web analytics

Những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tuyên ngôn độc lập 02/09/2020

(KDTT) – Ngày 28-8-1945 trên căn gác hai của ngôi nhà số 48 Hàng Ngang (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu dự thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập, “những giây phút sung sướng nhất của đời mình” như sau này Bác từng nói. Ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời làm lễ ra mắt quốc dân tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Hàng vạn đồng bào Hà Nội và các tỉnh lân cận tập hợp về đây trong sự trang nghiêm, xúc động và lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, – nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945. Ảnh: TƯ LIỆU

“…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Trích “Tuyên ngôn Độc lập” – Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thời khắc thiêng liêng ấy đã mở đầu một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc bị nô lệ suốt gần một thế kỷ. Bản Tuyên ngôn với lý lẽ đanh thép đã nêu lên quyền dân tộc cơ bản của các dân tộc trên thế giới, khẳng định quyền bất khả xâm phạm của nhân dân ta là quyền được sống trong độc lập, tự do. Đồng thời khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước mình mới giành được. Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ở Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 02-9-1945 không chỉ có ý nghĩa đối với nền độc lập của dân tộc Việt Nam, mà còn là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức trên toàn thế giới.

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Với hệ thống lập luận ngắn gọn, chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, chứa đựng những nội dung bất hủ, một cơ sở pháp lý vững chắc không chỉ có giá trị lịch sử, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.

Tuyên ngôn Độc lập cũng là áng văn chính luận giàu chất trí tuệ, chứa đựng những tư tưởng cao đẹp, giàu giá trị nhân bản. Không khô khan, lý trí mà giàu cảm hứng, không bi lụy, cảm thương, mà có giọng điệu hùng tráng quyết đoán.
Đảng ta, khi tuổi mới 15 đã lãnh đạo toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, chấm dứt chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ và thoát ách nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, là trang sử vẻ vang nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Tuyên ngôn Độc lập ngày 02-9-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước ta, dân tộc ta vững bước tiến lên trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập thể hiện những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước hết, Tuyên ngôn Độc lập khẳng định: Dân tộc Việt Nam cũng như bất cứ dân tộc nào trên thế giới đều có quyền được sống, quyền độc lập, tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng trích dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: suy rộng ra câu  đó có nghĩa là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”2.  Tiếp theo, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”3. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một Nhà nước ra đời trước hết là đảm bảo tính lập hiến, cho nên ngày 02-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đặt nền móng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

So với bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất (Nam quốc sơn hà – Lý Thường Kiệt) và bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ hai (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi) thì bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh đã vươn lên một tầm cao mới, vượt hơn ở tầm vóc hướng ra thế giới trên tinh thần dân chủ, tự do có kết hợp với truyền thống yêu nước và tư tưởng nhân đạo của dân tộc.

Trong phần thứ nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyền thiêng liêng của mỗi con người, của mỗi dân tộc là quyền được sống, được tự do, được độc lập và mưu cầu hạnh phúc thì trong phần thứ hai của bản Tuyên ngôn, Người vạch rõ tội ác của thực dân Pháp đã gây ra cho đất nước ta, nhân dân ta trong hơn 80 năm đặt ách xâm lược. Hành động của chúng thật dã man, vô nhân đạo, đi ngược lại tinh thần bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp, vạch rõ bản chất gian xảo của bọn thực dân Pháp. Trong phần này Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ tinh thần nhân đạo, yêu độc lập tự do và tinh thần quyết tâm giành và bảo vệ độc lập của dân tộc ta. Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đanh thép lên án tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta, đồng thời thể hiện lòng yêu nước, thương dân vô hạn của Người. Bọn thực dân đã lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Hàng loạt tội ác nham hiểm của bọn xâm lược đối với nhân dân ta cứ tầng tầng lớp lớp bị phơi bày và lên án, khiến bọn thực dân không thể chối cãi và người người đều căm giận. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều…

Một tư tưởng nổi bật trong Tuyên ngôn Độc lập là Bác Hồ khẳng định và đề cao nhân nghĩa, chính nghĩa và văn hóa Việt Nam. Dù bọn thực dân vô cùng tàn ác đối với nhân dân ta, nhưng đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ. Tội ác của kẻ thù càng chồng chất thì mầm cách mạng của nhân dân ta càng trỗi dậy. Vì thế, cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 là một hành động lịch sử tất yếu của nhân dân ta để giành lấy các quyền lợi chính đáng của mình: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”4.

Đến phần thứ ba (phần cuối) Người nói về kết quả của tinh thần yêu nước, yêu độc lập tự do của dân tộc ta và trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”5.

Đoạn kết thúc Tuyên ngôn viết: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”6

Tuyên ngôn Độc lập ngày 02-9-1945 vang vọng mãi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thể hiện rõ chân lý chính nghĩa, pháp lý đanh thép và đạo lý cao cả của dân tộc Việt Nam giành độc lập, tự do. Ánh sáng của Tuyên ngôn Độc lập đã khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã chỉ rõ một chính quyền cách mạng mới của nhân dân Việt Nam được xây dựng và trưởng thành theo đúng ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân và cả dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện ra “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Tuyên ngôn Độc lập là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản.

Nó thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới, giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới và có sứ mệnh lịch sử cao cả, vĩ đại là giải phóng dân tộc và nhân loại. Bản Tuyên ngôn Độc lập thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bản Tuyên ngôn còn cho thấy tầm nhìn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự phát triển của lịch sử, có những dự báo thiên tài về tương lai của cách mạng cũng như quá trình hội nhập sâu rộng, đóng góp lớn lao của cách mạng Việt Nam vào phong trào cách mạng thế giới. Tuyên ngôn Độc lập cũng là áng văn chính luận giàu chất trí tuệ, chứa đựng những tư tưởng cao đẹp, giàu giá trị nhân bản. Không khô khan, lý trí mà giàu cảm hứng, không bi lụy, cảm thương, mà có giọng điệu hùng tráng quyết đoán, uyển chuyển, thuyết phục.

Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo và công bố trước toàn thể nhân dân Việt Nam và thế giới cho thấy trí tuệ sắc sảo và lỗi lạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là kết quả của quá trình tư duy khoa học độc đáo và thiên tài của Người. Điều đó càng khẳng định rõ ràng và nhất quán một chân lý hết sức giản dị nhưng có tầm khái quát cao là: Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như trí tuệ sắc sảo của Người mãi mãi soi sáng đường chúng ta đi.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công với việc ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập (02-9-1945) đã mở đường đưa dân tộc ta tiến hẳn vào kỷ nguyên mới trong lịch sử của mình: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Kỷ nguyên mới đánh dấu bước nhảy vọt của đất nước ta. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà nước công nông ra đời ở Việt Nam, nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến trở thành một nước độc lập tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng lãnh đạo một nhà nước độc lập, một quốc gia-dân tộc, và như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 năm tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”7.

Sau thắng lợi của cách mạng Tháng Tám 1945, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản được khẳng định, toàn dân tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào một cuộc trường chinh mới với những biến đổi cách mạng lớn lao và sâu sắc. Kỷ nguyên mới của dân tộc là kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập thống nhất và phục hưng đất nước, kỷ nguyên kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, mà chủ thể của sự nghiệp vĩ đại này không có ai khác là con người Việt Nam, là cộng đồng dân tộc Việt Nam luôn mang trong mình khí phách quật cường của truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Cách mạng Tháng Tám mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nước Việt Nam của người Việt Nam. Người Việt Nam thực sự trở thành người làm chủ vận mệnh của đất nước và của chính bản thân mình; thời đại dân tộc Việt Nam đứng trên vũ đài chính trị thế giới với tư cách một nước, một quốc gia độc lập ngang hàng và hội nhập với các quốc gia khác. Thời đại mới ở Việt Nam mang tên người con vĩ đại của dân tộc, từ người thanh niên đi tìm đường cứu nước đã trở thành vị lãnh tụ anh minh, người dẫn đường cho dân tộc giành được thắng lợi – thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Từ Cách mạng Tháng Tám, cụm từ “Việt Nam – Hồ Chí Minh” đã gắn liền với nhau và trở thành quen thuộc, thiêng liêng trong trái tim những người yêu chuộng lẽ phải, công bằng, chính trực trên thế giới. Độc lập, tự do, hạnh phúc, những nội dung ấy được Hồ Chí Minh nêu lên đã gắn bó quyền của dân tộc với quyền con người. Đó là tư tưởng bất hủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra đối với cả thế giới, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong.

Cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, sự sáng lập Nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam là sự đổi đời vĩ đại không chỉ trong lịch sử Việt Nam mà cả lịch sử đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Đó là một nhà nước kiểu mới gắn bó mật thiết với nhân dân, mang tính nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Dân tộc Việt Nam đã được độc lập, thống nhất, có chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, có quân đội chính quy, có địa vị hợp pháp trên trường quốc tế. Trong quá trình phát triển của dân tộc, đó là bước nhảy vọt vĩ đại nhất, một đóng góp có ý nghĩa lịch sử cực kỳ to lớn.

Đối với lịch sử dân tộc ta, Tuyên ngôn Độc lập là tuyên ngôn về sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một sự kiện nổi bật có vị trí trung tâm trong các sự kiện lịch sử của Việt Nam trong thế kỷ XX. Nó chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật trong hơn 80 năm. Nó đánh đổ chế độ phong kiến mấy ngàn năm, là sự mở đầu cho những giai đoạn phát triển thắng lợi tiếp theo của Cách mạng Việt Nam. Nó mở ra thời đại mới, đất nước độc lập, do nhân dân làm chủ.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám với việc ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập (02-9-1945) đã tạo ra thế và lực mới để dân tộc ta đánh thắng giặc Pháp, giặc Mỹ trong 30 năm tiếp sau. Từ đó thế đứng của nước Việt Nam ta trên thế giới ngày càng được nâng cao, có lợi cho công cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám kết thúc với bản Tuyên ngôn độc lập (02-9-1945) cùng những thắng lợi tiếp theo cổ vũ và cung cấp kinh nghiệm thành công cho nhân dân các nước thuộc địa đấu tranh giành độc lập. Nó làm cho Việt Nam trở thành một trong những dân tộc tiên phong trong phong trào đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Tinh thần và ý chí quật cường cùng những bài học lớn từ Cách mạng Tháng Tám tiếp tục soi đường, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo nên những biến đổi to lớn, sâu sắc trong đời sống xã hội, đưa đất nước vững bước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

30 năm sau ngày Tuyên ngôn Độc lập, Đảng và nhân dân đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân tộc – dân chủ, thống nhất Tổ quốc. Đất nước ta đã hoàn toàn được độc lập, nhân dân ta đã hoàn toàn được tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người Việt Nam.

75 năm qua, kể từ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu hết sức to lớn. Đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới do Đảng đề ra và lãnh đạo đã đưa nước ta bước vào một thời kỳ phát triển mới và hội nhập kinh tế quốc tế.

Về ý nghĩa và giá trị lịch sử của bản Tuyên ngôn Độc lập, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đánh giá: “Ôn lại những chặng đường oanh liệt và vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của đảng, nhằm giữ nước và dựng nước, chúng ta càng thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta với sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới trong suốt thời gian lịch sử từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, chúng ta càng thấy nổi bật những dòng chữ bất diệt, những tư tưởng lớn của bản Tuyên ngôn Độc lập, những tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam ta, những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đó cũng là những tư tưởng lớn của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới”.8

75 năm đã trôi qua, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 02-9-1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tăng cường củng cố quốc phòng-an ninh; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

VŨ THU HẰNG
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

—————————————–
* Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t4, tr 1.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t4, tr 1.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t4, tr 1.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t4, tr 3.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t4, tr 1.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t4, tr 2.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, t7, tr 25.
8. Sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập, Nxb. Văn hóa-Thông tin, H.2015, tr68.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo KDPT