(KDTT) – Những diễn biến hiện tại cho thấy Novaland đã mang lại hy vọng “vượt khó, hồi sinh” cho doanh nghiệp sau giai đoạn khủng hoảng trầm trọng.
LTS: 2023 tiếp tục là một năm khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam khi GDP chỉ tăng trưởng 5,05%, tiêu dùng yếu ớt, đầu tư tư nhân suy giảm, thị trường bất động sản khủng hoảng, thị trường vốn chưa được khơi thông. Ngoại trừ một số ít ngành nghề duy trì được tăng trưởng, phần đông doanh nghiệp phải đối diện với các thách thức, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp ở lĩnh vực bất động sản, xây dựng.
Nhìn lại năm 2023, soi chiếu vào bức tranh kinh doanh và chất lượng tài sản của các doanh nghiệp niêm yết, là một cách để hiểu về sự vận động của nền kinh tế trong thời gian vừa qua, để từ đó đưa ra các dự báo về triển vọng trong năm mới 2024 với những kỳ vọng và đột phá mới. Trên tinh thần nghiên cứu, khảo sát và trao đổi thông tin đa chiều giữa các đơn vị tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, doanh nhân trong hoạt động phát triển kinh doanh, Tạp chí Kinh doanh và Phát triểnthực hiện tuyến bài chuyên sâu phân tích, nhận định: “Nhìn lại một năm của doanh nghiệp niêm yết”. Trân trọng gửi tới quý độc giả! |
Báo lãi cao nhất 3 năm
Năm 2023 có thể nói là một năm khó khăn đỉnh điểm trong lịch sử của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) khi một loạt các đại dự án bị ách tắc pháp lý không thể triển khai, áp lực xoay vòng vốn và gánh nặng trái phiếu. Trong bối cảnh khó khăn tứ bề, Ban lãnh đạo Novaland đã tập trung tái cấu trúc nợ, tìm cách huy động vốn để hoàn thành nghĩa vụ tài chính cũng như thúc đẩy gỡ vướng pháp lý.
Ở thời điểm hiện tại, những bước tiến ban đầu của quá trình tái cấu trúc Novaland phần nào khiến giới đầu tư “thở nhẹ” được một nhịp.
Quý IV năm 2023, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Novaland đã có sự hồi phục đáng kể khi đem về 2.028 tỷ đồng doanh thu thuần, dù giảm 37% so với cùng kỳ năm trước nhưng lại bằng tổng doanh thu của hai quý liền trước đó.
Hoạt động tài chính quý này cũng có khá sôi nổi khi mang về doanh thu tăng gấp đôi lên 1.825 tỷ đồng. Riêng lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng, số còn lại chủ yếu là lãi từ mua bán chứng khoán và tiền cho vay.
Điểm sáng là Novaland đã tiết giảm được 63% chi phí tài chính so với cùng kỳ năm trước, còn 250 tỷ đồng. Việc này đến từ hoạt động tái cấu trúc. Trong đó, công ty đạt được thoả thuận phần lớn với các trái chủ đối với lô trái phiếu quốc tế trị giá 300 triệu USD về việc đồng ý cho thanh toán chậm các khoản lãi phát sinh trước 31/12/2024. Các trái chủ còn đồng ý với phương án có thể chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu NVL trong thời gian tới, với mức giá chuyển đổi ban đầu là 40.000 đồng/cổ phiếu.
Khấu trừ chi phí, Novaland có lãi trước thuế 2.055 tỷ đồng, tăng mạnh 3,4 lần so với cùng kỳ; lãi sau thuế 1.642 tỷ đồng, tăng gần 13 lần. Đây là mức lợi nhuận cao nhất kể từ quý IV/2020.
(Biểu đồ: Hải Thu) |
Luỹ kế năm 2023, Novaland ghi nhận 4.759 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 685 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 57% và 69% so với năm 2022. Tuy nhiên, cơ cấu doanh thu có điểm sáng là hoạt động bán hàng chiếm đa số trong kết quả kinh doanh với gần 4.090 tỷ đồng doanh thu, được ghi nhận từ việc bàn giao sản phẩm tại NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City, Palm City, Lakeview City, Saigon Royal và các dự án khác.
So với kế hoạch cả năm, Novaland chỉ hoàn thành một nửa chỉ tiêu doanh thu do hoạt động chuyển nhượng bất động sản sụt giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cao hơn mục tiêu đề ra đến 3,2 lần chủ yếu đến từ việc tái cơ cấu nợ, tối ưu chi phí và từ các hoạt động tài chính trong giai đoạn tái cấu trúc.
Giảm bớt áp lực dòng tiền
Bên cạnh kết quả kinh doanh, công cuộc tái cấu trúc năm qua của Novaland cũng đem lại tín hiệu khả quan khi các chỉ tiêu tài chính được cải thiện đáng kể.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Novaland đạt 241.400 tỷ đồng, giảm 6,3% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản ghi nhận hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,4%, đạt 138.000 tỷ đồng. Đáng nói hơn 93% hàng tồn kho là giá trị quỹ đất và dự án đang xây dựng. Tồn kho bất động sản đã xây dựng hoàn thành và hàng hóa bất động sản, bất động sản đã hoàn thiện chờ bàn giao cho khách hàng chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Các khoản phải thu ngắn hạn đạt 47.747 tỷ đồng đã giảm 9% so với đầu năm. Tổng tỷ trọng hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn đạt 185.747 tỷ đồng, giảm gần 9% so với đầu năm, chiếm 76% tổng tài sản – mức khá cân đối với một doanh nghiệp bất động sản.
Một điểm đáng mừng khác là nợ phải trả của Novaland đã giảm 8% so với đầu năm, còn 195.874 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ vay cũng giảm 11% về còn 57.704 tỷ đồng. Đặc biệt, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng 20% lên 10.195 tỷ đồng – sẽ được ghi nhận là doanh thu tương lai khi tập đoàn hoàn thành và bàn giao các bất động sản đã xây dựng cho khách hàng.
Gần đây, Novaland đã thông qua phương án phát hành thêm 1,37 tỷ cổ phiếu, dự kiến thu về tối thiểu 13.700 tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD). Trong đó, phát hành riêng lẻ tối đa 200 triệu cổ phiếu cho tối đa 5 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; tối đa 1,17 tỷ cổ phiếu không bị hạn chế chuyển nhượng cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ phát hành 60%.
Nguồn vốn huy động được là điều kiện quan trọng để Novaland triển khai 4 cụm dự án chính, quy mô lớn tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận. Những dự án cũng đón nhận những động thái tháo gỡ khó khăn tích cực thời gian qua.
Sang năm nay, Novaland tiếp tục hoàn tất tái cơ cấu nợ, tập trung phối hợp cùng địa phương và các cơ quan trong việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý tại các dự án để triển khai tiếp các hoạt động xây dựng. Song song đó, công ty cũng giữ nhịp thi công các dự án được tháo gỡ pháp lý trong thời gian qua để bàn giao nhà cho khách hàng.
Theo đánh giá của giới quan sát, tiến trình tái cơ cấu, tái cấu trúc tại Novaland cần được quan sát kỹ lưỡng, chưa thể kết luận ngay điều gì lúc này, nhưng tình hình hiện tại “dễ thở” hơn so với trước, dù áp lực trả nợ vẫn lớn./.