Xác định rõ mức độ ưu tiên để đầu tư phù hợp
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam ngày 22.12, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhìn lại chặng đường 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, so sánh số liệu thống kê của chúng ta với tình hình chung trên thế giới, có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa và còn nhiều dư địa phát triển.
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2018 – 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD), bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm.
Tuy nhiên, ngành cũng đang gặp nhiều nút thắt về cơ chế, chính sách, nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng…
Chờ đợi những giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá phát triển công nghiệp văn hóa, nhiều kiến nghị về chính sách thuế, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp tham gia sáng tạo nội dung số cũng như không gian sáng tạo… được đề xuất.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, hiện nay các chính sách về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các chính sách khác, Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng những ưu đãi cho lĩnh vực văn hóa cũng như các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
Trước những kiến nghị vượt quá những chính sách, quy định hiện hành, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: “Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa như sáng tạo nội dung số, không gian sáng tạo, điện ảnh… tận dụng được cơ hội, trên cơ sở đó phát triển công nghiệp văn hóa”.
Còn theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, ngành công nghiệp văn hóa nằm rải rác trong 21 ngành kinh tế quốc dân. Bởi vậy, cần có nghiên cứu, xác định đây là ngành kinh tế mới hoặc nếu nằm trong các ngành đã có thì nên phân ngành kinh tế cụ thể. Từ đó, ngành ngân hàng muốn theo dõi hoạt động cho vay, cấp tín dụng hay hỗ trợ ngành công nghiệp văn hóa mới có số liệu thống kê để đánh giá tác động chính sách hiệu quả đến đâu và điều chỉnh phù hợp khi cần.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng, nếu xác định công nghiệp văn hóa là một ngành ưu tiên thì có thể đưa vào khung ưu tiên của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn phù hợp về cho vay, lãi suất tương tự như 5 lĩnh vực ưu tiên đang có. Nếu như xác định ngành công nghiệp văn hóa hoặc một cấu phần nào đó thuộc ngành công nghiệp văn hóa cần ưu tiên, cần có ngân sách nhất định từ phía hệ thống ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng phối hợp để triển khai tương tự các “gói” đã triển khai, như gần đây nhất là “gói” 15.000 tỷ đồng đối với nông dân, thủy sản.
Đánh giá cụ thể đóng góp của công nghiệp văn hóa
Hiện nay nhiều lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa chưa chuẩn hóa phương pháp thống kê, thiếu hệ thống theo dõi, nên rất khó đánh giá tình hình phát triển (hiện 3/5 lĩnh vực chủ yếu có chỉ tiêu theo dõi trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa nhưng chưa có số liệu đánh giá cụ thể). Thống kê của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan mới chỉ đáp ứng yêu cầu báo cáo phục vụ công tác quản lý, chưa được thực hiện toàn diện và đầy đủ dẫn đến đề xuất giải pháp phát triển của từng lĩnh vực chưa kịp thời và sát thực tế.
Bởi vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần có những công cụ đo đếm và quan sát đầy đủ lĩnh vực này. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất 2 nhóm giải pháp: huy động nguồn lực và đánh giá đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa. Tổng cục Thống kê đang thực hiện các cuộc điều tra, thống kê theo chương trình điều tra thống kê quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với ngành công nghiệp văn hóa, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện các giải pháp: xây dựng chỉ tiêu hệ thống thống kê để đánh giá đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng các cuộc điều tra thống kê để thu thập thông tin; xây dựng quy chế phối hợp chia sẻ thông tin.
Về nguồn lực đầu tư, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa có 12 ngành, và từng ngành cũng có cách tiếp cận, thu hút nguồn lực khác nhau, phương thức khác nhau và có thể có định hướng phát triển riêng. Có những ngành hiện nay đã huy động được nguồn vốn khu vực tư nhân, xã hội hóa lớn, nhưng một số ngành, lĩnh vực lại cần có sự đầu tư thích đáng của Nhà nước như phát thanh, truyền hình.
Đối với huy động nguồn lực, lĩnh vực văn hóa là một trong những ngành được xã hội hóa và hiện được hưởng mức ưu đãi cao nhất. Doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, 50% trong 9 năm tiếp theo, hưởng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt đời dự án. Tiền thuê đất cũng được miễn ở mức cao nhất theo quy định hiện hành…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển công nghiệp văn hóa không phải nhiệm vụ của riêng bộ, ngành nào mà cần huy động các cấp, ngành, địa phương vào cuộc, huy động được sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến; sớm hoàn thiện để trình ban hành văn bản phù hợp sau Hội nghị, từ đó có chuyển biến về nhận thức, tư duy và hành động, tạo ra sản phẩm, kết quả cụ thể cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa đảm bảo đáp ứng các yếu tố “Sáng tạo – Bản sắc – Độc đáo – Chuyên nghiệp – Lành mạnh – Cạnh tranh – Bền vững”.