Thông qua Hội nghị, đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực cũng như sự tham gia của người dân; đưa ra các khuyến nghị bảo tồn, phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam. Hội nghị đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của tỉnh Ninh Bình; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, đẩy mạnh giữ gìn bảo tồn các di sản văn hóa – thiên nhiên của Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận 3 phiên chuyên đề trọng tâm gồm: “Thực tiễn về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam”; “Kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững”; “Giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững”. Cũng tại Hội nghị các đại biểu đã chia sẻ về cơ chế, chính sách đặc thù trong phân loại đô thị, bảo đảm các đô thị là di sản được UNESCO vinh danh không bị cuốn theo mô hình “đô thị nén”, vừa thúc đẩy đô thị hóa, hiện đại hóa phù hợp chức năng đô thị di sản, vừa giữ gìn, bảo tồn được các giá trị cốt lõi mà UNESCO vinh danh; cơ chế, chính sách đặc thù cho lựa chọn mô hình cơ cấu kinh tế phù hợp với chức năng đô thị di sản đủ khả năng loại trừ kiểu công nghiệp hóa cổ điển gây tổn thương cho di sản văn hóa, xung đột với bảo vệ môi trường sống; cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân trong các vùng di sản; cơ chế, chính sách đặc thù trong huy động, phân bổ các nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững các đô thị di sản, từ các cơ chế, chính sách giải phóng nguồn lực đất đai, tài chính, tự nhiên đến nguồn lực con người, nguồn lực văn hóa, thúc đẩy kết nối các loại nguồn lực cho phát triển, khắc phục các mâu thuẫn, xung đột giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển…

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhận định, Ninh Bình là điểm kết nối giao thoa, chuyển tiếp liên vùng giữa Đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng rừng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ; có tài nguyên văn hóa, sinh thái phong phú, độc đáo, lưu giữ được đậm đặc trầm tích lịch sử cũng như dấu ấn văn hóa đặc sắc, vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc tự nhiên, tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Ninh Bình cũng là một trong những nơi lưu truyền, phát triển Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – “Nghi thức Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” cùng gần 2.000 Di sản văn hóa vật thể, gần 500 Di sản văn hóa phi vật thể…

“Nhận thức rõ những giá trị đó là nguồn lực và động lực cho sự phát triển bền vững, Ninh Bình những năm qua đã có những quyết sách và bước đi đúng đắn, phù hợp; quyết tâm kiên định thực hiện những đột phá chiến lược theo hướng phát triển “Xanh và Bền vững”. Đặc biệt là đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị toàn cầu của Di sản Thế giới; kết hợp hài hòa giữa việc gìn giữ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế du lịch, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước” – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh.

Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc khẳng định, những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị danh hiệu UNESCO của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các danh hiệu UNESCO đã cấu thành quan trọng hình thành thương hiệu mỗi địa phương, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh. Ông Hà Kim Ngọc đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận các bài học kinh nghiệm cũng như chia sẻ của các địa phương về câu chuyện thành công trong phát huy các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; các thách thức hiện hữu mà nhiều địa phương đang phải đối mặt trong việc bảo tồn và phát huy các danh hiệu UNESCO; các bài học điển hình quý giá, các giải pháp sáng tạo để phục vụ phát triển bền vững của địa phương, kể cả bài học về sai phạm… “Đây sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho các địa phương đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO ghi danh hoặc các địa phương mong muốn sở hữu thêm các danh hiệu UNESCO. Từ đó, xây dựng những hình mẫu, các định hướng đúng đắn cho công tác bảo tồn, phát huy toàn diện giá trị của các danh hiệu UNESCO, phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới” – ông Hà Kim Ngọc mong muốn.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Việt Nam xác định phát triển bền vững trên cơ sở lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Bộ trưởng cũng khẳng đinh Việt Nam là thành viên chủ động và có trách nhiệm của UNESCO, đóng góp tích cực cho thành công của các khuôn khổ và hoạt động của UNESCO, đặc biệt là trong kiến tạo, đối thoại, hợp tác vì hòa bình và phát triển. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa, trong đó có các di sản được UNESCO công nhận, gắn với phát triển du lịch bền vững là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

“Việc tổ chức Hội nghị quốc tế “Về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” thể hiện sự đồng hành một cách tích cực nhất về trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên được UNESCO ghi danh vì sự phát triển bền vững theo quan điểm của UNESCO. Đó là đảm bảo sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thỏa mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Theo KDPT