web analytics

Đầu tư vào nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng 11/11/2021

(KDTT) – Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để thu hút được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thì các địa phương phải đáp ứng: Quy hoạch tốt sản xuất nông nghiệp; đầu tư hạ tầng tốt; giải phóng đất đai; đào tạo nguồn nhân  lực; định hướng đầu tư đúng hướng; triển khai các chính sách đúng theo Nghị định 57/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Chiều 10/11, trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về giải quyết các vấn đề thu hút đầu tư lao động, dân cư trước ảnh hưởng của dịch bệnh chưa thỏa đáng, thu nhập bấp bênh không đủ trang trải đời sống, dễ dẫn đến tình trạng “ly nông bất ly hương”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, giải quyết được vấn để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thỏa đáng sẽ khắc phục được những bất cập nêu trên và thực tiễn hiện nay.

Để thu hút được đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thì các địa phương phải đáp ứng: Quy hoạch tốt sản xuất nông nghiệp; đầu tư hạ tầng tốt; giải phóng đất đai; đào tạo nguồn nhân  lực; định hướng đầu tư đúng hướng; triển khai các chính sách đúng theo Nghị định 57/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, quá trình thực hiện Nghị định 57 tuy đạt được kết quả nhất định, nhưng thực tế cũng đã phát sinh nhiều vấn đề, khó khăn mới. Báo cáo của các tỉnh, thành phố cho thấy, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn chưa thật rõ ràng, nên khi thực hiện còn lúng túng. Đơn cử, việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ đất nông nghiệp, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn khó thực hiện, do khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, trình tự thực hiện quyết định chủ trương đầu tư còn có những cách hiểu khác nhau khi vận dụng Luật Đầu tư 2015 (quyết định chủ trương đầu tư cho từng dự án) và Nghị định 57/2018/NĐ-CP (quyết định chủ trương cho danh mục các dự án được khuyến khích).

Ngoài ra, số vốn dự kiến được giao kế hoạch trung hạn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 là 300,02 tỷ đồng, bố trí cho 24 địa phương, không đủ theo kế hoạch trung hạn, hơn nữa các công trình kết cấu hạ tầng của địa phương thu hút nguồn vốn lớn, dẫn đến nguồn vốn ngân sách được bố trí thực hiện Nghị định 57 chỉ còn 113,505 tỷ đồng cho 31 dự án tại 15 địa phương (trung bình 3,7 tỷ đồng/dự án).

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 57 theo hướng điều chỉnh tăng nguồn vốn, hỗ trợ lãi suất… để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm giải quyết các khó khăn, bất cập hiện nay.

QUANG ĐỨC
Bạn đang đọc bài Đầu tư vào nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng tại chuyên mục Kinh tế.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066.
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com
Theo KDPT