web analytics

Năng suất lao động: Cần một phong trào quốc gia để thúc đẩy 03/05/2019

(KDTT) – Trong khoảng một thập niên trở lại đây, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ mất việc làm cho lao động Việt Nam, năng suất lao động của nước ta dù thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực nhưng đã có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Điều này khiến các chuyên gia lo ngại về khả năng Việt Nam sẽ bị mắc vào bẫy thu nhập trung bình ngay từ giai đoạn đầu.

Việt Nam bị bỏ xa

Năm 2017, bình quân một người lao động (NLĐ) Việt Nam làm ra 4.166 USD. Tính theo giá so sánh năm 2010, NSLĐ năm 2017 tăng 6% so với năm 2016; giai đoạn 2007 – 2016, nếu tính theo sức mua tương đương năm 2011, thì NSLĐ của Việt Nam tăng trung bình 4,2%/năm, cao hơn so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Tuy nhiên, do NSLĐ của nước ta còn có khoảng cách rất lớn so với các nước trong khu vực, nên mặc dù tốc độ tăng NSLĐ của nước ta cao hơn, nhưng về giá trị tuyệt đối thì khoảng cách ngày càng giãn rộng.

Cụ thể, tính theo sức mua tương đương năm 2011, bình quân mỗi lao động Việt Nam năm 2016 làm ra 9.894 USD, so với con số tương ứng của Singapore là 131.300 USD, Malaysia 46.200 USD, Thái Lan 17.200 USD, Indonesia 13.500 USD,… Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Có nhiều nguyên nhân khiến NSLĐ của Việt Nam thấp, nhưng theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chủ yếu do cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch; lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu… Tất cả các yếu tố này cộng lại khiến tăng trưởng kinh tế vẫn dựa vào chiều rộng, chủ yếu nhờ tăng vốn đầu tư và thâm dụng lao động.

Ảnh minh họa

Cần xây dựng một chương trình quốc gia

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá: “Hiện nay năng suất quốc gia của Việt Nam vẫn ở mức thấp và tăng trưởng chưa đủ nhanh để bắt nhịp được với quá trình hội nhập sâu rộng sắp tới. Tăng năng suất của Việt Nam trong thời gian chủ yếu do chuyển dịch lao động theo ngành từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ chứ không phải cải thiện hiệu quả trong từng ngành cụ thể”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, cho rằng để tăng năng suất đủ nhanh để cất cánh, cải cách công tác giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là chìa khóa để thúc đẩy nâng cao năng suất của Việt Nam trong thời gian tới. Cần phát động phong trào tăng năng suất lao động trong tất cả các khu vực của nền kinh tế. Đại diện VCCI cũng đề xuất chọn một tháng trong năm là tháng năng suất lao động quốc gia với việc công bố giải thưởng Top 100 doanh nghiệp, tổ chức có cải thiện năng suất cao trong năm. “Đây như là ngọn hải đăng trong việc tăng năng suất lao động trong thời gian tới”, ông Lộc đề xuất.

Hơn nữa, “Việt Nam cần xây dựng một chương trình nâng cao năng suất quốc gia có tính lâu dài với sự cam kết của lãnh đạo cao nhất, tương tự sự quan tâm của Thủ tướng Lý Quang Diệu dành cho Phong trào năng suất ở Singapore – một yếu tố quan trọng cho thành công của các chính sách lớn, mang tính bao trùm, tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vực”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo KDPT