web analytics

Nhiều tiềm năng phát triển kinh tế chia sẻ 16/10/2018

(KDTT) – Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế chia sẻ. Tuy nhiên, vì là lĩnh vực mới nên nhận thức cũng như hành lang pháp lý chưa rõ ràng. Muốn phát triển mô hình này, trước tiên phải thống nhất về nhận thức cũng như phải biết ủng hộ cái mới. Đó là những khuyến nghị được nêu ra tại tọa đàm về kinh tế chia sẻ, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều qua.
Mô hình kinh tế còn mới
Theo ông Nguyễn Hoàng Hà, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình kinh tế chia sẻ xuất hiện từ năm 1948 tại Thụy Sỹ (dịch vụ chia sẻ xe ô tô nhàn rỗi car – sharing), sau đó nhân rộng tại châu Âu vào những năm 1980. Tuy nhiên, các công ty tại thời điểm đó duy trì theo mô hình phi lợi nhuận và dựa trên cộng đồng nhỏ. “Bản chất của kinh tế chia sẻ là nhằm cùng chia sẻ tài nguyên, qua đó tiết kiệm chi phí và không làm mất đi quyền sở hữu của người cung cấp”, ông Hà nhấn mạnh. Hiện, kinh tế chia sẻ đã được phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Dự kiến đến năm 2025, tỷ lệ doanh thu từ hoạt động kinh tế chia sẻ sẽ ngang bằng với hoạt động kinh tế truyền thống.

Muốn phát triển kinh tế chia sẻ phải biết ủng hộ cái mới (Nguồn: ITN)

Tại Việt Nam, mô hình kinh tế chia sẻ xuất hiện cách đây khoảng 5 năm với ứng dụng gọi taxi Easy Taxi, sau đó là Uber và Grab. Tương tự, dịch vụ đặt phòng, căn hộ Airbnb cũng kéo theo hàng loạt startup trong lĩnh vực cho thuê phòng trực tuyến tại Việt Nam như Luxstay, Mystay… Báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn của công ty dịch vụ Grant Thornton cho biết, năm 2016, Airbnb có khoảng 6.500 căn hộ cho thuê tại Việt Nam, nguồn cung đã tăng lên gấp 2,5 lần vào năm 2017. Còn theo Bộ Giao thông – Vận tải, sau 2 năm thí điểm ứng dụng gọi xe kiểu Uber, Grab, số đơn vị vận tải đã tăng gấp đôi, đầu xe tăng rất mạnh. Ngoài ra xuất hiện nhiều hình thức chia sẻ khác như tài liệu học tập, đồ chơi… Từ thực tế này, đại diện Viện Chiến lược phát triển nhận định, Việt Nam là thị trường tiềm năng của kinh tế chia sẻ.

Tuy nhiên, trên thực tế, mô hình kinh tế chia sẻ đang gặp nhiều khó khăn ở nước ta, mà trước hết là do chưa thống nhất trong nhận thức. Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung thừa nhận, “chúng ta cứ nói nhiều đến Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng như kinh tế chia sẻ. Vậy nhưng kinh tế chia sẻ là gì? Giới học thuật có thể trao đổi đâu đó nhưng giới làm chính sách thì gần như chưa thấy chia sẻ khái niệm này”. Cũng chính vì là mô hình kinh tế khá mới mẻ nên quản lý nhà nước còn lúng túng, hành lang pháp lý chưa rõ ràng, vấp phải sự phản ứng của doanh nghiệp kinh doanh truyền thống mà điển hình là lĩnh vực vận tải taxi.

Mặc dù vậy, kinh tế chia sẻ cũng đang gợi mở nhiều vấn đề cả cho cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp kinh doanh truyền thống. Ông Nguyễn Hoàng Hà nhìn nhận, kinh tế chia sẻ đã buộc các doanh nghiệp truyền thống phải chấp nhận thay đổi để cạnh tranh, qua đó người tiêu dùng được hưởng lợi. Thêm nữa, kinh tế chia sẻ cũng thúc đẩy các startup trong nước đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số và loại hình kinh doanh mới như bảo hiểm. “Tuy nhiên, các startup trong nước hiện đang thất thế hơn so với các ứng dụng ngoại về tài chính, công nghệ lẫn lợi thế của người đi trước”, ông nói.

“Cái gì có lợi cho người tiêu dùng thì làm”

Theo các chuyên gia, để phát triển mô hình kinh tế chia sẻ, trước hết, nhà quản lý phải hiểu bản chất và đặc trưng nền tảng của mô hình này, có sự phân biệt giữa mô hình này với các mô hình khác, đồng thời hiểu ưu, nhược điểm của nó. Thêm nữa, mô hình kinh tế chia sẻ có thể áp dụng ở nhiều lĩnh vực, cần tiếp tục ủng hộ cái mới, điều chỉnh bất cập sau, nhằm thúc đẩy phát triển các ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo ra áp lực đổi mới cho các doanh nghiệp và tạo ra tiện ích cho người tiêu dùng. Đồng thời, phải có yêu cầu bảo đảm tính bảo mật thông tin về khách hàng.

Ngoài ra, Việt Nam cần nghiên cứu kinh nghiệm ứng xử các trường hợp phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp của các nước đi trước, đặc biệt là những nước có chỉ số sáng tạo hàng đầu, qua đó hình thành khung pháp lý cho kinh tế chia sẻ. Song, quan trọng hơn cả, các chuyên gia cho rằng, trong nền kinh tế dựa vào nền tảng, nếu không lo tốt nền kinh tế hiện tại thì dần dần sẽ chỉ thấy sự hiện diện của những tập đoàn toàn cầu thay cho sự hiện diện mang dấu ấn Việt Nam.

Theo ông Vũ Tú Thành, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, từ góc độ quản lý nhà nước, nếu ứng xử với mô hình kinh tế chia sẻ theo xu hướng siết chặt bởi cho rằng mô hình mới là lách luật, với biện minh là để bảo đảm sân chơi bình đẳng giữa mô hình kinh doanh mới và cũ, sẽ không thực tế, thiếu khả thi. Trong khi chờ xây dựng lên mô hình quản lý nhà nước mới hoàn toàn, việc nới lỏng quản lý là cách tiếp cận hiệu quả hơn siết chặt. Khi có quy định tốt sẽ bảo đảm được cả hai mục tiêu quản lý nhà nước và phát triển thị trường. Do vậy, quản lý nhà nước cần nghiên cứu phương pháp chuyển đổi mô hình quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp, cần có mô hình quản lý nhà nước mới hoàn toàn.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung bổ sung, để phát triển kinh tế chia sẻ, phải tính toán đến các tác động về mặt xã hội, nhất là việc làm với sự xuất hiện của những người làm nghề tự do hay một người đồng thời có thể làm cho nhiều hãng khác nhau. Muốn vậy, mô hình quản lý lao động cũng phải có sự thay đổi. Nếu trong quan hệ lao động vẫn tư duy có chủ – có thợ thì sẽ không phù hợp với xu hướng kinh doanh mới. Thêm vào đó, kinh tế chia sẻ là phải bảo đảm có lợi cho người tiêu dùng theo phương châm “cái gì có lợi cho người tiêu dùng thì làm”, như kinh nghiệm của nhiều nước châu Âu. “Trong một thế giới mà chúng ta đã mở thế này rồi thì đóng vào không được! Bây giờ phải làm sao để không đè ông bên ngoài cho ông bên trong lớn mà phải nâng ông bên trong ngang tầm bên ngoài”, Viện trưởng CIEM nêu ý kiến.

Đan Thanh
Nguồn daibieunhandan.vn