh.

Theo số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh mà Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%). Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2.485 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực trong tăng trưởng tín dụng xanh, ngân hàng xanh, song sự phát triển của lĩnh vực này ở Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng. Theo đó, việc phát triển hoạt động ngân hàng xanh tại các tổ chức tín dụng Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như: cần nguồn lực rất lớn để triển khai; kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ ngân hàng thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan đến các vấn đề môi trường xã hội nhìn chung còn hạn chế.

Mặt khác, Việt Nam vẫn chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia làm cơ sở để huy động nhiều hơn nữa nguồn tài chính xanh. Trên cơ sở một danh mục phân loại xanh quốc gia với các tiêu chí môi trường rõ ràng thì tỷ trọng đóng góp của ngành ngân hàng sẽ cao hơn nhiều con số tín dụng xanh hiện tại.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, do vậy, các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay trong khi đó lại thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, nhất là huy động nguồn lực quốc tế để có điều kiện cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.

5. Bài học cho Việt Nam

Qua nghiên cứu kinh nghiệm phát triển ngân hàng xanh trên thế giới và thực trạng tại Việt Nam, tác giả rút ra một số bài học cho Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh trong thời gian tới:

Thứ nhất, tăng cường các hoạt động ngân hàng bền vững trong nội bộ ngân hàng

Như kinh nghiệm từ các ngân hàng BNPP, các ngân hàng thương mại Việt Nam có thể học tập cách thành lập một bộ phận chuyên trách nhằm đưa ngân hàng trở thành một doanh nghiệp dẫn đầu trong các cam kết đối với môi trường, xã hội và tài chính bền vững. Bộ phận chuyên trách sau khi được thành lập sẽ thực hiện đào tạo và xây dựng các chính sách thống nhất để tất cả các đơn vị thành viên của ngân hàng cùng nghiên cứu và phát triển các sáng kiến nhằm tăng tác động tích cực từ các hoạt động của ngân hàng tới môi trường và xã hội.

Bộ phận chuyên trách cũng là đầu mối trong việc khuyến khích toàn bộ ngân hàng thực hiện sáng kiến trong nội bộ nhằm giảm thiểu tác động của chính bản thân ngân hàng tới môi trường bằng cách quản lý và giảm lượng khí thải carbon của mình. Cụ thể, các ngân hàng thương mại Việt Nam có thể ứng dụng công nghệ trong việc quản lý dữ liệu thông tin, khuyến khích khách hàng sử dụng ngân hàng điện tử, phát triển kênh thanh toán xanh, từ đó giúp hạn chế nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp loại bỏ lãng phí giấy, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí in ấn, giảm phát thải carbon. Hay ngân hàng có thể thực hiện xây dựng trụ sở xanh và tuyên truyền cho khách hàng về tín dụng xanh nhằm nâng cao uy tín, hình ảnh, vị thế của ngân hàng và là một kênh truyền thông hiệu quả tới khách hàng.

Thứ hai, thoái vốn khỏi các dự án cho vay ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường

Kinh nghiệm của các ngân hàng trên thế giới cho thấy, ngân hàng thương mại cần thoái vốn đầu tư trong các lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro đối với môi trường và khí hậu. Chẳng hạn như cắt giảm hoặc không tài trợ cho những dự án gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Thứ ba, ngân hàng thương mại cần xây dựng chiến lược “xanh hóa” ngân hàng từ hoạt động nội bộ tới hoạt động kinh doanh và trách nhiệm xã hội có tính chất lâu dài. Thực hiện cách mạng xanh trong hoạt động của ngân hàng như sử dụng các nguồn năng lượng ít ô nhiễm, số hóa, xây dựng văn phòng xanh và các biện pháp khác nhằm giảm phát thải carbon trong chính các hoạt động ngân hàng.

Thứ tư, phát triển các sản phẩm vốn mới như trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội, trái phiếu bền vững… Các ngân hàng cần chú trọng nghiên cứu, khảo sát khách hàng, học hỏi và nắm bắt xu thế để xây dựng các sản phẩm xanh phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và làm thỏa mãn nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Thứ năm, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường và xã hội. Để theo kịp tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập, cũng như thừa hưởng các tiêu chuẩn đã được nghiên cứu và xây dựng từ các tổ chức uy tín, các ngân hàng Việt Nam cũng nên hướng tới việc tuân thủ các tiêu chuẩn liên quan, như nguyên tắc EP. Chẳng hạn, mỗi khi quyết định tài trợ cho một dự án, ngân hàng cần đảm bảo khách hàng vay vốn của mình phải thực hiện đầy đủ đánh giá tác động về môi trường và xã hội tương ứng với tiêu chuẩn của EP, theo đó trong hợp đồng tín dụng yêu cầu khách hàng cam kết phải tuân thủ mọi quy định pháp luật cụ thể về đảm bảo sự bền vững môi trường và xã hội./.

Tài liệu tham khảo

1. Bank of America (2021), Bank of America Increases Environmental Business Initiative Target to $1 Trillion by 2030, retrieved from https:// newsroom.bankofamerica.com/content/newsroom/press-releases/2021/04/ bank-of-america-increases-environmental-business-initiative-targ.html.

2. Bahl Sarita (2012), Role of Green Banking in Sustainable Growth, International Journal of Marketing, Financial Services and Management Research, 1(2), 27-35.

3. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered (2023), Tọa đàm “Ngân hàng xanh – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho các tổ chức tín dụng Việt Nam”, ngày 4/10/2023.

4. Millat K. M (2012), Green Banking Activities, Banking Regulation and Policy Department Bangladesh Bank.

5. Mizuho Group (2021), Environmetal Social & Governance, retrieved from https://www.mizuhogroup.com/binaries/content/assets/ pdf/mizuhoglobal/ sustainability/overview/report/esg-data/esg_databook. pdf#page=7.

6. Ngân hàng Nhà nước (2018), Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.

7. Raad (2015), Green Banking: Going Green, International Journal of economics, Finance and Management Science, 1, 34 – 42.

8. Singhal, K., Singhal, K., Arya, M. (2014), Green banking: An overview, Asian Journal of Multidisciplinary Studies, 2(6), 196-200.

9. Trịnh Thị Ngọc Mai (2022), Nghiên cứu về ngân hàng xanh: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Ngoại thương.

TS. LÊ THANH HUYỀN
Trường Đại học Hòa Bình

https://kinhdoanhvaphattrien.vn/phat-trien-ngan-hang-xanh-kinh-nghiem-quoc-te-va-bai-hoc-cho-viet-nam-33257.html