web analytics

Mùa nước ói 02/05/2020

(KDTT) – Khi mùa mưa bắt đầu, tất thảy các ẻ đồi đầy chè, đầy cọ, đầy vầu quê tôi đồng loạt tháo nước xuống lòng suối cạn. Chỉ qua vài đêm, con suối nhỏ đã trở mình, vụt dậy. Bãi sỏi, doi cát ngày thường cạn trơ cạn khấc biến mất, chỉ còn những ghềnh đá rêu sũng, những vạt cỏ xanh mướt, nửa nổi nửa chìm, đu đưa, lấp ló.

Nước dâng nhanh.

Lòng suối rộng ra gấp mấy lần, ngầu đục, lơ phơ rều.

Cá từ những ao làng bị vỡ, từ sông Hồng ngược Ngòi Lâu tràn vào ràn rạt.

Mùa nước ói bắt đầu!

Cá đi mừng nước!

Dẫn đầu là đàn Dúi mẹ, mỗi con chỉ to chừng 2 hoặc 3 ngón tay, đầu múp, đuôi nhỏ, khỏe mạnh, chắc lẳn, đua nhau lạch, phóng bạt mạng, vừa thấy bãi cỏ ngập là lăn ra, chao chác vật, quật những chiếc bụng đầy trứng vào cỏ đuối, ngả nghiêng “vượt cạn”.

Tiếp theo, rộng mình hơn một chút và đông hơn gấp bội là đội quân cá Rô, cá Mương, cá Xỉnh, cá Nhàng. Đội quân này, bất chấp có bụng trứng hay không, tung mình quẫy lên toanh toách. Những chiếc nẹp xanh trên lưng cùng với lớp vảy bạc bắt nắng, nhoang nhoáng, lấp lánh.

Đi ở tầm thấp là những chàng Chầy Đất đuôi đỏ, những cô Bỗng vây hồng đỏng đảnh, những đàn Trắm Đen, những Lão Ngão miệng trề, cả những ông Bò, ông Chiên cũng lỳ lợm lạch bùn, ngược dòng về suối.

Những chiếc vó theo người tràn ra kín hai bờ suối. Những chiếc cần hóp thả xuống. Những cú giật điệu nghệ. Cá hất lên bờ như mưa sao.

Hai người một cặp, kẻ cất, người nhặt. Chỉ vài tiếng đồng hồ là chiếc giỏ đeo hông đã đầy cành. Người say cá. Cá say nước. Kẻ nào việc nấy, mặc sức!

Xế trưa, quá chiều, khi những chiếc đỏng mành, những dây lạc bạc còn giăng đầy, đua cùng những tấm lưng bắt nắng đen bóng, đợi lõng những chàng Chầy, những cô Bỗng, những cặp Trắm đi đôi đang dìu nhau ngoài suối thì ở nhà các mẹ, các chị cũng bắt tay vào công cuộc chế biến cá.

Những chiếc chum đất được rửa sạch, úp sẵn.

Cá sơ chế, để ráo, xếp lớp. Cứ một lớp cá rắc một lớp thính bằng ngô rang xay nhỏ, chừng khi chum đầy, đạy lại bởi một chiếc mo cau, buộc những vòng liên tiếp thật chặt quanh cổ chum, sao cho chiếc chum, cái nào cái nấy, y như đang quàng một chiếc khăn xếp.

Để giữ cho ruồi bọ ko thể đẻ trứng làm hỏng cá, người ta sẽ đổ lên miệng chum, tràn xuống chiếc khăn xếp kia 1 lớp tro nóng và đặt cạnh bếp lửa, cứ mỗi lần thổi nấu lại vần một góc. Sau này, khi ăn, cá có màu đỏ au, thơm phức mùi thính, nướng lên, ăn với cơm nắm, đi rừng!

Mùa nước ói, nhà nào cũng có vài chum cá như vậy, đủ ăn quanh năm.

Ngoài ướp thính thì bây giờ, tiện lợi hơn, các mẹ các chị còn ưa sấy cá.
Cá mổ sạch, ướp qua tí súp, hồ tiêu, xếp vào khay, đem đi sấy thuê.
Những chiếc lò bánh mỳ ngày này, chẳng ai bảo ai, đồng loạt nghỉ làm bánh, tất thảy đều treo biển : SẤY CÁ THUÊ!

Cá sấy ra có thể ăn ngay tại lò, thơm, giòn và rất ngọt. Đợi vài ngày cho cá ỉu hẳn, cho vào túi nilon, gửi đi khắp các miền quê, làm quà.
Cá sấy bảo quản trong ngăn lạnh của tủ lạnh, rán sơ là có thể uống bia rồi, hoặc giả, chỉ cần rưới thêm chút mắm, rắc chút tiêu, vài lát cà chua, đem rim, hoặc nếu kho thì thêm vài miếng thịt ba chỉ, bạn sẽ có một đĩa dai, thơm, mặn vừa, đảm bảo tốn cơm hết biết!

Trời đã thôi mưa.

Những đồi cọ, đồi vầu quê tôi đã thôi tháo nước.

Con Ngòi Lâu nổi tiếng với câu “cá Ngòi Lâu sủi đâu ăn đấy” đã trở lại hiền hòa.
Nội đi xa cũng đã mấy năm. Bếp nhà Nội, mấy năm nay vắng chum cá thính. Chiếc kiềng vẫn đó.

Trong tủ lạnh nhà tôi, gói Cá Dúi bụng đầy trứng đang căng nứt đợi mời.

Ai…
Ai cá Dúi không….

Theo KDPT