Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo cổ phiếu VEA của Tổng CTCP Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – VEAM vào diện chứng khoán bị cảnh báo, kể từ ngày 11/4/2023.

Quyết định về việc đưa VEA vào diện cảnh báo của HNX.

Theo đó, hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VEA trên sàn UPCoM sẽ bị vào diện cảnh báo trên UPCoM do báo cáo tài chính năm của công ty bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp trở lên.

Theo BCTC năm 2022 đã kiểm toán, VEA ghi nhận lãi sau thuế đạt 7.665 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ (5.792 tỷ đồng). VEA cho biết lợi nhuận tăng là do lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng 35% tương ứng 1.873 tỷ đồng.

Đồng thời, cũng tại BCTC kiểm toán 2022, đơn vị kiểm toán cho biết công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị hơn 166 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc đánh giá của Ban Tổng Giám đốc liên quan đến khả năng thu hồi các khoản trên cũng như xác định được liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng khoản phải thu này trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng không thể thu thập bằng chứng kiểm toán để đánh giá trị thuần của hàng tồn kho chậm luận chuyển; một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý.

Về tình hình kinh doanh, năm 2022, VEAM đạt doanh thu 4.754 tỷ đồng – tăng hơn 700 tỷ so với năm 2021 và là mức cao nhất kể từ năm 2019 trở lại đây. Đáng nói, phần lãi ghi nhận tại các công ty liên doanh liên kết tăng 30% lên mức 7.764 tỷ đồng nên sau cùng công ty báo lãi sau thuế hợp nhất kiểm toán đạt 7.665 tỷ – mức kỷ lục từ trước đến nay.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của VEA tăng lên mức 27.445 tỷ đồng trong đó công ty đang sở hữu gần 12.900 tỷ đồng tiền mặt – tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn qua đó trở thành một trong số những doanh nghiệp có nhiều “của để dành” nhất thị trường chứng khoán Việt.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, công ty đã thu về hơn 818 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính trong đó có 803 tỷ đồng đến từ lãi tiền gửi.

Giá trị các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho lần lượt ở mức 3.622 tỷ đồng và 1.541 tỷ đồng (đã bao gồm các khoản trích lập dự phòng tổng cộng 952 tỷ).

Nợ phải trả của công ty ở mức 2.221 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu tăng lên mức hơn 25.220 tỷ (gồm 11.706 tỷ đồng thặng dư lợi nhuận sau thuế).

MINH THÀNH

Theo KDPT