Lên kế hoạch có lãi trở lại trong năm 2023

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 được công bố, Nhà Đà Nẵng cho biết công ty đặt mục tiêu doanh thu cho năm 2023 ở mức 388 tỷ đồng, cao gấp gần 6,8 lần so với thực hiện năm 2022. Kế hoạch lợi nhuận sau thế của công ty cũng dự kiến ở mức 160 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với khoản lỗ 143 tỷ đồng trong năm 2022 vừa qua.

Về các dự án bất động sản, Nhà Đà Nẵng không đề cập tới kế hoạch đầu tư dự án mới trong năm 2023, mà chủ yếu là tiếp tục hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn liền tài sản đối với cá nhân, tổ chức sở hữu căn hộ Monarchy Block B và tiếp tục bàn giao các căn hộ đủ điều kiện. Được biết, tại dự án Monarchy Block B có vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, Công ty đã xây dựng xong và bàn giao, ghi nhận lợi nhuận chủ yếu trong những năm trước.

Giải trình kết quả kinh doanh quý I/2023 của NDN.

Trong quý I/2023, Nhà Đà Nẵng ghi nhận tổng doanh thu đạt 225 tỷ đồng, gấp gần 9 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 106 tỷ đồng, tăng 253% so với thực hiện cùng kì năm 2022. Giải trình về kết quả này, NDN cho biết, nguyên nhân do ghi nhận doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng căn hộ dự án Monarchy B.

Nhà Đà Nẵng còn có 1 dự án mới đang trong kế hoạch triển khai là dự án Paracel tại đường Phan Đăng Lưu, TP. Đà Nẵng. Dự án này có tổng vốn đầu tư là 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án có dấu hiệu chậm triển khai trong nhiều năm. Tính đến cuối năm 2022, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án Paracel là 11,2 tỷ đồng và tính tới 31/3/2023, con số này vẫn giữ nguyên.

Lãnh đạo cho biết, NDN chịu ảnh hưởng chung từ thị trường bất động sản đóng băng. Các doanh nghiệp bất động sản có phát hành trái phiếu với khối lượng lớn làm thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro khi thị trường còn diễn biến xấu, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư chiến lược của Công ty.

Nhà Đà Nẵng là doanh nghiệp bất động sản theo dự án, mỗi giai đoạn, Công ty sẽ triển khai 1 dự án. Tuy nhiên, từ năm 2021 tới nay, doanh nghiệp chưa triển khai dự án mới, sau khi bàn giao dự án Monarchy Block B, điều này dẫn tới nguy cơ thiếu hụt lợi nhuận từ mảng bất động sản trong những năm tới.

Đầu tư chứng khoán

Trước tình trạng hoạt động kinh doanh cốt lõi gặp nhiều khó khăn, Nhà Đà nẵng đã có động thái đầu tư thêm vào chứng khoán kinh doanh. Tại thời điểm ngày 31/3/2023, công ty ghi nhận danh mục đều tư chứng khoán với giá trị đạt 265 tỷ đồng, tạm lỗ 49,4 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 13,5% tổng danh mục.

Nhà Đà Nẵng đầu tư chứng khoán kinh doanh ở nhiều đơn vị, tổ chức khác.

Trong đó, chủ yếu đầu tư 172,3 tỷ đồng cổ phiếu VHM, trích lập 29,1 tỷ đồng; đầu tư 78,5 tỷ đồng cổ phiếu HPG, chưa trích lập dự phòng; đầu tư gần 36 tỷ đồng cổ phiếu TCB, trích lập 16,2 tỷ đồng; đầu tư 23,5 tỷ đồng cổ phiếu DGC, chưa trích lập dự phòng; đầu tư 17,6 tỷ đồng cổ phiếu MWG, trích lập 0,32 tỷ đồng; đầu tư 14 tỷ đồng cổ phiếu VND, chưa trích lập…

Thêm nữa, trong quý đầu năm, Công ty đã đầu tư mới thêm mã VND, STB, MWG, DGC. Ngược lại, bán ra khoản đầu tư cổ phiếu AMV.

Nếu so với hồi đầu năm, đầu tư chứng khoán kinh doanh của Nhà Đà Nẵng đã tăng thêm 18%, từ 309,6 tỷ đồng lên 365 tỷ đồng do ghi nhận dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư giảm 57%, từ 86,5 tỷ đồng còn 49,5 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2022, tổng danh mục đầu tư chứng khoán của Nhà Đà Nẵng tại thời điểm ngày 31/12 là 310,4 tỷ đồng, chiếm 20,7% tổng tài sản. Trong đó, Công ty đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán 86,7 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 27,9% tổng danh mục.

Tính đến thời điểm ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Nhà Đà Nẵng ghi nhận 1.398 tỷ đồng, giảm 6,6% so với đầu năm, trong đó có 34 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, bao gồm 1 tỷ đồng tiền mặt, tăng 81% so với đầu năm, gửi ngân hàng 5 tỷ không kỳ hạn và 28 tỷ các khoản tương đương tiền, giảm lần lượt 87,5% và 7% so với đầu năm.

Theo KDPT