Ở Việt Nam, Di sản đô thị thời Pháp thuộc mới được nghiên cứu tương đối cơ bản tại một số địa phương, song chưa được tổng kết một cách hệ thống toàn diện. Việc phân tích, đánh giá đặc điểm, giá trị của khối tài nguyên này là cần thiết, để đưa ra phương án bảo tồn khả thi, đồng thời đánh giá tiềm năng khai thác, phát huy giá trị di sản trong phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo.

Chính vì vậy, bảo tồn di sản đô thị không nên đi theo con đường “bảo tàng hóa”. Và thực tế cho thấy sức hấp dẫn của di sản đô thị đã tạo động lực cho phát triển du lịch, mang lại nhiều lợi ích về thu nhập, việc làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội ở một số địa phương.

Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại học Văn hóa Hà Nội Đỗ Thị Quyên phát biểu Khai mạc Hội thảo

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những báo cáo về các vấn đề quan trọng xoay quanh việc phát huy giá trị di sản đô thị thời Pháp thuộc gắn với phát triển du lịch di sản văn hóa. Các đại biểu, các nhà nghiên cứu cũng đã chia sẻ quan điểm về phương pháp bảo tồn cũng như phát huy Di sản đô thị thời Pháp thuộc ở Việt Nam; đánh giá tiềm năng di sản đô thị thời Pháp thuộc trong phát triển du lịch di sản văn hóa; chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong phát triển du lịch văn hóa gắn với di sản đô thị thời thuộc địa; thảo luận về các di sản đô thị thời Pháp thuộc tại Hải Phòng, đánh giá tiềm năng và khả năng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng…

Theo đại biểu, các nhà nghiên cứu, thời Pháp thuộc, Hải Phòng là đô thị lớn thứ ba của Việt Nam sau Hà Nội và Sài Gòn – Chợ Lớn. Tại Hải Phòng đã hình thành một hệ thống các công trình kiến trúc đô thị khá hoàn chỉnh và đa dạng, được xây dựng với quy mô và chất lượng cao. Ngày nay, khu phố Pháp không chỉ là trung tâm lịch sử của Hải Phòng, mà còn là hạt nhân định hướng phát triển của đô thị địa phương.

Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị di sản đô thị thời Pháp thuộc gắn với phát triển du lịch di sản văn hóa”

Theo GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính, cơ ngơi di sản đô thị ở Hải Phòng vẫn còn khá nguyên vẹn. Vì vậy, Hải Phòng hoàn toàn có khả năng phát triển tiếp nối dựa vào quỹ di sản đô thị, tài nguyên hình thành đô thị để cơi nới, phát triển một cách có trình tự, trung chuyển mềm mại giữa phần cũ – mới và sau này nữa. “Và để phát triển du lịch, cần tập trung vào các con phố, các tuyến phố bởi du lịch cần không gian, cần bầu không khí” – GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính nhận định. ThS. Nguyễn Tri Phương – Giảng viên Khoa Di sản văn hóa, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cũng có cùng quan điểm. ThS. Nguyễn Tri Phương cho rằng, Hải Phòng có rất nhiều tuyến phố văn hóa, mang dấu ấn riêng hay những con sông như sông Đá Bạc có thể khai thác du lịch; nếu được vận hành đúng cách chắc chắn sẽ là những điểm đến du lịch hấp dẫn.

TS. Đặng Thị Phương Anh – Khoa Du lịch học, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội khẳng định, giá trị của những di sản đô thị sẽ còn mãi. TS. Đặng Thị Phương Anh cũng cho rằng, “tính kết nối” chính là yếu tố cần được quan tâm khi phát triển sản phẩm du lịch văn hóa ở Hải Phòng. “Kết nối con người, kết nối những khu phố, kết nối với các tỉnh thành chứ không chỉ dừng lại ở việc phát triển của Hải Phòng” – TS. Đặng Thị Phương Anh chia sẻ.

GS.TS. KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ tại Hội thảo

Trên thực tế, Du lịch di sản văn hóa vốn đa dạng về hình thức, nên việc bảo tồn và phát huy đòi hỏi sự kết hợp hài hoà giữa bảo tồn và phát triển. Các di sản có danh tiếng, được quan tâm đầu tư những năm gần đây cho thấy du lịch di sản văn hóa đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của ngành du lịch. Phát triển du lịch di sản văn hóa càng là một biện pháp hữu hiệu để duy trì bản sắc và phát triển đô thị bền vững, dưới áp lực của quá trình toàn cầu hóa.

Về điều này, PGS.TS Khuất Tân Hưng – Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kiến trúc, bảo tồn di sản Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, có thể xây dựng bộ tiêu chí đánh giá tiềm năng di sản đô thị trong phát triển du lịch văn hóa. “Bộ tiêu chí này được chia thành 5 tiêu chí, mỗi tiêu chí gồm 4 chỉ tiêu được xác định hoặc lựa chọn trên cơ sở mục tiêu ưu tiên đã được xác lập. Từ bộ tiêu chí này di sản có thể được đánh giá và xác định tiềm năng khai thác phục vụ hoạt động du lịch di sản văn hóa hay không. Việc đánh giá dựa trên bộ tiêu chí cũng là cơ sở cho quyết sách tương lai về đô thị nói chung và di sản đô thị nói riêng” – PGS.TS Khuất Tân Hưng nhấn mạnh.

Theo KDPT