Chiều 15/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn – Ảnh: VGP/ĐH

Bộ trưởng dẫn chứng việc đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo. Qua nắm bắt thông tin từ nhiều nguồn, ông Hoan cho rằng, giá cả lúa gạo đang nóng.

“Buổi sáng, giá lúa gạo đang đà tăng, chiều có thông tin về các nhà xuất khẩu của Ấn Độ sớm gỡ bỏ việc cấm xuất khẩu gạo. Các nội dung này không chỉ quan trọng với công tác chỉ đạo điều hành mà mỗi tin tức về giá cả, dự báo đều gắn với nỗi thấp thỏm, lo âu hay niềm vui của bà con dày công làm nên hạt thóc, hạt gạo”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng cho biết, nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn và ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ đối mặt với ba chữa “biến”: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững.

Do đó, từ các thực tiễn này, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn kiên trì thực hiện chiến lược tổng thể trong dài hạn, vừa linh hoạt xử lý tình huống, quản trị đồng bộ trong ngắn hạn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức trách quản lý chuyên ngành mang tính chất kinh tế, kỹ thuật trong khi đó Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội quán xuyến, bao quát các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh sẽ có cách tiếp cận vấn đề với nhiều góc độ khác nhau.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn cho biết, Quốc hội đã có Nghị quyết về sử dụng đất quốc gia, trong đó quy định rõ diện tích đất lúa. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, đến nay đã chốt được 3,5 triệu ha đất lúa để người dân yên tâm canh tác chưa?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, cách đây 10 năm, cả nước có trên 4 triệu ha đất lúa, nay còn 3,9 triệu ha. Theo Nghị quyết, cả nước sẽ sử dụng linh hoạt khoảng 5 triệu ha đất lúa. Sẽ có tình huống nhường đất lúa để xây đường, cơ sở hạ tầng…

Quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai nên sẽ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng, các địa phương đều đã ổn định diện tích lúa, trong quy hoạch của tỉnh cũng đã phân khu vực dành cho đất nông nghiệp, đất lúa.

Tất nhiên, mọi quy hoạch không thể đứng yên, chuyển đổi đất đai là một sự đánh đổi. Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp khi chuyển đổi đất lúa cần ý thức đằng sau đó là con người, ngành hàng, chuỗi dịch vụ liên quan…

“Chúng tôi sẽ cùng với địa phương phân tích tình huống khi nào cần chuyển đổi, cân nhắc giữa phát triển và giữ gìn”, Bộ trưởng cho biết.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết, trồng và sản xuất hạt điều là một trong những mặt hàng nông nghiệp chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trồng và sản xuất điều lớn trong nước hiện đang có xu hướng tăng nhập khẩu. Vị trí dẫn đầu trong ngành điều của nước ta trên thế giới đang bị lung lay cũng như thương hiệu điều Việt Nam đang bị ảnh hưởng.

Đại biểu Sang đề nghị, Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp để ngành điều nước ta phát triển bền vững trong thời gian tới?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan bày tỏ “rất bất ngờ” khi đến thăm một vườn điều và thấy thu nhập bà con trồng điều 40 triệu đồng/năm.

“Tôi cứ nghĩ trồng ở ĐBSCL lúa thấp nhất nhưng thu nhập trồng điều thấp hơn nữa, tôi rất nhiều cảm xúc”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và thừa nhận có tình trạng nhiều người trồng điều chuyển sang trồng sầu riêng.

Nhắc đến mong muốn Bình Phước là thủ phủ của điều và Việt Nam sẽ đứng đầu thế giới về điều, nhưng nay, Bộ trưởng Hoan nói mọi chuyện đã thay đổi.

Ông cho biết trước kia ta nhập điều thô từ các quốc gia Tây Phi, nhưng các quốc gia bắt đầu tăng cường chế biến, hạn chế xuất khẩu điều thô. Còn ở Việt Nam, điều sản xuất trong nước để chế biến, xuất khẩu chỉ khoảng 20-30%.

“Chúng ta phải tái cấu trúc ngành hàng điều, từ chuỗi người nông dân trồng điều đến các hiệp hội phải ngồi lại với nhau”, Bộ trưởng Hoan nói.

Ông cho hay Bộ NNPTNT đang thí điểm trồng nấm linh chi đỏ dưới tán điều ở Bình Phước, tích hợp đa giá trị trên một mảnh đất. Chỉ khi ấy người nông dân bằng thu nhập khác mới có thể giữ cây điều.

Vấn đề liên quan tới thu nhập của người dân sống dưới tán rừng, dự kiến tháng 9 trình Thủ tướng Đề án phát triển đa dụng dưới tán rừng, xem điều như một dạng rừng, làm sao tạo sinh kế nhiều hơn. “Chúng ta sẽ làm được nếu chúng ta thích ứng”, Bộ trưởng Hoan nói.

Cùng tham gia trao đổi về nội dung này, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu là thực tế nhưng trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước, doanh nghiệp hay người sản xuất kinh doanh đều phải tuân thủ quy luật khách quan về cung – cầu, giá trị cạnh tranh và lưu thông tiền tệ.

Ông Diên cho biết hiện nay, trong hàng xuất khẩu của Việt Nam, 74% đem lại là từ các doanh nghiệp FDI, hầu hết nguyên liệu đầu vào đều nhập khẩu nên có nhập khẩu điều để giữ thương liệu và thị trường hay không cũng là việc phải cân nhắc.

Mặt khác, theo Bộ trưởng Công Thương, cây điều của Việt Nam với sản lượng nhỏ, chất lượng không ổn định cũng là rào cản nhất định cho việc xuất khẩu, giữ vững thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường.

“Nếu trên diện tích trồng điều mà có cây trồng hay con vật khác hiệu quả hơn, chúng ta cũng cần tính”, ông Diên nói.

Ông đề nghị các địa phương trồng điều quy hoạch lại để có diện tích đủ lớn, áp dụng công nghệ để có chất lượng sản phẩm ổn định cho xuất khẩu; liên kết trong sản xuất, chế biến để đảm bảo cho xuất khẩu.

Theo KDPT