web analytics

Xuất khẩu da giày có thể tăng trưởng 20% trong năm 2021 16/12/2020

(KDTT) – Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, xuất khẩu ngành da, giày, túi xách sẽ tăng trưởng 15 – 20% trong năm 2021 nếu tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt.

Xuất khẩu giảm nhẹ do dịch COVID-19

Theo Bộ Công Thương, tính chung 11 tháng năm 2020, sản lượng giày dép da ước đạt 265,6 triệu đôi, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan cũng giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự như dệt may, sản xuất của ngành da giày bị ảnh hưởng lớn do tác động của dịch COVID-19.

Tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại tháng 11/2020 ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 0,1% so với tháng trước; tính chung 11 tháng năm 2020 xuất khẩu ước đạt 14,93 tỷ USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành da – giày có nhiều triển vọng tăng trưởng vào năm 2021. Ảnh: TTXVN.

Bà Phan Thị Thanh Xuân đánh giá, ngay từ đầu năm, dịch COVID-19 đã gây đứt gãy chuỗi cung cầu. Cả năm 2020, xuất khẩu mặt hàng da giày có thể giảm 10% so với năm 2019, đạt khoảng 20 tỷ USD, tương đương năm 2018. Dù vậy, đây là mức giảm nhẹ so với mức độ tác động của dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nên việc sản xuất không bị gián đoạn nhiều. Nhờ vậy, các đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam. Đó là lợi thế lớn giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất.

Triển vọng tăng trưởng trong năm 2021

Về triển vọng năm 2021, Bộ Công Thương nhận định, FTA Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong năm 2021.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, da giày là một trong những ngành tận dụng tốt nhất Hiệp định EVFTA. Xuất khẩu ngành da, giày, túi xách sẽ tăng trưởng 15 – 20% trong năm 2021, nếu tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, bà Xuân cho rằng, cần đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ.

“Nếu phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu nguyên phụ liệu, khi xảy ra vấn đề chuỗi cung doanh nghiệp sẽ bị động. Thời gian sắp tới là cơ hội tốt để toàn ngành và Chính phủ thiết lập lại chính sách mạnh hơn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam cần chớp cơ hội để phát triển sản xuất nguyên phụ liệu ở Việt Nam”, bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.

Trước những khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tự tìm đường phát triển cho doanh nghiệp. Bà Trần Thị Hướng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định cho biết, năm 2020 do ảnh hưởng bởi COVID-19, các đơn hàng giảm 20 – 30%. Thậm chí tại Mỹ, lượng đơn hàng giảm tới 50%. Tuy nhiên, hiện nay các đơn hàng bắt đầu tăng trở lại. Tập đoàn đã đủ đơn hàng để thực hiện đến tháng 2/2021. Tuy nhiên, thời gian thanh toán các đơn hàng bị kéo dài gấp đôi so với trước đây. Do đó, doanh nghiệp phải tìm nguồn tài chính để ổn định sản xuất…

THU TRANG/ Báo Tin tức