Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

Có thể nói, kể từ giữa năm 2022 tới nay, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung đã có nhiều diễn biến phức tạp và khó khăn chưa từng có trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Ở đó, những người hoạt động trong nghề môi giới bất động sản sẽ hiểu rõ sự khó khăn của thị trường thời gian qua.

Ở một chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, với việc thị trường khan hiếm sản phẩm, thiếu hụt khách hàng đã khiến các sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản bị đặt vào thế khó. Tình trạng khó khăn đến từ cả hai chiều, giống như 1 chốt chặn đầu và 1 chốt chặn sau, khiến cho các sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản không có cơ hội “trở mình”, bị dồn vào thế “hoang mang, vô định, khó có thể vùng vẫy”.

Thực tế đã chứng minh cho những khó khăn mà các sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản đang phải đối mặt khi trong cả năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, chỉ bằng hơn 20% nguồn cung năm 2018. Đặc biệt, trong quý I/2023, thị trường hầu như không đón nhận nguồn cung mới.

Chính điều này đã làm giảm đáng kể lượng khách hàng hiện hữu và tiềm năng của môi giới bất động sản. Đấy là chưa kể chất lượng của nguồn hàng khi chủ yếu là sản phẩm đến từ các dự án cũ, không đủ sức hấp dẫn đối với khách hàng.

Đồng thời, niềm tin của khách hàng vào thị trường bất động sản ngày càng sụt giảm. Chẳng hạn, việc vay vốn mua bất động sản khó khăn trong, lãi suất cho vay quá cao cũng như khó khăn do tình hình kinh tế chung làm cho một lượng lớn khách hàng khó khăn về tài chính. Ngoài ra, lãi suất huy động cao đã thu hút lượng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng thay vì đầu tư cũng khiến cho thị trường bất động sản thêm ảm đạm.

Với những con số mà VARs đưa ra, có thể thấy đây thực sự là một kịch bản hết sức nguy hiểm.

Môi giới cần làm gì để “vượt lũ”?

Số liệu khảo sát từ VARs cũng chỉ ra, số lượng nhân viên hiện còn hoạt động trên thị trường chỉ bằng khoảng 30-40% so với thời điểm cuối năm 2022.

Có thể thấy, thị trường ghi nhận một lượng lớn môi giới viên phải nghỉ việc do chủ động (thu nhập không đủ sống) và bị động (doanh nghiệp sa thải, tạm dừng hoạt động hoặc phá sản…).

Còn lại số nhân viên môi giới cố gắng bám trụ lại với nghề đã phải vận dụng linh hoạt đủ mọi hình thức để có thể tồn tại, bao gồm đa dạng hóa lĩnh vực, tìm kiếm việc làm thêm…

Đồng thời, phần lớn môi giới, lên tới hơn 95% số người được khảo sát, có thu nhập giảm so với năm trước. Trong đó, hơn 14% cho biết thu nhập của họ giảm 20-30% so với cùng kỳ. Hơn 54% cá nhân ghi nhận mức tụt giảm 30-40%. Cá biệt có khoảng 5% môi giới bị giảm trên 70% thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) cho rằng, cho biết trong thời gian này những người làm nghề môi giới BĐS muốn gắn bó lâu dài với nghề cần bổ sung thêm kiến thức và hoàn thiện những kỹ năng nghề nghiệp của mình.

Còn các sàn giao dịch, công ty môi giới, nên tận dụng thời gian để tập trung đào tạo lại đội ngũ nhân sự. Đây sẽ là một sự chuẩn bị tốt để khi thị trường phục hồi, các công ty sẽ có một lực lượng nhân viên môi giới làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm và hiệu quả.

“Môi giới cần phải có chứng chỉ hành nghề, có kiến thức chuyên môn để trở thành môi giới chuyên nghiệp, có văn hóa chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam”, ông Đính nói.

Thực tế, số liệu từ VARs chỉ ra, mặc dù lực lượng tham gia rất hùng hậu với trên 300.000 người nhưng những người môi giới bất động sản thực sự qua đào tạo và được cấp chứng chỉ hành nghề chỉ có khoảng 30.000 người, nghĩa là chỉ bằng 1/10 con số thống kê, chiếm khoảng 10%. Song đó chỉ là con số thống kê người hành nghề môi giới BĐS tại các sàn giao dịch, còn thực tế môi giới tự phát (hay còn gọi là cò đất) thì không thể thống kê hết được.

Theo KDPT