Trong quý II/2023, nhiều doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đều báo lãi lớn kỷ lục dù bối cảnh chung của thị trường khá khó khăn. Điều này cho thấy dư địa phát triển của phân khúc bất động sản này còn rất hấp dẫn trong thời gian tới và sẽ trở thành điểm đến của giới đầu tư trong và ngoài nước.

Dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam vẫn duy trì ổn định.

Dòng vốn FDI tiếp tục duy trì ổn định

Mới đây, sự kiện phái đoàn 52 doanh nghiệp Mỹ như Boeing, Coca – Cola, Meta, SpaceX, Netflix, Apple… đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội kinh doanh và hợp tác đã cho thấy niềm tin của các tập đoàn quốc tế vào Việt Nam. Từ đó, thể hiện tiềm năng của Việt Nam trở thành bến đỗ, trung tâm sản xuất mới của thế giới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ hay các ngành công nghiệp có giá trị cao.

Bất động sản vẫn là ngành đứng thứ 2 trong số các ngành có lượng đầu tư FDI lớn nhất với tổng vốn đầu tư trong 3 tháng đầu năm đạt 766 triệu USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 71,6% so với cùng kỳ. Các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi thu hút vốn đầu tư tăng hơn so với cùng kỳ, xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 276 triệu USD (tăng gấp 2 lần cùng kỳ) và gần 151 triệu USD (tăng 37%).

Có nhận định cho rằng, đầu tư FDI năm 2023 có sự chậm lại do suy thoái kinh tế. Tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam có thể duy trì nguồn cầu từ nhà đầu tư nhờ các lợi thế về lao động, dân số, sự phát triển cơ sở hạ tầng, ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo chia sẻ của lãnh đạo IDC, hiện các nhà sản xuất linh kiện điện tử tại thị trường Đài Loan rất quan tâm đến thị trường Việt Nam cũng như có kế hoạch về việc sẽ mở rộng đầu tư tại thị trường KCN miền Bắc. Theo kết quả khảo sát, có đến hơn tới 42% các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư tại Việt Nam trong tương lai.

Những sự khó khăn của nền kinh tế chung trên toàn cầu đã và đang giảm dần (lạm phát hạ nhiệt), điều này sẽ là nền tảng hỗ trợ cho đà tăng trưởng lợi nhuận của các nhà phát triển khu công nghiệp thông qua sự phục hồi của dòng vốn FDI; đặc biệt là đối với những nhà phát triển có quỹ đất lớn sẵn sàng cho thuê.

Doanh nghiệp BĐS khu công nghiệp báo lãi kỷ lục

Doanh nghiệp đầu tiên phải kể đến như Công CP Sonadezi Giang Điền. Trong quý II/2023, công ty này ghi nhận doanh thu thuần 171 tỷ đồng, tăng 117,13% so với cùng kỳ.

Báo cáo giải trình chênh lệch lợi nhuận của Sonadezi Giang Điền.

Trong đó, điểm sáng tích cực được ghi nhận là mức độ tăng trưởng ở mảng cho thuê đất và cho thuê nhà xưởng các khu công nghiệp, đạt 34,5 tỷ đồng. Đặc biệt, doanh thu hoạt động tài chính trong quý của Sonadezi Giang Điền cũng bật tăng 150% so với cùng kỳ lên 5,6 tỷ đồng; đồng thời chi phí tài chính lại được tiết giảm, chưa đến 90 triệu đồng.

Sau khi trừ đi các khoản thu chi, doanh nghiệp này đã lãi sau thuế tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, đạt gần 70 tỷ đồng – mức lãi kỷ lục mới kể từ khi niêm yết đến nay.

Lúy kế 6 tháng đầu năm sau xét soát doanh nghiệp này mang về 103 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng ký năm ngoái.

Hay tại Công ty CP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Idico cũng mang lại doanh thu gần 111 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với mức 104 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong kỳ doanh thu tài chính tăng đột biến gấp gần 3 lần so với cùng kỳ, đạt 570 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Báo cáo tài chính quý II của Idico.

Sau khi trừ các khoản thuế phí, Hạ tầng Idico công bố lãi sau thuế 14,8 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Kéo theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, Idico đạt 216,3 tỷ đồng doanh thu và 28,6 tỷ lãi ròng, tăng lần lượt 6% và 4% so với cùng kỳ.

Dù không phải tất cả các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản khu công nghiệp đều báo lãi lớn trong thời gian qua nhưng phần nào đã cho thấy lợi thế của nhóm doanh nghiệp này. Sức hấp dẫn của bất động sản khu công nghiệp cũng đã thu hút những gương mặt mới đang muốn mở rộng kinh doanh sang phân khúc này như Him Lam, Tôn Đông Á, Đồng Phú,… khiến thị trường trở nên hấp dẫn và đa dạng về nguồn cung trong tương lai.

Thị trường BĐS Khu công nghiệp trên đà tăng trưởng trở lại

Theo chuyên gia của Cushman & Wakefield Việt Nam, thị trường KCN sẽ không có nguồn cung mới nào được ghi nhận trong nửa cuối năm 2023, nhưng năm 2024 sẽ đón thêm khoảng 1.800 ha diện tích đất công nghiệp mới, tập trung ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

“Nguồn cung đất công nghiệp trong tương lai sẽ tăng đáng kể, ước tính 2026 sẽ có thêm 5.254 ha, sau khi chính quyền các địa phương hoàn tất việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển của tỉnh”, đại diện Cushman & Wakefield cho biết.

Bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn, JLL Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản khu công nghiệp năm 2023 vừa qua cho rằng, thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam rất năng động và tiềm năng. Không ở đâu có nhiều sự tham gia của các nhà đầu tư lớn như ở Việt Nam. Hiện có hơn 15 nhà đầu tư tham gia phát triển đầu tư bất động sản công nghiệp, còn ở các nước khác chỉ có khoảng 5-6 nhà đầu tư. Điều này cho thấy, tăng trưởng của bất động sản công nghiệp tại Việt Nam là rõ ràng.

Bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn, JLL Việt Nam.

“Nếu như 5 năm trước, các khu công nghiệp chủ yếu cạnh tranh với nhau nhờ vị trí thì hiện tại, các chủ khu công nghiệp đã tập trung cung cấp thêm các dịch vụ đi kèm để hỗ trợ các nhà sản xuất. Cách thức cạnh tranh này thúc đẩy các nhà đầu tư nâng cấp để thu hút đầu tư”, bà Trang nói.

Đại diện JLL dự báo, trong khoảng 3-5 năm tới, sẽ thấy rõ nét hơn các xu hướng này trong các dự án bất động sản công nghiệp. Yếu tố tự đồng hoá và sinh thái cũng có những diễn biến tích cực hơn.

Theo KDPT