web analytics

Ông Nguyễn Văn Đính: “Nếu doanh nghiệp tham gia đấu giá đất rồi bỏ cọc cần phải nghiêm trị, cấm tham gia vào hoạt động BĐS trên toàn quốc vĩnh viễn” 18/01/2022

(KDTT) – Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đối với trường hợp nhà đầu tư sẵn sàng mất số tiền cọc đấu giá đất để nâng giá những dự án xung quanh, xa hơn là định giá lại tài sản và tác động vào thị trường chứng khoán…cần phải nghiêm trị, nghiêm cấm doanh nghiệp tham gia vào hoạt động BĐS trên toàn quốc vĩnh viễn.

Những ngày qua, trên các trang thông tin điện tử xôn xao với vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá đất tại Thủ Thiêm.

Doanh nghiệp giải trình, sau khi lắng nghe và ghi nhận các ý kiến phân tích từ cơ quan quản lý Nhà nước và dư luận, có ý kiến cho rằng kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt. Do đó, để đảm bảo sự ổn định của thị trường, doanh nghiệp đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản của ô đất 3-12, đồng thời chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Trước đó, ngày 10/12/2021, thành viên của Tân Hoàng Minh là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt đã trúng đấu giá ô đất 10.060 m2 tại KĐT mới Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng (2,45 tỷ đồng/m2). Một mức giá kỷ lục chưa từng có tiền lệ.

Việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc là tương đối bất ngờ nhưng cũng nằm trong dự đoán của nhiều người. Bởi tại thời điểm nhóm Tân Hoàng Minh trúng đấu giá đã có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra: Tân Hoàng Minh đưa ra mức giá không tưởng để làm thương hiệu, đẩy giá chứng khoán; Tân Hoàng Minh đã thâu tóm nhiều đất xung quanh, giờ tạo ra một mặt bằng giá mới để thổi giá những lô đất khác; Tân Hoàng Minh sẽ ôm đất rồi sau vài năm bán lại kiếm lời; Tân Hoàng Minh đưa ra mức giá cao để đánh bại các đối thủ rồi cuối cùng sẽ bỏ cọc;…

Ông Đỗ Anh Dũng chủ tịch Tân Hoàng Minh cũng từng khẳng định chắc nịch rằng “Không có chuyện bỏ gần 600 tỷ đồng (tiền đặt cọc) để tự mang tiếng xấu cho mình. Hơn nữa, quy định của pháp luật về đấu giá là rất rõ ràng, không phải muốn bỏ cọc là bỏ. Tân Hoàng Minh không bao giờ mua danh ba vạn, bán danh ba đồng một cách thô thiển như vậy”.

Như vậy, với việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lần này, hệ quả trước mắt là Tân Hoàng Minh sẽ mất gần 600 tỷ đồng tiền đặt cọc cho lô đất trước đó – điều mà ông Đỗ Anh Dũng khẳng định “không có chuyện bỏ tới gần 600 tỷ đồng tiền cọc để tự mang tiếng xấu cho mình” cách đây không lâu.

Còn ở góc nhìn của chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính cho hay, cho hay, ngay sau thương vụ đấu giá Thủ Thiêm, thị trường BĐS đã nhanh chóng xuất hiện những tác động.

Cụ thể, theo báo cáo của Ban chấp hành VARS khu vực phía nam, trong ngày 13 và 14/12, các dự án đã ngay lập tức chững lại, không bán hàng để nghe ngóng thông tin, hoàn toàn có khả năng điều chỉnh tăng giá bán.

Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS).

“Đây là hệ quả không tốt cho thị trường chút nào, vì bản chất bất động sản vốn tăng trưởng từ trước đến nay rất bền vững chứ không tăng vọt như thế này”, ông Đính chia sẻ.

Theo ông Đính, vụ đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua lại tạo ra một đỉnh giá mới, không phải mức tăng bao nhiêu phần trăm, mà tăng cả hàng chục lần. Đây là mức tăng quá khủng khiếp, nói theo ngôn ngữ nhà đầu tư là giá “trên trời”, ít hay nhiều sẽ tác động vào thị trường BĐS.

“Vẫn có khả năng nhà đầu tư trả giá rồi bỏ cọc, bởi thị trường đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy. Họ sẵn sàng mất số tiền cọc để nâng giá những dự án xung quanh, sâu xa hơn có thể định giá lại tài sản và tác động vào thị trường chứng khoán…

Với những trường hợp như thế, phải nghiêm trị, nghiêm cấm doanh nghiệp tham gia vào hoạt động BĐS trên toàn quốc vĩnh viễn”, ông Đính nói.

Bạn đang đọc bài Tân Hoàng Minh ‘bỏ cọc’, số phận lô đất kim cương tại Thủ Thiêm sẽ ra sao? tại chuyên mục Bất động sản.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng: 0968527066
Hoặc Email: bandientukdtt@gmail.com

Theo KDPT