Một năm ngược dòng ấn tượng của kinh tế Việt Nam

Xu hướng đang lên và lựa chọn cho Việt Nam

Dẫn báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, PGS.TS Trần Đình Thiên cho hay: Cách tiếp cận xanh đối với phục hồi kinh tế (hay “phục hồi xanh”) – hướng tới mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu – đang là lựa chọn hàng đầu được Liên Hợp Quốc khuyến khích, thúc đẩy. Tiếp nối các Chiến lược phát thải thấp theo hướng xanh, sạch với tầm nhìn dài hạn đến giữa thế kỷ XXI (LTS), Thỏa thuận kinh tế xanh (Green Deal), Thỏa thuận kinh tế xanh mới (Green New Deal) được công bố với kỳ vọng đẩy mạnh quá trình phục hồi và tăng trưởng xanh thêm một bước mới.

Điển hình là Liên minh Châu Âu (EU), ngày 21/7/2020, thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lịch sử trị giá 750 tỷ Euro (858 tỷ USD), đi kèm khoản ngân sách của EU trị giá 1.074 tỷ Euro cho giai đoạn 2021-2027. Trong đó, 30% (khoảng 550 tỷ Euro) tập trung cho các mục tiêu về môi trường trong 7 năm tới; phần ngân sách còn lại được chi tiêu theo hướng phải bảm đảm không được ảnh hưởng tới mục tiêu “Phát thải ròng bằng 0” (PTR0) năm 2050.

kinh
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã có những bước đi dài trong phát triển mô hình kinh tế xanh. (Ảnh minh họa: ITN)

Ở Mỹ, từ năm 2018, các chính trị gia Mỹ đã liên tục đề xuất các gói tăng trưởng xanh khác nhau. Cụ thể Gói tăng trưởng xanh của Markey và Ocasio-Cortez có mục tiêu đưa Mỹ tới năm 2030 không còn khí thải nhà kính, trở thành nước sử dụng 100% năng lượng tái tạo đồng thời đảm bảo việc làm với mức lương đủ sống và an ninh kinh tế cho các đối tượng dễ bị tổn thương; đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, dịch vụ nhà ở an toàn, tiện nghi, nước, không khí và thực phẩm sạch với chi phí hợp lý.

Còn Hàn Quốc đã triển khai Thỏa thuận kinh tế xanh mới, sẽ đầu tư 135 tỷ USD vào lĩnh vực số và tăng trưởng xanh với các mục tiêu: Đưa nền kinh tế Hàn Quốc tới năm 2050, không còn khí thải nhà kính, tới năm 2040 giảm 40% bụi mịn. Các gói phục hồi xanh của Hàn Quốc gắn kết giữa số hoá và xanh hoá.

Trong năm 2021, nhiều nước đã cập nhật Chiến lược phát triển với mục tiêu PTR0 với các giải pháp quyết liệt hơn, như cơ cấu lại – chuyển dịch toàn diện nền kinh tế theo hướng xanh, cải cách hệ thống thể chế, chính sách, tiêu chuẩn, huy động các nguồn lực tài chính vào những dự án, khuyến khích chính quyền địa phương tham gia vào chương trình phục hồi xanh thông qua đầu tư cho giao thông công cộng, cải tạo công trình xây dựng tại các đô thị theo hướng tiết kiệm năng lượng.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, giai đoạn hiện nay, Chính phủ cần tập trung theo đuổi xu hướng này, để có thể hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần.

Như hầu hết các quốc gia thu nhập thấp, Việt Nam dựa nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên để tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn 1990-2014, vốn tài nguyên chiếm khoảng một phần ba tổng tài sản của Việt Nam, so với 10% ở khu vực Đông Á và 17% ở các quốc gia thu nhập trung bình cao. Việt Nam cần chuyển từ mô hình phát triển dựa vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô sang mô hình phát triển có thể quản lý vốn tài nguyên bền vững hơn.

Theo ông Thiên, sau hơn hai thập kỷ tăng trưởng ổn định, Việt Nam đặt mục tiêu tham vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, để đạt được vị thế đó, Việt Nam cần có tốc độ tăng trưởng bình quân vượt trội giai đoạn 1990-2020. Đồng thời để vào nhóm quốc gia có thu nhập cao, Việt Nam phải vượt qua nền kinh tế thâm dụng tài nguyên. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 1990-2014, vốn tài nguyên chiếm khoảng một phần ba tổng tài sản của Việt Nam, so với 10% ở khu vực Đông Á và 17% ở các quốc gia thu nhập trung bình cao. Việt Nam cần chuyển từ mô hình phát triển dựa vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô sang mô hình phát triển có thể quản lý vốn tài nguyên bền vững hơn.

Ngoài vấn đề tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hoá đã sản sinh lượng phát thải khí nhà kính đáng kể. Mức độ phát thải đã tăng đáng kể trong một thập kỷ vừa qua. Năm 2020, năng lượng chiếm khoảng 65% lượng phát thải. Nông nghiệp – lớn thứ hai (19%), tiếp đến là giao thông, công nghiệp và chất thải. Việt Nam là một trong những nền kinh tế có cường độ phát thải cao nhất Đông Nam Á, tương đương Indonesia, cao hơn nhiều Trung Quốc hay Philippines.

Sự gia tăng lượng phát thải GHG nhanh chóng trong 2 thập kỷ qua có tương quan đến tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, đặc biệt là ở các thành phố lớn, cũng như tổn thất đáng kể về sức khỏe và năng suất.

Được biết, Việt Nam là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới, xếp hạng 127 trong số 182 quốc gia theo Sáng kiến Thích ứng Biến đổi Khí hậu Toàn cầu Notre Dame. Nghiên cứu của WB, giai đoạn 2021-2022, Việt Nam thiệt hại hơn 10 tỷ USD, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu. Quy mô của những thiệt hại này được dự đoán sẽ tăng nhanh. Tình hình trở nên trầm trọng hơn do công tác quy hoạch yếu kém và quản lý không bền vững các nguồn tài nguyên.

Biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đồng thời tăng nhanh qua từng giai đoạn, từng năm. Ước tính giai đoạn 2001-2010, biến đổi khí hậu đã làm thiệt hại 79.853 tỷ đồng; giai đoạn 2011-2022 là 245.339 tỷ đồng (gần 11 tỷ USD). Tổng thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra trong giai đoạn 2011-2022 đã tăng 3,07 lần so với giai đoạn 2001-2010.

Cần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng xanh

Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, Chính phủ Việt Nam đã ban hành 2 chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho 2 thời kỳ phát triển khác nhau.

Theo đó, ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn 2050. Chiến lược có 3 nhiệm vụ quan trọng: giảm khí nhà kính, xanh hoá sản xuất, và xanh hóa tiêu dùng.

Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, (Đại hội Đảng XIII) khẳng định vai trò quan trọng của đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Cần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng xanh. (Ảnh minh họa)
Cần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng xanh. (Ảnh minh họa)

Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon, đóng góp vào hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu theo 4 mục tiêu chính: (1) giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; (2) xanh hóa các ngành kinh tế; (3) xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; (4) xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Để cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tập trung xác định các hoạt động cụ thể, thời gian thực hiện, phân công trách nhiệm và nguồn lực huy động tương ứng.

Đặc biệt để cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 882/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ. Xây dựng, tích hợp “Chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp” vào các văn bản định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Tuy có nhiều khó khăn, thách thức, song việc theo đuổi mục tiêu PTR0 sẽ tạo áp lực chuyển đổi (chuyển đổi xanh) các ngành, các doanh nghiệp theo hướng tăng cường áp dụng KHCN mới và sạch; đổi mới sáng tạo trong sản phẩm, quy trình, tổ chức – mô hình quản lý, sản xuất; mở thị trường mới, cấu trúc lại thị trường ngành, triển khai các hoạt động marketing mới.

Đi liền với xây dựng chiến lược, chính sách, Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Cụ thể, nguồn đầu tư công giai đoạn 2016-2021 chỉ đạt khoảng 40% (26/60 tỷ USD). Nguồn hợp tác công tư cho đến hết năm 2021 mới có khoảng 146 dự án PPP lớn với giá trị ước tính khoảng 2,71 tỷ USD cho các hoạt động biến đổi khí hậu.

Đối với nguồn vốn viện trợ nước ngoài, dòng tài chính phát triển quốc tế vào Việt Nam cho thấy, dòng vốn ODA có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Giai đoạn 2012-2021, nguồn tài chính phát triển quốc tế cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh vào Việt Nam chỉ khoảng 2,26 tỷ USD mỗi năm. Trong các dự báo vĩ mô, Chính phủ cũng không kỳ vọng ODA sẽ tăng đáng kể, trung bình chỉ khoảng 4 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025.

Còn với nguồn vốn từ thị trường, tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng mới trong giai đoạn ban đầu. Mãi tới năm 2021, thị trường mới ghi nhận doanh nghiệp đầu tiên phát hành trái phiếu xanh là BIM Land với giá trị 200 triệu USD, trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore.

Bởi vậy, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, để đẩy mạnh tăng trưởng xanh, Việt Nam cần phải thực hiện một loạt giải pháp để giải quyết vấn đề nguồn vốn.

Một là, xây dựng chính sách, công cụ về huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững, bao gồm: Phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải theo cơ chế thị trường tại Việt Nam; xây dựng và hoàn thiện các công cụ thuế đối với các hoạt động hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.

Hai là, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh và bảo hiểm xanh.

Ba là, rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về tín dụng xanh phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng như quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Bốn là, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh, bằng cách ứng dụng chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở thông tin, dữ liệu chi tiết, đầy đủ để tăng cường cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về các tiêu chí xanh, nguồn lực tài chính xanh và các chương trình hợp tác quốc tế về phát triển bền vững; chuẩn hóa khái niệm, phân loại tiêu chí kỹ thuật về các hoạt động xanh/bền vững… theo chuẩn quốc tế./.

Với tổng giá trị tài sản thương mại và công nghiệp dễ bị tổn thương với rủi ro biến đổi khí hậu ở Việt Nam ước tính khoảng 300 tỷ USD, tổng chi phí cải thiện khả năng chống chịu của các tài sản này với biến đổi khí hậu và giảm phát thải sẽ lên tới 228 tỷ USD trong cả giai đoạn 2022-2050.

Chi phí có thể phát sinh thêm từ nhu cầu nâng cấp và bổ sung cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như từ các khoản đầu tư mới cần thiết để tăng cường khả năng thích ứng với khí hậu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ước tính các chi phí đó hàng năm vào khoảng 3-4% GDP trong giai đoạn 2021-2025.

YẾN THANH (ghi)

https://kinhdoanhvaphattrien.vn/pgsts-tran-dinh-thien-kinh-te-xanh-la-khong-gian-phat-trien-moi-cho-viet-nam-33465.html