web analytics

Mực nước biển dâng cao có thể quét sạch rừng ngập mặn vào năm 2050 05/06/2020

(KDTT) – Được đánh giá là “cứu tinh” của con người trong ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng theo các nghiên cứu mới, khi mực nước biển dâng cao, rất có thể các khu rừng ngập mặn sẽ biến mất vào năm 2050.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science cho thấy, các khu rừng ngập mặn sẽ có nguy cơ bị tàn lụi khi mực nước biển tăng hơn 6 mm mỗi năm, tốc độ thậm chí cao hơn khoảng 30% so với thập kỷ trước. Con số này sẽ tiếp tục tăng nếu con người không đưa ra các phương pháp nhằm cắt giảm khí thải nhà kính.

Rừng ngập mặn có thể biến mất vào năm 2050 do mực nước biển dâng cao. (Ảnh: Education Images)

Khi mực nước biển dâng cao, con người phải đối diện với nguy cơ mất đất ở, đất sản xuất, đồng thời nước ngầm nhiễm mặn. Trong khi đó, rừng ven biển lại có khả năng giữ và cố định vật chất lơ lửng, phù sa, từ đó, sẽ tạo nên một vùng đất mới. Cây xanh đóng một vai trò quan trọng trong việc quang hợp khí CO2 tạo ra oxy và bảo vệ chúng ta khỏi bão, xói mòn bờ biển và bảo vệ cho động vật hoang dã.

Ở Florida (Mỹ), khôi phục rừng ngập mặn là cách mà các nhà khoa bảo vệ cộng đồng ven biển khỏi sự tàn phá của biến đổi khí hậu. Nhưng nếu rừng ngập mặn có thể cứu chúng ta, trước tiên chúng ta cần cứu chúng.

Erica Ashe, một trong những tác giả của nghiên cứu và là nhà khoa học sau tiến sĩ tại Đại học Rutgers cho biết: “Chúng tôi có cơ hội ở đây để hành động và giữ cho tốc độ tăng mực nước biển dưới các ngưỡng quan trọng, đó là một phần lý do mà đây là một nghiên cứu quan trọng”

Những rễ cây ngập mặn thực sự có thể kéo nước ngọt từ biển và phục vụ như một vườn ươm cho cá, động vật giáp xác và động vật có vỏ. Nhưng nếu rễ của chúng bị ngập hoàn toàn quá lâu, chúng sẽ bị coi như “chết đuối”. 1/5 rừng ngập mặn trên thế giới đã bị biến mất từ năm 1980 đến 2010, bởi lẽ, cây thường có thể thích nghi với nước dâng cao bằng cách di chuyển vào đất liền, nhưng sự phát triển của con người dọc theo bờ biển hiện đã cản đường chúng. Ví dụ như vịnh Tampa, một trong những cửa sông lớn nhất của nó đã mất gần một nửa rừng ngập mặn trong thế kỷ qua.

Để tìm ra mực nước biển tăng như thế nào là vừa đủ để rừng ngập mặn tồn tại, Ashe và các đồng nghiệp đã nghiên cứu các lõi trầm tích từ 78 địa điểm trên toàn cầu. Tuy nhiên vẫn không có đủ thông tin về các tác động gần đây đối với mực nước biển do con người gây ra (tác động bởi băng tan và nước ấm hơn), vì vậy các nhà nghiên cứu tìm kiếm về thời điểm khi rừng ngập mặn cổ đại xuất hiện. Họ phát hiện ra rằng, hệ sinh thái rừng ngập mặn chỉ phát triển khi tốc độ tăng mực nước biển giảm xuống dưới khoảng 7 mm mỗi năm.

Giáo sư Catherine Lovelock của Đại học Queensland nói trong một nghiên cứu được công bố ngày hôm qua: “Chính phủ nên tìm giải pháp để giữ mực nước biển dâng dưới ngưỡng đó để giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo vệ hàng triệu người sống dựa vào rừng ngập mặn, bảo vệ lũ lụt, thực phẩm và chất xơ. Điều đó có nghĩa là phải cắt giảm nhiên liệu hóa thạch và cho rừng ngập mặn nhiều thời gian, không gian hơn để thích nghi với một thế giới đang thay đổi.”

Theo KDPT