Thực hiện Chuyên đề nghiên cứu “Nhận diện môi trường kinh doanh bê tông thương phẩm: Góc nhìn phản biện, tư vấn chính sách pháp lý”, Phóng viên đã nhận được nhiều thông tin của người dân thôn Gò Dẫu, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) liên quan tới việc trạm trộn bê tông xây dựng và hoạt động nhưng chưa được cấp phép, chưa đảm bảo về môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, thôn dân cư. Theo khảo sát thực tế tại xã Thiện Kế, Công ty Cổ phần bê tông Phúc Thành đang kinh doanh sản xuất bê tông thương phẩm nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt các thủ tục pháp lý.

Đối chiếu với các quy định của pháp luật về kinh doanh, xây dựng trạm trộn bê tông có thể thấy rõ:

+ Để thủ tục xin cấp phép trạm trộn bê tông được cấp phép xây dựng trạm trộn bê tông thì chủ đầu tư cần cung cấp bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công, bản vẽ an toàn phòng cháy chữa cháy, bản vẽ công nghệ, kế hoạch bảo vệ môi trường. Đây vừa đảm bảo cho tính thuyết phục cho dự án vừa là đảm bảo vận hành hệ thống được an toàn.

+ Bản vẽ kỹ thuật thi công: bản vẽ kiến trúc, bản vẽ mặt đứng, mặt cắt ngang, tổng thể trạm trộn lắp đặt. Bản vẽ thiết kế phòng cháy chữa cháy: gồm bản vẽ cấp nước, chữa cháy tự động phòng ngừa cũng như đối phó tình trạng cháy trạm trộn xảy ra.

Bản vẽ hệ thống báo cháy tự động gồm: bộ điều khiển trung tâm, nút nhấn khẩn và hệ thống còi báo cháy tự động.

+ Xây dựng lắp đặt trạm trộn bê tông cũng có những ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy vấn đề xin giấy phép môi trường cần được nhà đầu tư thực hiện trong thủ tục xin cấp phép xây dựng. Theo quy định tại điều 40, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 thì nội dung giấy phép môi trường bao gồm các thông tin chung về dự án, cơ sở, khu vực lắp đặt, nội dung cấp phép môi trường, yêu cầu về bảo vệ môi trường…

Cổng làng thôn Gò Dẫu, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên nơi người dân phản đối việc xây dựng trạm trộn bê tông của Công ty Phúc Thành khi chưa được cấp phép

Từ chính sách đến thực tiễn nêu trên, PV Kinh doanh và Phát triển đã thực hiện khảo sát tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên để minh chứng thực tế cho chuyên đề. Ghi nhận ngay tại vị trí đường vào trạm trộn bê tông là một tấm bạt đỏ ghi dòng chữ “Đề nghị thanh tra sở TNMT Vĩnh Phúc xử lý trạm trộn bê tông tại thôn Gò Dẫu”.

Ghi nhận trực tiếp tại vị trí giáp với thôn Gò Dẫu (Bình Xuyên) là một trạm trộn bê tông “khủng” với 7 ống trộn bê tông cỡ lớn, băng chuyền, và hàng trục công trình liên quan khác. Đồng thời, tại vị trí xây dựng, không có bất cứ một biển bảng gì mang tên dự án, hay tên chủ đầu tư, tên Công ty theo quy định.

UBND xã Thiện kế đã ra 3 thông báo cấm xây dựng khi chưa được phép, nhưng những công trình xây dựng kiên cố trạm trộn bê tông của Công ty bê tông Phúc Thành vẫn mọc lên hiên ngang, thách thức dư luận và chính quyền địa phương

Theo người dân ở đây cho biết, Công ty này đã đi và hoạt động một thời gian, nhiều xe trở vật liệu xây dựng cỡ lớn chạy hàng ngày gây khói bụi, ô nhiễm môi trường, đã có lần bị người dân chặn xe không cho vào địa phận thôn dân cư. Mặc dù Công ty đã xuống thôn xin ý kiến người dân và cam kết thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, nhưng ý kiến người dân cơ bản vẫn chưa đồng thuận.

Chính quyền địa phương sở tại chưa thể ngăn được những vi phạm của Công ty cổ phần bê tông Phúc Thành, mặc dù đã 3 lần thông báo và giao cho Công an xã theo dõi việc chấp hành quy định đối với Công ty này

Trao đổi với lãnh đạo UBND xã Thiện Kế, ông Vũ Đình Long, Quyền Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước sự việc vi phạm trật tự xây dựng, tự ý xây dựng trạm trộn bê tông khi chưa được phép của Công ty cổ phần bê tông Phúc Thành trên địa bàn xã, UBND xã đã ra 3 Thông báo (Thông báo ngày 22/9/2022; ngày 12/12/2022 và ngày 16/12/2022) yêu cầu về việc dừng mọi hoạt động lắp đặt, sản xuất đối với công ty này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại ngày 19/12/2022 Công ty Phúc Thành đã xây dựng và có sản xuất thử nghiệm, song hồ sơ công ty hiện chỉ mới có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất doanh nghiệp.

Theo văn bản số 4462, ngày 18/11/2022 của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc ban hành gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc lắp đặt trạm trộn bê tông của Công ty cổ phần bê tông Phúc Thành tại xã Thiện Kế, Bình Xuyên ghi rõ thông tin nhà đầu tư dự kiến đề xuất dự án là Công ty cổ phần bê tông Phúc Thành mã số thuế 2500584452 địa chỉ tại phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc do ông Nguyễn Văn Thanh làm Giám đốc.

Dự án đề xuất hoạt động khoảng 5 năm, vị trí địa điểm tại xã Thiện Kế với diện tích gần 28.000m2. Đánh giá sự phù hợp với quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc chỉ rõ, theo quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và điều chỉnh năm 2017 định hướng là đất cây xanh, chưa phù hợp với tính chất của dự án.

Theo quy hoạch phân khu C4 cụ thể hóa quy hoạch phân khu đô thị Vĩnh Phúc được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại QĐ số 3926 năm 2014 là đất cây xanh cách ly, chưa phù hợp với tính chất dự án.

Theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 của huyện Bình Xuyên thì lại là đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, phù hợp với tính chất dự án.

Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng khẳng định hiện tại việc đề xuất lắp đặt trạm sản xuất bê tông tại xã Thiện Kế của Công ty Phúc Thành phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, nhưng chưa phù hợp với quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc và quy hoạch phân khu C4.

Các công trình xây dựng hoàn thành khi chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Vĩnh Phúc có bị buộc tháo dỡ theo quy định?

Như vậy, khi chưa được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng hoàn thiện và đi vào hoạt động là sai với quy định của pháp luật. Đồng thời, những ý kiến, kiến nghị của người dân về việc công ty gây ảnh hưởng đến môi trường, đến an toàn giao thông khi vận hành trạm trộn bê tông này là hoàn toàn có cơ sở.

Với những gì ghi nhận được và đối chiếu theo các quy định của pháp luật, có thể thấy xây dựng công trình trạm trộn bê tông thương phẩm phục vụ cho phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng của địa phương là viêc làm cần thiết, và có lợi ích lớn cho xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng, môi trường và các thủ tục pháp lý hiện hành mới có thể đi vào sản xuất. Điều đó đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững, cũng như đảm bảo cho hoạt động quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, công tác môi trường được thuận lợi.

HẬU NGUYỄN

Theo KDPT