Ngân hàng Nhà nước giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm

Bức tranh nhiều điểm sáng

Tròn một năm trước, Việt Nam đã kết thúc năm 2022 với rất nhiều lo lắng: Tốc độ tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu khó khăn, thị trường trái phiếu đổ vỡ, thị trường bất động sản khủng hoảng nặng nề, lãi suất tăng mạnh, doanh nghiệp lao đao. Tuy nhiên, bằng những quyết sách hợp lý, kịp thời, Chính phủ đã lèo lái con thuyền kinh tế vượt qua những thời điểm gian nan nhất, từng bước đi lên.

Kết quả thống kê cho thấy, trong 4 quý qua, tăng trưởng GDP đã liên tục tăng theo thời gian: quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%, quý IV tăng 6,72%, trung bình cả năm tăng 5,05%. Mặc dù chưa đạt được kỳ vọng đề ra (6%-6,5%), song mức tăng trưởng 5,05% đã là một thành tựu đáng ghi nhận, thuộc nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Điều đáng nói là nền tảng vĩ mô được duy trì ổn định, với nông – lâm – ngư tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, đảm bảo năng lực cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và gia tăng xuất khẩu, góp phần làm nên thành tích xuất siêu 28 tỷ USD, là năm xuất siêu thứ 8 liên tiếp. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát năm 2023 được kiểm soát ở mức hợp lý, CPI cả năm ước tính chỉ tăng 3,25% so với năm trước.

PGS Phạm Thế Anh
PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Phân tích sâu hơn về việc kiểm soát lạm phát, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, chỉ ra rằng việc Việt Nam tham gia tương đối sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đã giúp năng lực sản xuất của nước ta được cải thiện rõ nét – là điều kiện tiên quyết để Việt Nam chống lạm phát. “Nếu so sánh, ta thấy nhiều nước thường thiếu hụt một loại mặt hàng nào đó, từ nhiên liệu tới lương thực thực phẩm, nên bị lạm phát cao. Ngược lại, Việt Nam đã tự chủ được hầu hết, trừ nhiên liệu, nên không bị như vậy. Ngoài ra, một yếu tố có phần may mắn khác của Việt Nam là năm qua, kinh tế Trung Quốc khó khăn, lạm phát rất thấp. Điều đó giúp hàng hóa Trung Quốc, bao gồm cả nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng, nhập vào Việt Nam cũng có giá thấp. Nhờ vậy, Việt Nam kiểm soát lạm phát tương đối tích cực”, ông nói.

Nếu so sánh, ta thấy nhiều nước thường thiếu hụt một loại mặt hàng nào đó, từ nhiên liệu tới lương thực thực phẩm, nên bị lạm phát cao. Ngược lại, Việt Nam đã tự chủ được hầu hết, trừ nhiên liệu, nên không bị như vậy. Ngoài ra, một yếu tố có phần may mắn khác của Việt Nam là năm qua, kinh tế Trung Quốc khó khăn, lạm phát rất thấp. Điều đó giúp hàng hóa Trung Quốc, bao gồm cả nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng, nhập vào Việt Nam cũng có giá thấp. Nhờ vậy, Việt Nam kiểm soát lạm phát tương đối tích cực

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân

Lạm phát thấp là một trong những cơ sở để Chính phủ mạnh tay giảm lãi suất điều hành ngay từ đầu năm (tổng cộng 4 lần giảm, từ tháng 3 – tháng 6/2023), giúp kéo mạnh mặt bằng lãi suất huy động xuống mức thấp kỷ lục và đưa mặt bằng lãi suất cho vay xuống 1 con số ở một số lĩnh vực, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tốt.

Một điểm sáng nổi bật khác trong năm 2023 là đầu tư công được giải ngân mạnh mẽ. Năm 2023 có thể gọi là một năm đột phá về hạ tầng khi có tới 26 dự án được khởi công và 20 dự án được khánh thành.

Trong 26 dự án được khởi công, có những dự án rất lớn như: 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025; các dự án cao tốc trục Đông – Tây; Vành đai 4 Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM; nhà ga sân bay Long Thành; Ga T3 Tân Sơn Nhất…

Trong 20 dự án được khánh thành, có 17 dự án đường bộ, 1 dự án hàng hải, 2 dự án đường thủy. Đáng chú ý nhất trong số này là 9 dự án cao tốc mới hoàn thành gồm: Mai Sơn – Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 – Nghi Sơn; Nghi Sơn – Diễn Châu; Vĩnh Hảo – Phan Thiết; Phan Thiết – Dầu Giây; Nha Trang – Cam Lâm; Mỹ Thuận – Cần Thơ; Cầu Mỹ Thuận 2 và Tuyên Quang – Phú Thọ. Với số dự án cao tốc được khánh thành trong năm 2023, cả nước đã có thêm 475 km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài cao tốc đưa vào khai thác lên 1.892 km.

Về thu hút FDI, năm 2023 có thể xem là một năm tương đối thành công với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 (bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Điều đáng nói, theo PGS.TS Phạm Thế Anh, là Việt Nam đã chứng kiến sự dịch chuyển vốn đầu tư từ Trung Quốc sang khá mạnh mẽ, kéo theo sự “lên ngôi” của các khu công nghiệp phía Bắc (tại các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh…). Ngoài ra, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ (lên cấp cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện) đã mở ra kỳ vọng lớn về việc thu hút FDI chất lượng cao từ các nước Âu – Mỹ, bên cạnh các nguồn FDI truyền thống tới từ các nước Đông Á (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) và khu vực ASEAN (Singapore, Malaysia…).

Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12 các năm 2019-2023 (Tỷ USD) (Nguồn: GSO)
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12 các năm 2019-2023 (Tỷ USD) (Nguồn: GSO)

Điểm sáng đáng kể khác là năm 2023, số lượng doanh nghiệp mới thành lập khá cao. Theo Tổng cục Thống kê (GSO), tính chung cả năm 2023 có 217,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,5% so với năm trước; bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2023 cũng cho thấy tín hiệu tích cực khi có 31,7% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý III/2023 và dự kiến quý I/2024, có 31,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2023.

Còn đó những băn khoăn

Bên cạnh những thành tựu nổi bật đã đạt được, bức tranh kinh tế 2023 vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Một là tín dụng tăng trưởng yếu hơn năm trước, ước tính năm nay chỉ tăng 11,09%, cách khá xa “trần” 14%-15% được nêu ra từ đầu năm. Điều này cho thấy sức khỏe doanh nghiệp vẫn chưa được phục hồi đầy đủ nên nhu cầu vốn không lớn, mặt khác cũng phản ánh những rủi ro nhất định đang tăng lên trong hệ thống ngân hàng.

Hai là đầu tư tư nhân năm 2023 chưa mạnh mẽ, do một lượng vốn tư nhân lớn đang mắc kẹt trên thị trường tài sản, đặc biệt là bất động sản. Trên thực tế, thị trường bất động sản đã có sự phục hồi tích cực dưới tác động của hàng loạt chính sách “giải cứu” từ Chính phủ và các địa phương, song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ba là những điểm nghẽn trên thị trường tài chính vẫn chưa được xử lý triệt để. Đơn cử như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dù năm qua đã có những chính sách kịp thời như Nghị định 08, thành lập sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, song quy mô phát hành vẫn còn khá “khiêm tốn”, việc vi phạm nghĩa vụ trả nợ khi đáo hạn vẫn còn xảy ra, khiến niềm tin thị trường chưa được khôi phục và khả năng thu hút vốn của doanh nghiệp còn hạn chế.

Dù vậy, những vấn đề trên đã và đang được Chính phủ tập trung giải quyết, cũng đã cho thấy những kết quả ban đầu, thậm chí khá đáng kể. Điều đó đã tạo nền tảng để nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2024 với một vị thế cao hơn khi bắt đầu năm 2023.

Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ cao hơn 2023, song cũng khuyến nghị Chính phủ cần tiếp tục duy trì các chính sách tài khóa mở rộng, với đầu tư công mạnh mẽ và hỗ trợ thuế phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tới việc tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho thị trường bất động sản, khơi thông dòng chảy trái phiếu doanh nghiệp cũng như tiếp tục tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp để tăng đầu tư tư nhân, tăng tiêu dùng trong nước cũng như thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu./.

HẢI THU

https://kinhdoanhvaphattrien.vn/mot-nam-nguoc-dong-an-tuong-cua-kinh-te-viet-nam-33238.html