Xanh hóa ngành công nghiệp xây dựng góp phần xanh hóa nền kinh tếGiải pháp giảm phát thải, chuyển đổi xanh hướng đến nền sản xuất bền vững

Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực phát triển mới. Trong đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, coi đây là lựa chọn khách quan và chiến lược của Việt Nam.

Ngành nông sản là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn cũng không nằm ngoài định hướng đó, đặc biệt là ngành hàng xuất khẩu cà phê.

Đứng thứ hai thế giới, xuất khẩu cà phê giúp Việt Nam thu về hơn 4 tỷ USD/năm. Ngành hàng thế mạnh này của nước ta đang chuyển sang chặng đường tăng trưởng xanh, minh bạch và trách nhiệm.

Ngành cà phê tái cơ cấu theo hướng xanh, bền vững
Xuất khẩu cà phê giúp Việt Nam thu về hơn 4 tỷ USD/năm

Trong 10 thị trường lớn mà Việt Nam xuất khẩu cà phê thì có 5 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU), thị trường có những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững.

Gần đây, thị trường này quy định sản phẩm nông nghiệp, trong đó có cà phê khi xuất khẩu vào EU bắt buộc không được trồng trên đất phá rừng. Ngay lúc này, ngành hàng cà phê đang tập trung tái cơ cấu theo hướng xanh, bền vững, có trách nhiệm với toàn cầu.

Huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh này, trên 44.000 ha và cũng là địa phương có diện tích rừng lớn, khoảng 83.000 ha, độ che phủ 55%. Trước quy định chống phá rừng của Châu Âu, nông dân huyện Di Linh khá tự tin vì lâu nay đã canh tác bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ông Trần Mai Bình, Giám đốc Hợp tác xã Cà phê Hoa Linh, huyện Di Linh, Lâm Đồng, cho biết “Toàn bộ diện tích canh tác đã nằm trên đất nông nghiệp, khai phá cách đây hơn 20 năm, không nằm trong diện tích đất rừng, nên hợp tác xã yên tâm về chất lượng”.

Ngoài quản lý khâu sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đang số hóa dữ liệu quản lý vùng trồng, gắn tọa độ định vị cho từng nông trại để chứng minh năng lực thực hiện Luật Chống phá rừng.

Châu Âu chỉ quan tâm những diện tích cà phê trồng sau năm 2020. Trong khi đó cà phê của Việt Nam trồng sau năm 2020 rất ít. Vì vậy Luật Chống phá rừng được các chuyên gia đánh giá là lợi thế cạnh tranh của cà phê Việt Nam so với các quốc gia cùng xuất khẩu cà phê.

Tuân thủ Luật Chống phá rừng không chỉ đáp ứng cho xuất khẩu bền vững vào Châu Âu, mà ngành nông nghiệp Việt Nam xem đây là thời cơ để tái cơ cấu sản xuất theo hướng minh bạch, trách nhiệm, hướng đến nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, nhận định “đây là cơ hội để thế giới thấy rằng Việt Nam không những minh bạch và thực thi chính sách ở cấp độ quốc gia mà cho đến khâu sản xuất, hòa nhập sâu vào thị trường”.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, nhìn nhận với quy định EUDR của EU, chúng ta không còn cách nào khác là thực hiện nghiêm yêu cầu của họ. Bởi, Châu Âu mỗi năm nhập khẩu hơn 60% sản lượng của Việt Nam.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho cà phê Việt. Nếu làm tốt sẽ tiến tới sản xuất xanh, bền vững, đồng thời sản phẩm của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh rất lớn tại EU so với mặt hàng cùng loại từ các quốc gia chưa thích ứng được với EUDR.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, chủ trương của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi nông nghiệp sang hướng sinh thái, xanh và bền vững. Việt Nam coi đây không chỉ là việc thực hiện các cam kết quốc tế, mà còn là để tạo ra những giá trị mới cho phát triển nông nghiệp đi kèm với bảo vệ và phát triển môi trường bền vững, gìn giữ tài nguyên cho thế hệ tương lai, đóng góp cho phát triển bền vững toàn cầu.

Bộ trưởng cũng nêu rõ cam kết của Chính phủ Việt Nam trong phát triển ngành nông nghiệp minh bạch – trách nhiệm – bền vững khi Việt Nam đã trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm lớn trên thế giới./.

HƯƠNG LAN

https://kinhdoanhvaphattrien.vn/nganh-ca-phe-tai-co-cau-theo-huong-xanh-ben-vung-33139.html