web analytics

Người mua đang dần mất niềm tin vào thị trường bất động sản 14/06/2023

(KDTT) – Nhiều chuyên gia nhận định rằng, trong nửa năm nay, bất động sản vấp phải nhiều lực cản, song điểm đáng ngại nhất là niềm tin thị trường xuống thấp.

Thanh khoản thấp kỷ lục Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tỷ lệ hấp thụ các sản phẩm của thị trường bất động sản trong quý I/2023 giảm xuống mức thấp kỷ lục 11%. Tổng số giao dịch bất động sản trong quý là 2.700 căn, giảm hơn 50% so cùng kỳ năm trước. Nhu cầu thị trường vẫn còn trong trạng thái khiêm tốn khi người mua duy trì thái độ “chờ xem”, kỳ vọng vào việc giá tiếp tục giảm và lãi suất mua nhà giảm thêm nữa. Bên cạnh đó, những trường hợp “vỡ nợ kỹ thuật” gần đây cũng khiến người mua lo ngại về năng lực của chủ đầu tư, liệu các chủ đầu tư có thể hoàn thiện dự án theo đúng kế hoạch hay không. Tình hình thị trường như vậy cũng đã phản ánh lên sự sụt giảm đáng kể của doanh số bán hàng của các chủ đầu tư niêm yết trong quý I. Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh khoản toàn thị trường thấp như vậy VARS cho rằng, đại đa số người mua hụt dòng tiền khi kinh tế còn nhiều thách thức, lãi vay cao, cửa tín dụng khó vào, các dòng tiền nhàn rỗi vẫn trú chân ở kênh gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, yếu tố đáng lo ngại nhất, theo đơn vị này, là người mua mất niềm tin vào thị trường bất động sản.

Doanh nghiệp bất động sản luôn ở trong trạng thái “thiếu vắng khách hàng” trong thời gian qua.

“Việc niềm tin của người mua nhà bị sụt giảm liên tục trong một thời gian dài đã dẫn đến kịch bản mất thị trường như hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến thời gian qua địa ốc luôn trong trạng thái thiếu vắng khách hàng, thanh khoản xuống thấp kỷ lục”, đại diện VARS nhấn mạnh.

Cũng theo số liệu từ đơn vị này, trong 5 tháng đầu năm 2023, có 551 doanh nghiệp bất động sản giải thể (tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước). Doanh nghiệp thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2023, doanh thu của doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng theo khảo sát của VARS, có hơn 90% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu sụt giảm mạnh. Trên 95% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp môi giới đã tiếp tục sa thải thêm nhiều nhân sự.

Đồng thời, có tới hơn 40% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản trong khảo sát cho biết buộc phải cắt giảm lương nhân sự từ 10% – 20%. Nếu tình hình thị trưởng vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý 3.2023. Khoảng 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.

Riêng với lĩnh vực môi giới bất động sản, số lượng môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30%-40% so với thời điểm cuối năm 2022 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Doanh nghiệp địa ốc luôn thiếu vắng khách hàng

Việc hàng loạt môi giới nghỉ việc, cùng các sàn môi giới cũng ngừng hoạt động trên cả nước đã minh chứng cho niềm tin, sự quan tâm của người mua đối với các sản phẩm bất động sản đang ngày càng ít đi.

Chính việc niềm tin của người mua nhà bị sụt giảm liên tục trong một thời gian dài đã dẫn đến kịch bản mất thị trường như hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến thời gian qua địa ốc luôn trong trạng thái thiếu vắng khách hàng, thanh khoản xuống thấp kỷ lục.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong suốt thời gian qua, tự thân các Doanh nghiệp bất động sản, môi giới bất động sản đã, nỗ lực để có thể tồn tại và thoát khỏi trạng thái khó khăn.

Đồng thời, từ phía Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất sát sao, cố gắng nghiên cứu, đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Thể hiện ở việc ban hành hàng loạt các chính sách như: Nghị định 08/2023/ NĐ- CP; Nghị quyết 33/ NQ- CP; gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội; 5 quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước; Nghị định 10/2023/ NĐ- CP…

Theo ông Phạm Anh Khôi, thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường VARS, quý III năm nay là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn và là cơ hội để quan sát các phản ứng thực tế. Đây cũng sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không.

Ông Khôi cũng dự báo có hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư chưa được khôi phục thì có thể nguồn tiền này vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng, chấp nhận một mức lãi suất thấp hơn.

Ở kịch bản thứ hai, nếu lãi suất huy động giảm xuống mức 6-7% vào thời điểm cuối năm nay hoặc thậm chí là không giảm thì nguồn tiền khả năng cao sẽ ưu tiên quay trở lại thị trường bất động sản trong điều kiện niềm tin của người mua được cải thiện.

Trong khi đó, ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Long nhận xét, sau một thời gian địa ốc bộc lộ hàng loạt khó khăn, thách thức, đến nay khủng hoảng niềm tin vào thị trường bất động sản diễn ra khá nghiêm trọng, liên quan đến hàng loạt vấn đề tồn đọng. Chẳng hạn như gỡ vướng pháp lý cho các dự án đến đâu, kinh tế phục hồi ra sao, các chủ đầu tư giữ chữ tín như thế nào, dự án liệu có về đích hay không, khi nào thị trường hết khó khăn?

Theo ông Ngọc, các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản được Chính phủ quan tâm, đôn đốc triển khai nhưng vẫn có độ trễ và cần thời gian để đi vào thực tiễn. “Vì vậy, niềm tin của người mua càng bị thử thách và có thể phải mất rất nhiều thời gian để củng cố lại phòng tuyến này”, ông Ngọc nói.

Theo KDPT